Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Bất cập trong quản lý cầu dân sinh

08:07, 25/07/2023

Khảo sát từ thực tế cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân qua những cây cầu dân sinh là rất lớn. Nhiều cây cầu đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối lưu thông giữa các phường (xã).

[links()]Khảo sát từ thực tế cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân qua những cây cầu dân sinh là rất lớn. Nhiều cây cầu đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối lưu thông giữa các phường (xã).

Cầu Lộc Lâm trên đường Thân Nhân Trung được xem là một trong những cửa ngõ dẫn vào P.Trảng Dài (nối KP.4C, P.Trảng Dài và KP.8, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) luôn có lượng người và phương tiện qua lại đông và rất nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: K.Liễu
Cầu Lộc Lâm trên đường Thân Nhân Trung được xem là một trong những cửa ngõ dẫn vào P.Trảng Dài (nối KP.4C, P.Trảng Dài và KP.8, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) luôn có lượng người và phương tiện qua lại đông và rất nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: K.Liễu

Nhu cầu đi lại cao nhưng công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng các cây cầu dân sinh này hiện còn nhiều bất cập. Không ít cây cầu dân sinh dù xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời, không đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông, nhất là vào mùa mưa bão…

* Cầu dân sinh thường xuyên quá tải

Hàng chục cây cầu dân sinh hiện hữu bắc qua các suối ở TP.Biên Hòa như: suối Linh, suối Bà Lúa, suối Săn Máu, suối Cầu Quan… giữ vai trò quan trọng không chỉ giúp kết nối nội phường (xã), liên phường (xã) mà còn là lối đi tắt của người dân nên lưu lượng xe cộ đi lại luôn đông đúc. Chính vì vậy, nhiều cây cầu dân sinh thường xuyên quá tải.

Nằm trên đường Thân Nhân Trung - một trong những cửa ngõ chính từ P.Hố Nai vào P.Trảng Dài, cầu Lộc Lâm mỗi ngày đón hàng ngàn lượt người qua lại, phương tiện vận chuyển hàng hóa tấp nập. Vào giờ cao điểm từ 6-8 giờ và 17-19 giờ, có hàng trăm lượt người dân, công nhân làm việc ở các khu công nghiệp (KCN): Biên Hòa 2, Long Bình, Amata qua lại…

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, toàn thành phố hiện có khoảng 120 cầu dân sinh các loại, tập trung tại 10 phường, xã gồm: Tân Phong, Bình Đa, Hố Nai, Tam Phước, An Hòa, Tam Hòa, Long Bình, Tân Biên, Phước Tân và  Long Hưng.

Trước khi bị sập, cầu Ông Quỳnh ở KP.8A, P.Long Bình bắc ngang qua suối Linh là lối đi của hàng trăm công nhân làm việc tại KCN Amata. “Từ KP.8A, chỉ cần 5 phút là tôi và nhiều công nhân đã có mặt ở nhà máy. Nhưng giờ cầu bị sập, tôi phải đi vòng ra quốc lộ 1 để vào nhà máy, quãng đường xa hơn gấp 6 lần so với trước” - chị Trần Thị Hưng (ngụ P.Long Bình) cho hay.

Tương tự, cây cầu tổ 44, KP.4C, P.Trảng Dài nhiều năm qua cũng đã trở thành lối đi quen thuộc của nhiều người và phương tiện vận chuyển hàng hóa. Từ cây cầu làm bằng sắt có tuổi đời hơn 30 năm, bắc qua nhánh suối Săn Máu để đến KP.11A, P.Tân Biên nay đã được bê tông hóa, ngoài phục vụ đi lại của người dân, cây cầu còn có nhiệm vụ giúp các chủ vườn rau ở KP.4 vận chuyển nông sản ra ngoài tiêu thụ thuận tiện hơn.

Trên một nhánh suối Linh (P.Long Bình) tiếp giáp với chợ Tam Hòa (P.Tam Hòa), 2 cây cầu ở KP.5, P.Long Bình có vai trò thiết yếu trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa ra vào chợ Tam Hòa… nên nhu cầu qua lại rất lớn. Không chỉ phục vụ việc đi lại, nhiều cây cầu còn góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân kết nối giao thương, phát triển kinh tế…

* Quản lý và bảo dưỡng cầu dân sinh: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hầu hết các cây cầu dân sinh hiện hữu ở TP.Biên Hòa đều có tuổi đời từ 20-30 năm nên việc bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo an toàn lưu thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng những cây cầu dân sinh này vẫn còn là vấn đề cần bàn.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, các cây cầu dân sinh nằm trong các khu dân cư do UBND các phường, xã quản lý (theo Quyết định số 46A/QĐ-UBND, ngày 4-8-2010 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai). Trong quá trình khai thác sử dụng, nếu có hư hỏng nhỏ thì địa phương tự khắc phục, nếu hư hỏng nặng địa phương kiến nghị thành phố hỗ trợ sửa chữa cho đảm bảo an toàn.

Thực tế nhiều cây cầu dân sinh ở TP.Biên Hòa do người dân tự đóng góp kinh phí để làm. Hầu hết UBND các phường (xã) không còn lưu bản thiết kế kỹ thuật của cây cầu, do được xây dựng và nâng cấp dần theo kiểu “hư đâu sửa đó”. Thậm chí, người dân khu vực và chính quyền địa phương còn không biết chính xác tải trọng của cây cầu là bao nhiêu để đặt biển báo hạn chế tải trọng.

Chủ tịch UBND P.Hố Nai Vũ Văn Chiêu cho biết, các cây cầu dân sinh trên địa bàn được hình thành từ những năm 1990 do người dân tự đầu tư xây dựng. Ban đầu là những tấm bê tông bắc qua, dần dần trong quá trình sử dụng xuất phát theo nhu cầu thực tế cầu được nâng cấp lên. Thời điểm hiện tại, tổng số 7 cây cầu nối P.Hố Nai và P.Trảng Dài đều đã được bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 phường. Ngoài việc đi lại giao thương, các cây cầu hàng ngày còn đón hàng ngàn lượt học sinh, công nhân chủ yếu ở KP.4, P.Trảng Dài qua lại để đi làm…

“Nhu cầu đi lại của người dân những năm gần đây tăng cao nên thường xảy ra tình trạng quá tải, nhất là vào các giờ cao điểm thường bị kẹt xe do cầu nhỏ mà lượng người đổ về khá đông, nhất là tại cầu Kim Bích, cầu Lộc Lâm. Mỗi khi mưa lớn, nước chảy xiết, các cây cầu thường bị ngập sâu. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đây, tổ dân phố quản lý thường hạ thanh chắn hai bên đầu cầu, không cho xe qua cầu phòng tránh tai nạn nên giao thông bị tắc nghẽn” - ông Vũ Văn Chiêu cho hay.

Vào đầu mùa mưa hàng năm, chính quyền các địa phương thường chủ động kiểm tra, làm lại các lan can bảo vệ, gia cố móng, đặt thanh chắn an toàn và cắt cử lực lượng để hỗ trợ người dân mỗi khi xảy ra ngập úng… Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông và cũng được xem như thực hiện công tác bảo dưỡng cho các cây cầu dân sinh. Ngoài ra, hầu như không có hình thức bảo dưỡng nào khác.

Cây cầu dân sinh ở KP.5, P.Long Bình bắc qua suối Linh tuy đã được thành phố cho gia cố nhưng thành cầu rất mong manh, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông khi nước lũ đổ về. Ảnh: P.Liễu
Cây cầu dân sinh ở KP.5, P.Long Bình bắc qua suối Linh tuy đã được thành phố cho gia cố nhưng thành cầu rất mong manh, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông khi nước lũ đổ về. Ảnh: P.Liễu

Ông Phạm Văn Đồng (ngụ tổ 4, KP.4, P.Trảng Dài), nhà ở gần chân cầu Lộc Lâm cho hay, cây cầu này được người dân địa phương tự xây dựng cách đây hàng chục năm. Năm 2021, thành phố có cho gia cố, sửa chữa nhỏ như: trải thảm lại mặt cầu, làm mới lan can…

“Cầu có bảng tải trọng khoảng 5 tấn nhưng xe tải 20 tấn vẫn cố tình chạy qua nhưng không thấy cơ quan nào đến kiểm tra, giám sát, hạn chế xe quá tải qua cầu hoặc sửa chữa lớn để bảo đảm cầu có thể “gồng gánh” lưu lượng người và xe như hiện nay để bảo vệ cầu. Cho nên nhìn bề ngoài, cầu Lộc Lâm có vẻ kiên cố, song với lượng xe “khủng” thoải mái qua lại cầu suốt ngày đêm thì nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn” - ông Đồng bày tỏ lo lắng.

Tương tự, cầu KP.1, P.Long Bình Tân bắc qua suối Bà Lúa cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Dầm cầu, thành cầu được làm bằng bê tông, theo thời gian, nhiều chỗ đã bị nứt vỡ. Mỗi lần ô tô qua lại, chiếc cầu có biểu hiện rung lắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Dù cây cầu bắc qua suối không quá rộng nhưng nằm ở chỗ thấp nên chỉ cần một trận mưa lớn là nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn tràn qua mặt cầu, thậm chí lấp cả thành cầu. Dù biết lưu thông qua cầu khi mưa lớn là nguy hiểm nhưng bà con vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.

“Mỗi ngày, có hàng trăm học sinh qua lại cầu để đến trường, trong khi tình trạng hư hỏng, xuống cấp của cây cầu diễn ra gần chục năm nay nhưng vẫn chưa được sửa chữa, gia cố an toàn để người dân yên tâm qua lại cây cầu này” - ông Nguyễn Chí Thiện (ngụ KP.1, P.Long Bình Tân) lo lắng nói.

Trao đổi về trách nhiệm bảo dưỡng cầu dân sinh trên địa bàn,  Phó chủ tịch UBND P.Phước Tân Phan Lê Việt Cường cho biết, 8 cây cầu dân sinh bắc qua suối Cầu Quan trên địa bàn phường đã tồn tại từ lâu. Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị xây mới những cây cầu này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhưng chưa được thành phố phê duyệt.

Rõ ràng, cầu dân sinh hiện giữ một vai trò quan trọng trong việc đi lại của người dân cũng như kết nối lưu thông liên phường. Để bảo đảm an toàn đi lại cho người dân thì trách nhiệm quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng những cây cầu dân sinh này cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa.

Phương Liễu - Kim Liễu

Bài 3: Đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông

Tin xem nhiều