Pháp luật nghiêm cấm hành vi săn bẫy, nuôi nhốt, trao đổi, mua bán chim hoang dã, có nguồn gốc từ rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, một số người dân không nắm rõ quy định này nên vẫn vô tư vi phạm.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi săn bẫy, nuôi nhốt, trao đổi, mua bán chim hoang dã, có nguồn gốc từ rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, một số người dân không nắm rõ quy định này nên vẫn vô tư vi phạm.
Một người dân ngụ P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) mới mua con chim chào mào từ một người bán dạo về nuôi dưỡng. Ảnh: Đ.PHÚ |
* Vô tư săn bẫy, nuôi nhốt chim hoang dã
Hành nghề bẫy, bắt chim sẻ, én nơi vườn rẫy gần 10 năm để bỏ mối cho các vựa thu mua, ông Bảy Tèo (ngụ xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) đến nay vẫn chưa lần nào bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Chính điều này làm ông nghĩ rằng, pháp luật chỉ xử lý những người săn bẫy chim quý hiếm trong rừng, chứ bắt chim trong tự nhiên thì không bị phạt.
Vốn đam mê thú nuôi chim cảnh, anh L.T. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) sẵn sàng bỏ tiền triệu ra mua những chú chim: chào mào, sáo, chích chòe… từ những người đi bán dạo hay người săn bẫy từ rừng về thuần dưỡng. Anh T. cũng cho rằng, anh chỉ là người mua chim về nuôi nên không có điều gì phải sợ. Nếu có bị xử lý thì cơ quan chức năng xử lý người bẫy, bán chứ không phải người mua nuôi như anh.
Cũng chính vì những suy nghĩ đơn giản như vậy mà tình trạng bẫy, bắt, bán, nuôi nhốt chim trong tự nhiên như: sẻ, chào mào, bìm bịp… để phóng sinh, làm thuốc, làm cảnh vẫn phổ biến. Điều này làm cho số lượng chim trong tự nhiên ngày một giảm, không còn đông đảo, đa dạng như trước.
Ông Nguyễn Bá Lộc, cán bộ pháp chế Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) cho biết, có thể do người dân hiểu chưa đúng nên nhầm tưởng chỉ có việc săn bẫy hay mua bán chim có nguồn gốc từ rừng mới bị chế tài. Còn việc săn bẫy, mua bán, nuôi nhốt chim tự nhiên, hoang dã từ vườn rẫy thì không bị pháp luật về lâm nghiệp nghiêm cấm, chế tài.
“Săn bẫy, nuôi nhốt, mua bán… chim trong tự nhiên, có nguồn gốc di trú từ rừng và thuộc loài quý hiếm, nguy cấp cần bảo vệ mà không đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp đều bị nghiêm cấm” - ông Lộc cho hay.
* Loại chim tự nhiên nào cần được bảo vệ?
“Trước cửa nhà tôi có rất nhiều chim sẻ và tôi thường đem gạo, thóc cho chúng ăn. Vậy mà vẫn có người tới lén lút đặt bẫy, tôi phản ứng thì bị họ đe dọa” - chị BẢO THI (ngụ KP.4, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bức xúc bày tỏ. |
Theo Khoản 8, Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt Nghị định 06) quy định động vật rừng thông thường (trong đó có chim) là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hóa thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Ông Nguyễn Bá Lộc phân tích, Nghị định 06 liệt kê danh mục loại chim nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệ của Nhóm IB, IIB gồm các bộ: Hạc, bồ nông, gà, sẻ… Trong đó, bộ sẻ nhóm IB, IIB gồm: Khướu đầu đen má xám; các loài thuộc giống Garrulax và thuộc giống Pitta, mi núi bà, sẻ đồng ngực vàng, kim oanh mỏ đỏ, kim oanh tai bạc, nhồng… Các loại chim này thường có trong tự nhiên, khó nhận biết nên dễ bị lầm tưởng là các loại chim thông thường khác.
Do đó, theo ông Nguyễn Bá Lộc, hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài chim thuộc nhóm IB, IIB không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên. Đồng thời, mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài chim thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
Đối với hoạt động săn bẫy, nuôi nhốt, mua bán, trao đổi… chim tự nhiên thông thường và thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ, theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, tùy mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà bị chế tài hành chính hay hình sự.
Chẳng hạn, tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có quy định, hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau: Động vật rừng thông thường trị giá dưới 5 triệu đồng; động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá dưới 3 triệu đồng.
Về hình sự, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điểm a, Khoản 1, Điều 234 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017.
Đoàn Phú