Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tạo sự đồng lòng và hợp tác của người dân

08:06, 17/06/2023

Để chống ngập cho đô thị Biên Hòa, ngoài các giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng, chính quyền thành phố thì ý thức của người dân trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, xả rác đúng nơi quy định đóng vai trò rất quan trọng.

[links()]Để chống ngập cho đô thị Biên Hòa, ngoài các giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng, chính quyền thành phố thì ý thức của người dân trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, xả rác đúng nơi quy định đóng vai trò rất quan trọng.

Một điểm thoát nước trên quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) thường xuyên bị rác lấp kín bề mặt
Một điểm thoát nước trên quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) thường xuyên bị rác lấp kín bề mặt

Qua các cơn mưa từ tháng 5-2023 đến nay cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến một số đoạn đường của TP.Biên Hòa dù mưa nhỏ cũng ngập là do lượng rác thải, túi ny-lông, lá cây đổ dồn về cửa các cống, mương thoát nước quá nhiều, gây tắc nghẽn khiến nước mưa thoát chậm.

* Nhiều điểm thoát nước bị rác bít kín

Quốc lộ 1 đoạn gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (thuộc KP.3, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vốn là “rốn” ngập ở khu vực này mỗi khi mùa mưa đến. Để giải quyết tình trạng ngập sâu khi mưa, tại nhiều điểm trên đoạn đường này đã được thành phố cho đặt những tấm phên song sắt để thoát nước trên đường. Ngay tại đó, chính quyền địa phương cũng treo bảng “cấm đổ rác”. Thế nhưng, mặt phên thoát nước lúc nào cũng bị rác lấp kín.

Theo những hộ dân ở khu vực này, nhiều người sinh sống và kinh doanh gần đó đã đem rác đặt ở cột đèn để nhân viên vệ sinh thu gom. Tuy nhiên, rác chất đống lớn, nhiều bịch bị rách vỡ khiến rác rơi vãi, nhân viên vệ sinh lại không thu gom hết dẫn đến tình trạng rác tràn xuống đường và mắc lại trên mặt phên rồi bị các phương tiện lớn nhỏ qua lại cán lên, khiến rác đóng cứng một lớp dày trên bề mặt phên thoát nước.

Phó chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa) TRẦN VĂN THẮNG: Xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định

Hiện công tác kiểm tra, giám sát tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định, xả thải bừa bãi xuống các suối, kênh mương trên địa bàn được địa phương triển khai thường xuyên. Nhiều trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định đã bị bắt quả tang và xử lý nghiêm. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người lợi dụng trưa vắng, đêm tối, khi trời mưa to đổ rác lén lút ở sông, suối, bãi đất trống trong khu dân cư, ven đường. Địa phương vẫn đang nỗ lực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về việc thải bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường sống là bảo vệ chính mình.

Ông Đinh Văn Nhiên (ngụ KP.3, P.Tân Biên) cho biết, trước mùa mưa cũng có một đội nhân viên vệ sinh đi móc gỡ, thu gom, làm sạch những tấm phên thoát nước này, nhưng chỉ được vài ngày rác lại đóng kín. Mưa xuống, nước không thoát được lại gây ngập, bản thân ông cũng nhiều lần phải đội mưa ra móc gỡ rác thải đóng bám trên mặt phên để nước mưa thoát đi. Ngoài ra, trong quá trình nước mưa chảy đã mang theo những bịch rác lớn nhỏ trên đường. Rác vướng lại nhiều, nước không thoát được thì dâng lên, tràn vào nhà dân, mang theo cả những bịch rác nổi lềnh bềnh.

Không chỉ có những “họng” thoát nước mưa tại một số đoạn quốc lộ 1 bị rác bịt kín, mà trên nhiều tuyến đường khác của TP.Biên Hòa cũng không nằm ngoài tình trạng này. Chẳng hạn như đường Bùi Văn Hòa nối từ vòng xoay Tam Hòa với quốc lộ 51 mới được làm hệ thống mương thoát nước. Một số đoạn mương cũng được đặt tấm phên song sắt hoặc thiết kế chỗ để thoát nước trên đường. Thế nhưng, đi dọc tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận có tình trạng hầu hết các phên sắt bị rác lấp kín bề mặt và nơi thoát nước cũng bị rác tấp vào, dồn thành những đống nhỏ.

Hay trên đường Đồng Khởi đoạn trước trụ sở Cục Thống kê Đồng Nai (thuộc địa bàn P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng thường bị ngập mỗi khi trời mưa. Thế nhưng, những tấm phên song sắt thoát nước ở khu vực này cũng bị rác lấp, khiến cho đoạn đường này thường xuyên ngập sâu vì nước không thoát được.

Tương tự, trên đường Phạm Văn Thuận (đoạn qua P.Tam Hiệp), một số chỗ thoát nước cũng không thông thoáng để sẵn sàng thoát nước khi có mưa. Nhiều phên, chỗ thoát nước nếu không bị rác lấp thì cũng bị người dân lấy bạt nhựa, chiếu cũ hay vật dụng chặn kín để tránh mùi hôi từ cống bốc lên.

Bà Trần Thị Mùi (ngụ KP.3A, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có nhà ven đường Bùi Trọng Nghĩa cho biết, mỗi khi mưa to, rác từ các hẻm trôi ra đầy đường. Rác trôi theo nước mưa, đến các chỗ thoát nước, nước chảy mạnh đã cuốn những bịch rác này vào, bịch rác nhỏ thì trôi tuột vào cống, bịch rác to thì ách lại, che lấp đường thoát nước khiến phải mất nhiều giờ sau nước mới rút hết. Có khi ngập vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc và ô nhiễm môi trường.

* Nhà nước và người dân cùng chung tay

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán chống ngập tái diễn tại đô thị Biên Hòa, ngoài việc tập trung và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập trên địa bàn, TP.Biên Hòa cũng cần chú ý đến vấn đề thoát nước đô thị khi quy hoạch khu dân cư, đường sá, trong quy hoạch phải có tầm nhìn xa khi dân số TP.Biên Hòa mỗi ngày một tăng. Song song đó, chính quyền cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc bỏ rác đúng nơi quy định và xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác bừa bãi.

Dọc tuyến đường Phan Đình Phùng (thuộc 2 phường: Trung Dũng và Thanh Bình), có nhiều nơi thoát nước bị rác lấp kín hoặc do người dân dùng các vật liệu cứng che chắn để tránh mùi hôi. Việc này dẫn đến tình trạng khi có mưa, nước không thể thoát được, gây ngập kéo dài sau mưa.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho biết, trước thực trạng trên, lãnh đạo thành phố đã có các phương án khắc phục, xử lý như: tăng tốc triển khai các công trình chống ngập; khơi thông, nạo vét các cống, mương, suối... Phòng cũng đã đôn đốc các đơn vị thầu dịch vụ công ích tổ chức kiểm tra, nạo vét hệ thống mương cống, kênh rạch trên địa bàn thành phố để bảo đảm khả năng thoát nước thông thoáng. Đồng thời, đôn đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, trong đó có dự án chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan để sớm đưa vào sử dụng, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nâng cao ý thức người dân đô thị trong việc không xả rác bừa bãi ra môi trường. Qua khảo sát các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưa là ngập ở TP.Biên Hòa thì tình trạng vứt rác bừa bãi gây ra nghẽn, ngập phần lớn là do nhiều người ở các khu dân cư chưa ý thức việc thải bỏ rác đúng nơi quy định, còn vứt rác bừa bãi xuống sông, suối, kênh, mương hoặc tự bịt các nơi thoát nước trên đường phố…, đã gây thêm khó khăn cho việc thoát nước mỗi khi có mưa to.

Về vấn đề này, thành phố cũng đã lưu ý chính quyền các phường, xã tăng cường kiểm tra, tuần tra và xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải không đúng nơi quy định, gây tắc nghẽn và hạn chế khả năng thoát nước trên đường trong và sau khi mưa.

Nhiều điểm thoát nước trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa) bị rác lấp kín hoặc người dân dùng vật dụng để che mùi hôi, khiến nước mưa không thoát kịp
Nhiều điểm thoát nước trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa) bị rác lấp kín hoặc người dân dùng vật dụng để che mùi hôi, khiến nước mưa không thoát kịp

Theo ông Trương Vĩnh Hiệp, trong khi thành phố đang triển khai những giải pháp chống ngập trên quy mô lớn thì người dân nên chung tay cùng với thành phố trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi xuống các kênh, mương, sông, suối và thường xuyên dọn rác ở những nơi thoát nước khu vực mình sinh sống để việc thoát nước được tốt hơn.

Phương Liễu

Tin xem nhiều