Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để thêm gắn bó với nghề

08:05, 20/05/2023

Đi qua xe rác, nhiều người đã phải nín thở, nhưng các công nhân thu gom rác đã quen với mùi này, họ vẫn lặng lẽ làm việc bất kể nắng mưa. Sự vất vả, tinh thần trách nhiệm cũng như vai trò không thể thiếu  của đội ngũ công nhân thu gom rác cần được xã hội trân trọng.

Đi qua xe rác, nhiều người đã phải nín thở, nhưng các công nhân thu gom rác đã quen với mùi này, họ vẫn lặng lẽ làm việc bất kể nắng mưa. Sự vất vả, tinh thần trách nhiệm cũng như vai trò không thể thiếu  của đội ngũ công nhân thu gom rác cần được xã hội trân trọng.

Để công việc đỡ vất vả, nặng nhọc, nhân viên thu gom rác cần được hỗ trợ phương tiện chuyên dụng để việc thu gom rác được dễ dàng hơn. Ảnh: PHƯƠNG LIỄU
Để công việc đỡ vất vả, nặng nhọc, nhân viên thu gom rác cần được hỗ trợ phương tiện chuyên dụng để việc thu gom rác được dễ dàng hơn. Ảnh: PHƯƠNG LIỄU

Để công nhân thu gom rác gắn bó với nghề cũng chính là đảm bảo cho môi trường sạch đẹp hơn mỗi ngày - trước hết cần có sự bảo đảm về các chế độ đối với lực lượng này theo quy định.

* Quan tâm hơn đến chế độ an sinh xã hội

Bộ LĐ-TBXH đã bổ sung thêm 90 công việc vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có công việc thu gom rác thải (Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-11-2020). Theo đó, công nhân thu gom rác được công nhận là đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại loại IV, được hưởng chính sách phụ cấp độc hại. Mặc dù pháp luật đã quy định nhưng những công nhân làm nghề thu gom rác thuộc nhóm thuê khoán lại không được hưởng chính sách  này.

Không chỉ chế độ độc hại bị bỏ quên mà nhiều chính sách an sinh xã hội khác họ cũng không có như: các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn hay chế độ hỗ trợ ốm đau, thai sản, hoặc nghỉ phép năm... Trong khi đây là ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, ô nhiễm… khiến người làm nghề dễ bị mắc bệnh và mắc bệnh nặng nhiều hơn.

Đại diện Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, đơn giá thu gom rác hộ dân đã gần 10 năm nay không thay đổi, trong khi chi phí tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, chi phí nhiên, nguyên vật liệu luôn biến động mạnh đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thu gom rác trong việc đầu tư nâng cấp phương tiện thu gom và cải thiện chế độ thu nhập và điều kiện làm việc của người lao động làm nghề thu gom rác.

Đại diện Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, người lao động thuộc công ty được thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật đúng theo quy định của Nhà nước; khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; giải quyết nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương 14 ngày phép/năm. Ngoài ra, công ty còn cấp phát trang bị bảo hộ lao động 2 đợt/năm và giải quyết các chế độ nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe theo quy định; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và kỹ năng sơ cấp cứu; thăm hỏi và tặng quà khi bị tai nạn lao động, thưởng lễ, Tết…

Thực tế các chế độ nêu trên được áp dụng đối với các nhân viên chính thức thuộc công ty. Còn đối với những người lao động ở các đơn vị thuê khoán thì hầu hết đều làm việc theo sự thỏa thuận “miệng” giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt do HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 4-2022, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng báo cáo của lãnh đạo TP.Biên Hòa cho biết, có đến hơn nửa khối lượng rác sinh hoạt ở  TP.Biên Hòa được thu gom bởi đội ngũ những nhân viên thu gom rác thuộc nhóm thuê khoán. Làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… nhưng do không được hợp đồng lao động chính thức với những đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước nên những công nhân này không được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Để tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người làm nghề thu gom rác, có thu nhập tốt và đời sống ổn định để yên tâm gắn bó với nghề, đại diện Công ty CP Môi trường Sonadezi cho rằng, tỉnh và thành phố cần xem xét điều chỉnh đơn giá thu gom rác phù hợp với tình hình biến động chi phí trên thị trường. Bởi đơn vị kinh doanh thu gom rác có “sống” được thì thu nhập của người lao động mới tăng. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động phân loại, tái chế và xử lý chất thải để giảm thiểu lượng chất thải thu gom, vận chuyển đến các bãi rác, giúp cho công việc thu gom rác của công nhân vệ sinh trở nên dễ dàng và đỡ nặng nhọc hơn…

* Cần sự chia sẻ của cộng đồng

Mặc dù những đóng góp của nghề và của người làm nghề thu gom rác rất có giá trị đối với đời sống xã hội và cộng đồng, nhưng thực tế nhiều khi vai trò, vị trí của họ chưa được nhìn nhận, chia sẻ khiến người làm nghề không khỏi chạnh lòng.

Hơn 15 năm làm nghề thu gom rác, bà Lê Thị Mỹ (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, đã gặp không ít người nhìn mình với ánh mắt kỳ thị. Trong suy nghĩ của họ, thu gom rác là công việc dơ bẩn. Nhưng đối với bà Mỹ, đây là một nghề chân chính, đem lại thu nhập để nuôi sống gia đình.

 “Thử hỏi, nếu chỉ một ngày không có những nhân viên như chúng tôi thu gom, rác sẽ ngập lên đến thế nào. Tôi không quan tâm đến cái nhìn của người khác chỉ vì mình làm cái nghề chả ai muốn đụng vào, mà chỉ buồn về sự mặc cảm của con gái khi có cha mẹ làm nghề này” - bà Mỹ tâm sự.

Phân loại rác tại nguồn của nhân viên thu gom rác ở TP.Biên Hòa giúp giảm được lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý
Phân loại rác tại nguồn của nhân viên thu gom rác ở TP.Biên Hòa giúp giảm được lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý

15 năm làm nghề thu gom rác, hầu như chưa năm nào vợ chồng bà Mỹ được đón giao thừa với gia đình, con cái. Dịp Tết, công việc nhiều hơn do lượng rác thải tăng gấp 3-4 lần, áp lực ngày đầu năm không có “bóng dáng” của rác khiến vợ chồng bà phải đi lại trên địa bàn thu gom của mình nhiều lần, ai quăng ra bịch rác nào lại phải đi gom cho bằng hết. Vì thế, về đến nhà thường là 2-3 giờ sáng mùng 1 Tết.

Chia sẻ về nghề, anh Nguyễn Hữu Thọ (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa), làm việc ở bộ phận quét rác trên đường phố Biên Hòa (thuộc Xí nghiệp môi trường, Công ty CP Môi trường Sonadezi) bộc bạch, công việc của anh bắt đầu từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Những công nhân quét đường, thu gom rác như anh đã phải vất vả cả đêm để mỗi sáng mọi người được đi trên những con đường sạch đẹp.

Thế nhưng, theo anh Thọ, không phải ai cũng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường khi họ thản nhiên vứt vỏ bánh kẹo, túi ny-lông, chai nước... xuống đường mà không nghĩ rằng, hành động của mình làm tăng thêm phần vất vả cho nhân viên vệ sinh. Chỉ cần người dân bỏ rác vào thùng theo đúng quy định là đã giúp cho các công nhân thu gom rác đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Cũng như bà Mỹ, anh Thọ, nhiều công nhân thu gom rác cho rằng, nói lên những tâm sự, những vất vả, nhọc nhằn của nghề thu gom, quét rác không phải là kêu gọi sự thương hại của người khác, mà là để được cộng đồng chia sẻ và chung tay trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

“Chúng tôi chỉ mong rằng, mọi người có hành động tích cực trong đời sống như: tiết giảm việc xả thải ra môi trường, đem rác ra đúng giờ, bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại rác tại nguồn… Những hành động nhỏ đó chính là cách động viên, chia sẻ và làm giảm bớt sự vất vả, nhọc nhằn cho những công nhân thu gom rác” - bà Mỹ tâm sự.

Kim Liễu - Phương Liễu

Tin xem nhiều
Hiểu rõ script là gì Hiểu rõ deadline và tầm quan trọng