Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt bao trùm các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó, tại Đồng Nai nhiệt độ cao nhất có lúc hơn 39 độ C đã gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân.
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt bao trùm các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó, tại Đồng Nai nhiệt độ cao nhất có lúc hơn 390C đã gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân.
Nhiều người dân đi trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) phải trang bị thêm đồ chống nắng. Ảnh: K.Liễu |
Theo khuyến cáo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai và các chuyên gia y tế, để tránh những tác động cực đoan của thời tiết, người dân cần chủ động có những biện pháp chống nắng, chủ động bảo vệ sức khỏe khi làm việc ngoài trời nắng; đề phòng nguy cơ xảy ra cháy rừng, hỏa hoạn…
* Nóng như “chảo lửa”
Liên tiếp trong 2 tuần qua, nhiệt độ tại các địa phương trong tỉnh luôn ở mức cao, dao động trong khoảng 35-390C. Nắng nóng gay gắt diễn ra hầu hết ở các địa phương trong tỉnh. Ở các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa có những ngày nhiệt độ đo được trong lều khí tượng hơn 390C. Thời tiết nắng nóng gay gắt trong khi độ ẩm thấp phổ biến từ
35-40% tạo cảm giác nóng rát khó chịu.
Ông Nguyễn Văn Đức (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, xem dự báo thời tiết mấy ngày nay TP.Biên Hòa luôn là khu vực có thời tiết nắng nóng gay gắt nhất Đông Nam bộ. Nhiệt độ 390C là đơn vị chức năng đo trong lều khí tượng chứ thực tế ở khu dân cư và ngoài đường có khả năng cao hơn vì có nhiều yếu tố khác cộng hưởng như: nhiệt bức xạ từ sân bê tông, nhiệt tỏa ra từ phương tiện giao thông, máy lạnh từ các tòa cao ốc… Buổi trưa ở trong nhà còn thấy nóng nực khó chịu, huống gì người đi ngoài đường hoặc phải làm việc ngoài trời.
Làm nghề giao hàng nên phải thường xuyên chạy xe ngoài đường, anh Trần Thanh Tuấn (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) than thở: “Thời tiết nóng như “chảo lửa”, chạy xe ngoài đường mà mồ hôi tuôn như tắm, còn cổ họng lúc nào cũng thấy khô khốc phải uống nước liên tục. Trời nóng nực kiểu này khiến những người lao động dưới trời nắng gắt vất vả hơn nhiều, chỉ mong sớm đến mùa mưa”.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, trong những ngày tới, nắng nóng gay gắt và nhiệt độ cao thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 12-16 giờ mỗi ngày. Chỉ số UV cực đại ban ngày được nhận định đều ở mức rất cao, phổ biến ở mức 8-10 (mức có nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể người).
* Chủ động phòng tránh ảnh hưởng từ nắng nóng
Ông Nguyễn Phước Huy lưu ý, nắng nóng với nền nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe của con người và vật nuôi, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có thể trạng yếu. Để đảm bảo sức khỏe, cần hạn chế di chuyển hoặc lao động ngoài trời trong khoảng thời gian nắng nóng cao điểm.
“Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, cùng với đó là nguy cơ xảy ra cháy rừng” - ông Huy lưu ý.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 12-16 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, làm việc giữa nắng nóng, cứ sau 30-45 phút nên vào bóng mát 5 phút, uống đủ nước để tránh nhiệt độ cơ thể tăng cao, dễ bị choáng, ngất…
BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý, mỗi khi đi từ ngoài nắng vào, người dân không nên vào ngay phòng máy lạnh hoặc khi từ phòng máy lạnh bước ra nên đứng vài phút ở nơi râm mát để tránh sốc nhiệt, gây nguy hiểm cho tính mạng. Bởi nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột sẽ gây ra tình trạng chưa thích ứng hay gọi là sốc nhiệt, rất dễ dẫn đến một số trường hợp đột quỵ...
Ngoài ra, theo BS CKI Phan Văn Phúc, do nắng nóng, cơ thể dễ mất nước nên cần bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt là bổ sung các khoáng chất, tránh uống quá nhiều nước đá lạnh. Đặc biệt, mùa nắng nóng cũng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, nên cần bảo quản hợp lý, xử lý kỹ trước khi chế biến…
Ngoài ra, một số tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cũng phát triển thuận lợi hơn trong mùa nắng nóng như: viêm não Nhật Bản, thủy đậu… Sự thay đổi đột ngột nhiệt độ làm đường hô hấp chưa đáp ứng kịp, có thể dẫn đến viêm họng, viêm đường hô hấp…
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai NGUYỄN PHƯỚC HUY cho biết, Đồng Nai đang trong đợt nắng nóng gay gắt. Có khả năng từ ngày 10 đến 20-5, mùa mưa chính thức bắt đầu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nắng nóng vẫn còn xuất hiện, xen lẫn trong các ngày giảm mưa hoặc trong những ngày không mưa. Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 nắng nóng mới có thể kết thúc hẳn, khi mưa đã đều trên diện rộng. |
Kim Liễu