Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngộ độc Botulinum: Làm sao để phòng tránh?

08:06, 05/06/2023

Vụ 6 người bị ngộ độc Botulinum ở TP.HCM với mức độ nghiêm trọng đang khiến người dân lo lắng. Độc tố Botulinum gây ra các biến chứng nặng, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai NGUYỄN ĐÌNH MINH có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Minh
Ông Nguyễn Đình Minh

Vụ 6 người bị ngộ độc Botulinum ở TP.HCM với mức độ nghiêm trọng đang khiến người dân lo lắng. Độc tố Botulinum gây ra các biến chứng nặng, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) NGUYỄN ĐÌNH MINH cho biết: “Độc tố Botulinum rất nguy hiểm, nhưng vẫn có thể phòng tránh được nếu thực hiện đúng quy định trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt, không được ăn những thực phẩm đóng hộp đã có dấu hiệu biến dạng”.

* Vụ 6 người bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn mắm ủ, chả lụa không rõ nguồn gốc vẫn đang diễn biến nặng, trong đó 1 ca đã tử vong… Hiện nhiều người dân lo lắng ngộ độc Botulinum khi mua và sử dụng thực phẩm. Ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

- Qua thông tin chúng tôi được biết, vụ 6 người ngộ độc Botulinum tại TP.HCM vừa qua, trong đó có 1 ca đã tử vong, đang được ngành Y tế quan tâm, đặc biệt là các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP). Cũng theo thông tin từ Cục ATTP (Bộ Y tế), bước đầu nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa, nhưng kết quả xét nghiệm mẫu chả lụa nghi gây ngộ độc lại âm tính với Botulinum. Đến nay, những bệnh nhân này vẫn đang được điều trị tích cực và cơ quan chức năng đang truy tìm nguồn lây vi khuẩn Clostridium botulinum. Trước đó, vào cuối tháng 3-2023, tại tỉnh Quảng Nam cũng đã xuất hiện 3 chùm ngộ độc Botulinum với 10 người nhiễm do ăn cá chép ủ chua. Những vụ việc trên một lần nữa cảnh báo người dân cần thận trọng trong việc chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

* Độc tố Botulinum là gì? Độc tố này thường có mặt trong những loại thực phẩm nào và cơ chế gây ngộ độc của Botulinum như thế nào, thưa ông?

- Độc tố Botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum có trong tự nhiên như: trong đất, phân động vật tươi hoặc phân ủ, bụi bẩn, nước ao, sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu và thực phẩm đồ hộp để lâu ngày...

Người bệnh thường nhiễm độc tố Botulinum qua thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn được đóng kín nhưng quy trình sản xuất và bảo quản không đảm bảo, dẫn đến sinh ra độc tố.

Cục ATTP cảnh báo, ngộ độc do Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Nguyên nhân gây ngộ độc được xác định là xuất phát từ việc sản xuất, bảo quản, lưu trữ và sử dụng các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, túi, hộp…) không bảo đảm an toàn, dẫn đến sự xuất hiện một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh, trong đó có Botulinum, gây ra ngộ độc.

* Những triệu chứng nào để nhận biết bị ngộ độc Botulinum?

- Theo thông tin từ hệ điều trị, khi vào cơ thể, độc tố này sẽ vào máu và xâm nhập các tế bào thần kinh khiến các xung động thần kinh bị ngưng trệ, gây các triệu chứng liệt vận động. Các triệu chứng này xuất hiện từ 4-10 giờ sau khi ăn hoặc ủ lâu hơn, có thể là 1 tuần.

Các triệu chứng đầu tiên khi bị nhiễm độc tố Botulinum là buồn nôn và nôn nhẹ, chướng bụng, đau bụng và sau đó là liệt cơ ruột. Tiếp theo là liệt dần từ vùng đầu mặt, cổ xuống chân, kèm các triệu chứng sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, khó nuốt. Nếu mức độ nặng, bệnh có thể tiến triển rất nhanh, người bệnh nhanh chóng bị liệt tất cả các cơ dẫn đến suy hô hấp, gây ngừng thở hoặc tử vong. Ngộ độc do Clostridium botulinum ít xảy ra nhưng được biết đến nhiều vì tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng lâu dài.

* Để phòng tránh ngộ độc Botulinum trên địa bàn, ngành Y tế đã có nhưng giải pháp nào?

- Ngay sau khi xảy ra những ca ngộ độc Botulinum, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý ATTP, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, đình chỉ hoạt động những cơ sở gây ra ngộ độc, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Khi mua thực phẩm đóng hộp, người tiêu dùng cần tránh những hộp có bao bì móp méo, phồng giộp, biến dạng. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đóng hộp tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: P.Liễu
Khi mua thực phẩm đóng hộp, người tiêu dùng cần tránh những hộp có bao bì móp méo, phồng giộp, biến dạng. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đóng hộp tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: P.Liễu

Thực hiện chỉ đạo này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do Clostridium botulinum. Theo đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng hộp chế biến từ thịt, hải sản, rau củ quả; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng hộp chế biến từ thịt, hải sản, rau củ quả… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

Chi cục cũng yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng các quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất đồ hộp, thực hành chế độ khử khuẩn nghiêm ngặt; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không bảo quản lạnh đúng mức. 

* Vậy khuyến cáo của ngành đối với người dân về phòng tránh ngộ độc Botulinum là gì, thưa ông?

- Do thời gian gần đây có nhiều vụ ngộ độc Botulinum nên Cục ATTP đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm ATTP, tuân thủ các quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất, thực hành chế độ khử khuẩn nghiêm ngặt.

Với người dân, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống chín. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều