Với nhiều quy định mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ dư luận.
Với nhiều quy định mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ dư luận.
Người tiêu dùng cần chọn mua những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng để quyền lợi được đảm bảo. Ảnh minh họa: K.Liễu |
Nhiều ý kiến nhận định, khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi đi vào cuộc sống thì quyền lợi của NTD sẽ được bảo vệ tốt hơn, vì được bổ sung nhiều điểm mới phù hợp với thực tế như: thêm các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, quy định rõ hơn về quyền lợi NTD…
* Nhiều quy định phù hợp thực tế
Tìm hiểu về các nội dung mới của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi, ông Phan Duy Ân (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhận xét, luật sửa đổi lần này có nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay. Trong đó, nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng theo ông là rất thiết thực, vì hiện nay chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
Theo ông Ân, các hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Thực tế thời gian qua đã phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến nội dung hợp đồng giữa khách hàng với đơn vị kinh doanh. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của NTD trong trường hợp này, luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng này.
“Tôi thấy nội dung quy định này rất thiết thực vì thời gian qua phát sinh nhiều vụ tranh chấp quyền lợi giữa khách hàng với đơn vị kinh doanh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Luật quy định rõ ràng về bảo vệ quyền lợi của NTD khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì quyền lợi của NTD sẽ được đảm bảo tốt hơn” - ông Ân nói.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 với một số điểm mới, cụ thể: về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi NTD; quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD; hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD… |
Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm là Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi đã quy định cụ thể, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi NTD và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi NTD (trong đó có Hội bảo vệ quyền lợi NTD) như: đại diện NTD khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi NTD vì lợi ích công cộng; không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án… Đồng thời, luật bổ sung tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi NTD.
* Đưa luật đi vào cuộc sống hiệu quả
“Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi NTD và các tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi NTD là rất cần thiết. Thực tế, vai trò của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD hiện còn mờ nhạt. Mong rằng, khi các quy định mới được áp dụng sẽ giúp các hoạt động vì quyền lợi của NTD thực sự phát huy hiệu quả” - ông Lê Minh Trí (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) kỳ vọng.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi NTD, ông Trí cho rằng, bản thân NTD trước hết phải là NTD thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo… Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi quy định rõ hơn về quyền của NTD, vì vậy, NTD cần nắm luật, vận dụng để quyền lợi được đảm bảo tốt nhất.
Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi thực sự áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả, một số ý kiến cho rằng, các đoàn thể và các tổ chức xã hội các cấp cần tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đã được luật quy định trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung mới của luật để người dân nắm rõ.
Về phía các doanh nghiệp, ngoài việc cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tốt, chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phục vụ NTD, cũng cần chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
Phía NTD cần tự nâng cao nhận thức về các quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan.
Kim Liễu