Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo đặt cọc mua đất

08:05, 13/05/2023

Việc phân lô bán nền đất nông nghiệp hiện không còn sôi động như trước nhưng vẫn còn có người bị mất tiền vì "sập bẫy" chiêu trò của những người môi giới bất động sản dụ khách hàng đặt cọc mua đất để lừa đảo.

Việc phân lô bán nền đất nông nghiệp hiện không còn sôi động như trước nhưng vẫn còn có người bị mất tiền vì “sập bẫy” chiêu trò của những người môi giới bất động sản (BĐS) dụ khách hàng đặt cọc mua đất để lừa đảo.

Bà N.T.K.N. (ngụ TP.HCM) tìm tới Báo Đồng Nai phản ánh vụ việc. Ảnh: Đ.PHÚ
Bà N.T.K.N. (ngụ TP.HCM) tìm tới Báo Đồng Nai phản ánh vụ việc. Ảnh: Đ.PHÚ

* Chiêu lừa đặt cọc mua đất là… “có lợi”

Trong một lần lên mạng xã hội, bà N.T.K.N. (51 tuổi, ngụ TP.HCM) nhận được tin nhắn trên Zalo của một nhân viên môi giới BĐS tên An mời tham dự sự kiện tri ân khách hàng tại một địa chỉ trên đường Song Hành, P.An Phú, Q.2 (TP.HCM), vào ngày 9-2-2023. Qua liên lạc, người này sau đó dời lại ngày hẹn vào ngày 16-2-2023, cũng tại địa chỉ trên.

Đúng hẹn, bà N. tới địa chỉ trên thì được ông An nói ra quán cà phê chờ một khách hàng khác là bà N.H.T. (ngụ tại H.Bình Chánh) cùng đi xem dự án. Sau đó, cả hai được đưa lên xe ô tô về xã An Phước (H.Long Thành) để xem dự án BĐS là một khu đất trống đã dựng sẵn mái che, bàn ghế.

Bà N. và bà T. được nhóm nhân viên môi giới BĐS ở đây giới thiệu rằng dự án này chỉ còn 5 lô ưu đãi, nếu khách hàng muốn mua phải đặt cọc trước 100 triệu đồng/lô để giữ chỗ. Chỉ cần đặt tiền cọc, nếu có người khác mua lại, khách hàng sẽ được công ty thưởng 2 chỉ vàng, lì xì 20 triệu đồng, cùng 1 chuyến du lịch…

“Để đảm bảo cho việc mua bán BĐS không bị rủi ro, dính vào chiêu trò lừa đảo, người nhận chuyển nhượng không nên ký các dạng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh với những người môi giới BĐS” - luật sư CAO SƠN HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh) khuyến cáo.

Nghe quảng cáo hấp dẫn, bà N. đưa 3 triệu đồng và nhờ người nhà chuyển vào tài khoản của ông An cung cấp thêm số tiền 97 triệu đồng để đủ 100 triệu đồng đặt cọc mua 1 lô đất.

 Sau đó, ông An còn nhiệt tình đưa bà N. và bà T. tới gặp một người tên Tuyền tại Văn phòng môi giới BĐS P.L. (trên đường Tiền Giang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM). Tại đây, bà Tuyền cho biết đang cần mua gấp 3 lô đất để xây phòng trọ cho thuê. Do 2 bà N. và T. chỉ có 2 lô nên nhóm ông An cam kết sẽ tìm thêm cho bà Tuyền 1 lô liền kề để có đủ 3 lô bán cho bà Tuyền. Tuy nhiên, điều kiện ông An đưa ra là 2 bà N. và T. phải đóng ít nhất 60% giá trị lô đất/người, tức 1,7 tỷ đồng/ người, vì mỗi lô đất có giá 2,95 tỷ đồng. Ông An còn thuyết phục bà N. và bà T. chuyển tiền sớm vì với giá bà Tuyền hứa mua trên 3 tỷ đồng/lô thì bà N. và bà T. sẽ nhanh chóng có lời.

Vừa mới đặt cọc 100 triệu đồng trước đó không lâu đã thấy có lời nên bà N. chuyển tiếp cho ông An thêm 200 triệu đồng, nhưng vẫn còn thiếu 1,4 tỷ đồng. Sau nhiều ngày thúc hối bà N. chuyển số tiền còn lại bất thành, ông An đã cắt liên lạc. Hiện bà N. không biết tìm ông An ở đâu để đòi lại 300 triệu đồng đã đưa cho ông này.

* Cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt cọc mua đất

Bức xúc về việc bị mất số tiền 300 triệu đồng, bà N. tìm đến điểm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Đồng Nai đặt tại trụ sở Báo Đồng Nai để nhờ tư vấn. Tại đây, bà N. được luật sư giải thích, thông thường khi triển khai một dự án về nhà ở, chủ đầu tư trước tiên phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan về dự án như: bản vẽ, giấy phép… mới được xây dựng hạ tầng, thực hiện các giao dịch mua bán. Trong khi đó, dự án bà N. được ông An đưa đến xem chỉ là khu đất trống được cắm mốc phân lô, không có cơ sở pháp lý được cấp phép đầu tư nhưng vẫn được nhân viên môi giới chào bán với cam kết sau khi đặt cọc sẽ được chủ dự án giới thiệu bán lại cho người khác cùng tiền thưởng vài chục triệu đồng… là điều không tưởng.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khi đặt cọc mua 1 lô đất không rõ pháp lý, tất nhiên người mua cũng phân vân, e ngại bị lừa đảo. Tuy nhiên, khi được người môi giới “rót” vào tai những thông tin hấp dẫn, lẫn trưng ra nhiều giấy tờ pháp lý ngụy tạo (tức không đúng sự thật, được làm giả) thì mọi sự phân vân, e ngại rủi ro biến mất. Đến khi đặt cọc mua đất mà vẫn không tìm được người sang lại mới biết mình bị lừa thì đã muộn.

Để tránh bị lừa, người mua phải xem xét dự án đó có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Chủ đầu tư dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hay chưa. Cụ thể như: các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt hay chưa; có đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải...

Đồng thời, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai nếu có). Dự án thuộc khu vực, loại đô thị có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền hay không…

“Khi người mua có đầy đủ thông tin trên vẫn cần phải tìm hiểu thêm các giấy tờ pháp lý liên quan đến lô, thửa đất. Tìm hiểu kỹ bên chuyển nhượng cho mình có phải là chủ đầu tư của dự án và chủ đầu tư đó đã được UBND cấp tỉnh cho phép chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền” - luật sư Ngô Văn Định lưu ý.

                        Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích