Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo giá hàng hóa tăng do giá điện tăng

08:06, 27/06/2023

Giá điện sinh hoạt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng vào đầu tháng 5-2023, nhưng hiện EVN lại đề xuất tăng giá điện vào tháng 9-2023 khiến nhiều người dân lo lắng.

Giá điện sinh hoạt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng vào đầu tháng 5-2023, nhưng hiện EVN lại đề xuất tăng giá điện vào tháng 9-2023 khiến nhiều người dân lo lắng.

Điện tăng giá, nhiều gia đình phải rất tiết kiệm để hóa đơn tiền điện không bị đội lên quá cao. Ảnh: P.LIỄU
Điện tăng giá, nhiều gia đình phải rất tiết kiệm để hóa đơn tiền điện không bị đội lên quá cao. Ảnh: P.LIỄU

Điện là hàng hóa đặc biệt thiết yếu mà mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều cần. Tăng giá điện không chỉ khiến hóa đơn tiền điện của các cơ sở sản xuất, hộ dân tăng thêm mà nguy cơ giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là khi đời sống người dân đang còn nhiều khó khăn do kinh tế giảm sút.

* Lại đề xuất tăng giá điện

Đề xuất tăng giá điện của EVN không chỉ khiến dư luận quan tâm mà còn làm “nóng” nghị trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - khi có đại biểu Quốc hội cho rằng, đề xuất tăng giá điện của EVN là chưa phù hợp trong thời điểm kinh tế bị ảnh hưởng chung bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại buổi họp báo của EVN trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 4-5, trả lời phỏng vấn của báo chí, Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, chi phí sản xuất điện trong năm 2022 của ngành đáng lẽ ra phải tăng 17%. Mức tăng này mới cân đối được tài chính, nhưng ngành chỉ được “duyệt” cho tăng 3%, tương đương với tăng 56 đồng/kwh.

Theo ông Lâm, mức tăng 3% không làm tiền điện của hộ gia đình tăng đáng kể. Do đó, EVN đề xuất với Quốc hội tiếp tục cho tăng giá điện vào tháng 9-2023 để ngành điện ổn định được tài chính, bảo toàn vốn nhà nước và có tiền nâng cao chất lượng, phục vụ người dân. Ông Lâm mong người tiêu dùng chung tay với ngành điện để vượt qua khó khăn; đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm và phù hợp.

* Lo ngại tình trạng… “té nước theo mưa”

Giá điện mới tăng 3% nhưng một vài mặt hàng đã lấy lý do này để tăng giá.

Bà Nguyễn An Chi (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, tháng 5-2023, khi giá điện tăng, nhà bà phải trả thêm 90 ngàn đồng so với tiền điện tháng trước. Điện mới tăng mà một số mặt hàng tiêu dùng đã tăng giá, như tiệm phở bình dân ở đầu hẻm nhà bà thường ngày bán 30 ngàn đồng/tô, nay tăng giá 35 ngàn đồng/tô vì lý do giá điện tăng...

Từ năm 2010 đến nay, EVN đã 9 lần điều chỉnh tăng giá điện, từ 1.058 đồng/kwh lên 1.920 đồng/kw. Trong đó, lần tăng giá vào tháng 5-2023 là 3%. Cụ thể, với mức tăng này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50kwh/tháng là 2.500 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 100kwh/tháng là 5.100 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 200kwh/tháng là 11.100 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 300kwh/tháng là 18.700 đồng/hộ và hộ tiêu thụ 400 kwh/tháng là 27.200 đồng/hộ.

Bà Trần Ngọc Minh, giáo viên về hưu (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, thông thường giá xăng, giá điện, giá nước tăng là “cái cớ” để giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng theo kiểu… “té nước theo mưa”. Chẳng hạn như tháng 7-2022, khi giá xăng tăng liên tiếp và đắt kỷ lục thì ngay lập tức, giá cả nhiều loại hàng hóa từ mớ rau, con cá đến tô phở, gói xôi... cũng tăng theo. Điều đáng nói là khi giá xăng hạ nhiệt thì các loại hàng hóa trên vẫn không hạ giá.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thêu (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn. Hiện mỗi tháng bà phải trả hơn 200 ngàn đồng tiền điện, dù đã sử dụng rất tiết kiệm. Giá điện tăng thêm một vài chục ngàn đồng/tháng cũng sẽ làm tăng thêm chi tiêu trong gia đình.              

“Khi tăng giá điện, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tiền điện cho những cơ sở sản xuất nhỏ, hộ nghèo, cận nghèo và các hộ dân có thu nhập thấp để họ không bị tác động nhiều từ việc tăng giá điện” - bà Thêu đề xuất.

Nhiều ban đọc bày tỏ lo lắng khi từ ngày 1-7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng, nhưng mức tăng không cao, trong khi nhiều mặt hàng, dịch vụ lại tăng. Do đó, nhiều ban đọc kiến nghị cần cân nhắc khi điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu như: xăng, dầu, điện, nước. Vì xăng, điện, nước là hàng hóa đặc biệt, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như bất kỳ cơ sở sản xuất nào; khi những mặt hàng này tăng giá sẽ tác động đến giá cả nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ khác tăng theo.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Nội thất gia đình cũ giao hàng miễn phíDấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ gửi hàng đi úc Dịch vụ vận chuyển hàng đi đà nẵng tại 247ExpressCác hãng giày nội địa trung nhận mua hộ hàng mỹ uy tín Order taobao nhanh chóng tại Cbay LogisticsCách mua hàng trên 1688 về Việt Nam