Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Người lao động gia công may mặc tại một cơ sở ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Đ.PHÚ |
Với ý nghĩa đó, pháp luật về lao động, việc làm không chỉ khuyến khích mà còn bắt buộc đóng BHTN đối với NLĐ, lẫn người sử dụng lao động.
* Lợi ích của việc tham gia BHTN
Trong quá trình lao động, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc NLĐ không tiếp tục làm việc, nghỉ việc, tạm dừng công việc đang làm. Khi đó, NLĐ ít nhiều gặp khó khăn về tài chính, thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Lúc này, chính sách trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ việc làm, học nghề thật sự là cứu cánh đối với những NLĐ khi họ tham gia đóng BHTN.
Như trường hợp vợ chồng anh Huỳnh Thi và chị Lê Thị Hòa (quê tỉnh Long An, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đều tham gia BHTN trên 7 năm nên khi công ty nơi anh chị làm việc giải thể, ngoài việc được hưởng các chế độ về tiền lương, trợ cấp thôi việc, anh chị còn được thêm trợ cấp BHTN với số tiền gần 2,5 triệu đồng/tháng/người (bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp). Nhờ vậy, anh Thi - chị Hòa có điều kiện xoay xở chi tiêu cho gia đình trong thời gian chờ tìm kiếm việc làm mới.
“NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư… sẽ không được hưởng trợ cấp thấp nghiệp dù họ tham gia BHTN theo đúng quy định” - luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết. |
Tương tự, anh Dương Văn Dũng (quê tỉnh Sóc Trăng, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, nhờ có thời gian tham gia BHTN trên 3 năm nên khi công ty nơi anh làm việc giảm lao động và anh thuộc đối tượng bị cắt giảm, anh được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,5 triệu đồng/tháng và học nghề miễn phí, nhờ đó anh có điều kiện học nghề để sau này có tay nghề dễ xin việc hơn.
Theo Khoản 1, Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, NLĐ đóng BHTN bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN. Tuy vậy, không phải NLĐ nào cũng biết, nắm rõ quyền, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện, tham gia đóng BHTN vào Quỹ BHTN, cũng như việc đóng quỹ phải đảm bảo thời gian theo quy định mới được hưởng BHTN. Vì không phải ai đóng BHXH, khi nghỉ việc đều được hưởng BHTN.
Tại Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, các trường hợp được hưởng BHTN là: Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
* Điều kiện hưởng BHTN
Cũng vì mới tham gia thị trường lao động, việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không ít NLĐ, nhất là lao động trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nhập cư chưa thật sự nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia BHTN bắt buộc nên dẫn tới mất quyền lợi.
Như trường hợp của NLĐ Thạch Lành (quê tỉnh Vĩnh Long, tạm trú xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), dù làm công cho một đơn vị sản xuất ván ép trên địa bàn xã hơn 5 năm, khi được hỏi về chế độ trợ cấp BHTN anh lắc đầu không biết.
“Tôi chỉ biết làm công thì được trả lương, ngày nào làm thì được chủ chấm công, trả lương, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ vậy thôi. Còn chuyện HĐLĐ, BHTN tôi không rành” - anh Lành cho hay.
Cùng lý do này, anh Lưu Hữu Đức (thợ gốm tại P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) bày tỏ, anh làm thuê cho ông chủ trên 2 năm vẫn không biết anh có thuộc đối tượng được hưởng BHTN khi nghỉ việc hay không vì anh không có đóng khoản tiền này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh), về nguyên tắc có đóng góp thì mới được hưởng và việc đóng góp đó phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, việc làm, các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, NLĐ phải biết bản thân mình có thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN theo Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 hay không thì mới thực hiện được.
Nghĩa là NLĐ thuộc đối tượng làm việc theo HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, có xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì bắt buộc phải tham gia BHTN. Trừ trường hợp NLĐ đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.
“Không phải chỉ làm việc trong các doanh nghiệp lớn NLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTN. Chỉ cần NLĐ làm việc tại các HTX, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác hay cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc HĐLĐ theo Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 là được” - luật sư Nguyễn Văn Hòa lưu ý.
Đoàn Phú