Ngày 5-4-2023, Bộ VH-TTDL đã ban hành Thông tư số 05/2023/BVHTTDL hướng dẫn tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo (Thông tư 05, có hiệu lực từ ngày 20-5-2023).
Phim Lật mặt 6 dán nhãn 16+ chỉ dành cho người đủ 16 tuổi trở lên. Ảnh: tư liệu |
Ngày 5-4-2023, Bộ VH-TTDL đã ban hành Thông tư số 05/2023/BVHTTDL hướng dẫn tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo (Thông tư 05, có hiệu lực từ ngày 20-5-2023).
Đây cũng là công cụ, thước đo để giúp phụ huynh quản lý, giám sát, khuyến khích việc xem phim của con em mình được tốt hơn.
* Phân loại phim theo đối tượng xem
Theo Luật Điện ảnh năm 2022, phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến gồm: Loại P (được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi). Loại T18 (18+ được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên). Loại T16 (16+ được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên). Loại T13 (13+ được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên). Loại K (được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ). Loại C (không được phép phổ biến). Để cụ thể hóa quy định này, Thông tư 05 đã quy định cụ thể tiêu chí phân loại phim.
Để nhận biết loại phim nào trẻ được xem hoặc không được xem theo Thông tư 05, theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, chỉ cần phụ huynh nhìn vào mức độ, nội dung cảnh báo của từng loại phim sẽ nhận biết loại phim nào phù hợp và không phù hợp để cho con em xem, giải trí.
Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 05 bắt buộc phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến (trừ phim phân loại P). Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác.
Chẳng hạn, theo quy định phải hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim.
Còn đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng thì theo Thông tư 05, cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu hoặc hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật.
* Quy định phim dành cho trẻ em
Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Do đó, theo Thông tư 05, người chưa đủ 16 tuổi chỉ được xem phim: loại P, loại K, loại T13. Trẻ em không được xem phim loại T16 (16+), loại T18 (18+). Mục đích phân loại đối tượng phim, người xem nhằm bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.
Luật sư Chu Văn Hiển (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý, tại phần phụ lục của Thông tư 05 thì chỉ có phim loại P mới không có yếu tố về bạo lực, kinh dị, tình dục… Đối với phim loại K, loại T13 thì có ở mức độ nhẹ, phù hợp với đối tượng xem phim.
Chẳng hạn, đối với phim loại K, loại T13 thì hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không xuất hiện thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim. Có thể có hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, nhưng không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và không liên quan đến tình dục. Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài và không diễn ra thường xuyên, ít có tác động và không tạo cảm giác đe dọa đến người xem.….
Thông tư 05 quy định khá chi tiết, cụ thể tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo đến người xem, nếu đơn vị sản xuất, phát hành phim không thực hiện nghiêm việc dán nhãn, cảnh báo sẽ bị chế tài.
Luật sư Chu Văn Hiển cho biết thêm, căn cứ vào Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi phổ biến phim được lưu trữ trên băng, đĩa mà không có nhãn kiểm soát bị phạt từ 10-20 triệu đồng (Điểm a, Khoản 2). Còn đối với hành vi phổ biến phim theo quy định phải có cảnh báo mà không có cảnh báo; phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng (Điểm b, c, Khoản 4).
Điểm b, Khoản 3, Điều 4 Thông tư 05/2023/BVHTTDL quy định, nội dung cảnh báo là các tiêu chí phân loại phim theo quy định gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; kinh dị; ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. Trường hợp trong phim xuất hiện cả 7 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí. |
Đoàn Phú