Để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng hoàn thiện, phát huy tối đa quyền của nhân dân, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.
Để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng hoàn thiện, phát huy tối đa quyền của nhân dân, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.
Trong quá trình xây dựng tuyến đường giao thông ở ấp 2, xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ), người dân được thể hiện vai trò giám sát cộng đồng. Trong ảnh: Người dân ấp 2, xã Sông Nhạn thường xuyên quét dọn, trồng cây cho tuyến đường sạch đẹp. Ảnh: Đ.Phú |
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở…
* Phát huy dân chủ ở cơ sở
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có rất nhiều điểm mới so với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Chẳng hạn như: quyền thụ hưởng của công dân; nghiêm cấm hành vi gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở và hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân; bổ sung thêm 7 hình thức công khai thông tin…
Chủ tịch Hội Luật gia TP.Biên Hòa Dương Văn Tín cho biết, điểm nổi bật của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 là tại Điều 22 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư (Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 không quy định).
“Theo đó, cộng đồng dân cư có quyền ban hành quyết định mới nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư trước đó có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan hoặc cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ” - luật gia Dương Văn Tín nêu.
* Giám sát đầu tư cộng đồng
Giám sát đầu tư cộng đồng là một trong những chức năng, nhiệm vụ của nhân dân, cộng đồng dân cư được Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 trao quyền, được quy định cụ thể tại Tiểu mục 3 (từ Điều 41 đến Điều 45), Mục 4, Chương II. Đây cũng là vấn đề được người dân ở cấp xã quan tâm.
“Chính vì vậy, khi tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở năm 2022, các hội viên, cấp hội cần phải truyền thông cụ thể các quy định về: tổ chức Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tiêu chuẩn thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng… để người dân biết quyền của mình và tham gia thực hiện tốt” - luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) nhấn mạnh.
Theo Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở năm 2022, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất là 5 thành viên (gồm đại diện ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, ban thanh tra nhân dân ở cấp xã và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án). Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã.
Luật gia Vòng Khiềng cho hay, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có các quyền như: yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch có liên quan đến việc quyết định đầu tư dự án, kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng hoặc chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật thì phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý; trường hợp cần thiết thì kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án….
Về tiêu chuẩn, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải là công dân thường trú trên địa bàn và không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã; không có người thân là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn của chủ đầu tư, nhà thầu dự án hoặc đơn vị tư vấn, giám sát của nhà thầu, người trực tiếp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn cấp xã. Đồng thời, họ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, công tâm, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật hoặc kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực có liên quan đến chương trình, dự án đầu tư và tự nguyện tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
“Ngoài tuyên truyền cho người dân hiểu về quyền được Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải nắm rõ các quy định của luật này. Bởi quyền của người dân luôn gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và thi hành luật” - luật sư ĐỖ VĂN VINH (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ. |
Đoàn Phú