Khi một bên muốn hủy hoặc cho rằng hợp đồng vô hiệu mà bên kia không đồng ý dẫn tới tranh chấp thì có quyền khởi kiện tuyên hủy hợp đồng.
Khi một bên muốn hủy hoặc cho rằng hợp đồng vô hiệu mà bên kia không đồng ý dẫn tới tranh chấp thì có quyền khởi kiện tuyên hủy hợp đồng.
Người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) thắc mắc về việc áp dụng thời hiệu trong khởi kiện tranh chấp hợp đồng tại buổi tuyên truyền do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để các bên yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hết thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mà các bên không khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.
* Cách tính thời hiệu khởi kiện
Ngày 3-1-2017, bà P.T.C. (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) có lập hợp đồng tặng cho tài sản là 3 ngàn m2 đất (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà P.T.C. vào năm 2012) cho người con út (có công chứng). Sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký biến động với cơ quan có thẩm quyền, nộp đầy đủ các khoản phí, thuế thì ngày 3-5-2018, người con út của bà C. được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình.
Người con út của bà C. đinh ninh rằng, việc cho tặng cho giữa mẹ và mình đã hoàn tất thủ tục và các anh chị không ai có ý kiến gì nên cứ vậy sử dụng đất. Nào ngờ tháng 1-2023, khi bà C. mất thì 2 người con khác của bà cho rằng, việc bà C. tặng cho tài sản cho người con út không hỏi ý kiến họ nên hợp đồng tặng cho đó không có giá trị pháp lý. Điều này làm cho người con út của bà C. lo lắng, vì sợ các anh, chị khởi kiện yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho tài sản giữa mẹ và mình.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện như: bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… |
Hay như trường hợp giữa bà L.U.H. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) có bán cho bà K.B. (ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom) một số hàng hóa gồm: tủ thờ, bàn ghế gỗ mới trị giá 50 triệu đồng. Ngày 19-2-2018, 2 bên làm hợp đồng mua bán (có chứng thực) và cả 2 giao hàng, trả đủ tiền ngay sau khi giao kết hợp đồng. Nhưng sau hơn 4 năm sử dụng, thấy tủ, bàn ghế hư hỏng nên ngày 20-4-2023, bà B. gặp bà H. yêu cầu trả lại tiền. Bà B. đe dọa nếu bà H. không nhận lại hàng, trả lại tiền thì bà khởi kiện ra tòa án.
Vấn đề tranh chấp giữa con út bà C. với các anh, chị của mình và giữa bà H. với bà B. về hợp đồng, theo luật sư Nguyễn Đức, căn cứ vào Khoản 3, Điều 147; Khoản 1, Điều 148 và Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên không còn nên các bên mất quyền khởi kiện về tranh chấp hợp đồng.
“Bởi căn cứ vào các quy định trên thì trong 3 năm, tức từ ngày 4-1-2017 đến hết ngày 4-1-2020 mà bà C. hay các con của bà không khởi kiện; hoặc kể từ ngày 20-2-2018 đến hết ngày 20-2-2021 mà bà B. không khởi kiện thì xem như mất quyền này” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
* Khi nào được khởi kiện không giới hạn thời gian?
Trong cuộc sống, việc giao dịch giữa các cá nhân với nhau xảy ra rất đa dạng như: buôn bán, trao đổi hàng hóa; vay mượn tiền; tặng cho nhau đất đai; thuê nơi ở, kinh doanh… Khi thực hiện giao dịch, đôi bên thường lập hợp đồng bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử, lời nói, cử chỉ, hành vi. Tùy từng loại giao dịch mà pháp luật quy định hình thức hợp đồng khác nhau nhằm đảm bảo tính pháp lý cho giao dịch.
Mặc dù giao dịch diễn ra thường xuyên trong đời sống nhưng không phải người dân nào cũng biết, hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật quy định về thời hiệu để tiến hành khởi kiện hay yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch, hợp đồng giao kết của mình với cá nhân, tổ chức khác vô hiệu với lý do việc giao kết này do nhầm lẫn, bị lừa dối, trái đạo đức xã hội…
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn, theo Khoản 1, Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Ngoài ra, Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, có 4 loại thời hiệu gồm: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Pháp luật quy định là vậy, nhưng không phải người dân nào cũng phân biệt được loại tranh chấp nào pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện và không giới hạn thời hiệu khởi kiện trong quá trình giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về vấn đề này, luật sư Lưu Hồng Khanh giải thích, Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các tranh chấp dân sự không áp dụng thời hiệu khi khởi kiện là: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Trường hợp khác do luật quy định.
“Ngoài các trường hợp này thì các trường hợp khác đều phải áp dụng thời hiệu khởi kiện trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hết thời hiệu khởi kiện đồng nghĩa với việc người khởi kiện mất quyền khởi kiện, tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý vụ kiện” - luật sư Lưu Hồng Khanh lưu ý.
Đoàn Phú