Sáng 30-6, hàng chục nhà đầu tư, giáo viên, học viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, đóng tại P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã tập trung tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn để đòi giải quyết quyền lợi cho mình.
Sáng 30-6, hàng chục nhà đầu tư, giáo viên, học viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, đóng tại P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã tập trung tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn để đòi giải quyết quyền lợi cho mình.
Đại diện Sở GT-VT tiếp nhận đơn cầu cứu của giáo viên, học viên Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Ảnh: A.NHƠN |
Theo các nhà đầu tư, giáo viên và học viên, khi hay tin Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn Hồ Đình Thái Hòa bị khởi tố điều tra về hành vi “Giả mạo trong công tác” đã khiến họ rất lo lắng. Suốt 2 tháng nay, mọi người đã nhiều lần liên hệ trực tiếp, thậm chí gửi đơn thắc mắc đến trung tâm nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi việc ngưng hoạt động kéo dài của trung tâm khiến cho nhà đầu tư, giáo viên mất việc làm, không có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, rồi gánh nặng trả lãi ngân hàng khi vay tiền mua xe; gây thiệt hại tinh thần, ảnh hưởng tới công việc của học viên.
* Nhà đầu tư, giáo viên, học viên khóc ròng
Ông Nguyễn Văn Khương, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cho biết, ông dạy lái xe tại đây đã hơn 6 năm. Trước đây, việc dạy và học lái xe ô tô tại trung tâm diễn ra bình thường, ổn định. Tuy nhiên, đến tháng 4-2023, khi ông Hồ Đình Thái Hòa bị bắt tạm giam vì liên quan đến những sai phạm thì hơn 30 hồ sơ đăng ký học lái xe của ông Khương nhận từ các học viên và nộp vào trung tâm bị ngưng lại suốt 2 tháng nay mà không biết rõ lý do.
“Tôi rất áp lực vì ngày nào học viên cũng gọi điện hỏi khi nào được học, được thi hoặc nếu không được học, không được thi thì phải trả lại tiền cho họ. Trong khi đó, tôi cũng bị thất nghiệp trong nhiều tháng liền và cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn” - ông Khương tâm sự.
Theo ông Khương, ngoài làm giáo viên dạy lái xe, ông còn vay mượn tiền mua 5 chiếc xe ô tô với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng để đầu tư vào Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Tuy nhiên, trung tâm ngưng hoạt động trong 2 tháng nay khiến những chiếc xe của ông phải “trùm mền” một chỗ, trong khi ông phải bỏ tiền ra đăng kiểm xe, trả tiền lãi ngân hàng...
Trong sáng 30-6, hàng chục nhà đầu tư, học viên, giáo viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn đã đến Sở GT-VT kêu cứu. Đại diện Sở đã mời mọi người vào làm việc để lắng nghe và tiếp nhận đơn cầu cứu về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông (Sở GT-VT) đã có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ trước cổng trụ sở Sở GT-VT nên tình hình an ninh trật tự tại khu vực này được đảm bảo. |
“Bây giờ tôi có muốn rút xe ra để đem đi trung tâm khác hoặc bán xe cho người khác cũng không được. Bởi xe đã sang tên của trung tâm rồi, giờ phải có người đại diện của trung tâm đứng ra giải quyết mới được. Tôi đã nhiều lần liên hệ với trung tâm nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng” - ông Khương bức xúc nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch cũng làm giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn từ nhiều năm nay. Khi Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn xảy ra những sai phạm thì khoảng 200 hồ sơ đăng ký học lái xe của ông Thạch nhận từ học viên và nộp vào trung tâm bị ngưng lại toàn bộ. Ông Thạch bị áp lực suốt 2 tháng nay, vì ngày nào cũng có học viên gọi điện hỏi, thậm chí gây bức xúc.
Ngoài dạy học lái xe, ông Thạch còn vay mượn tiền mua 10 chiếc xe ô tô với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng đầu tư vào Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cùng làm ăn. Việc trung tâm ngưng hoạt động khiến những chiếc xe của ông nằm yên một chỗ. Tương tự ông Khương, hiện ông Thạch đang rơi vào tình cảnh bế tắc khi công việc không có, nguồn thu nhập cũng không, trong khi tiền vay mượn ngân hàng chưa trả xong.
“Tôi liên hệ trung tâm rất nhiều lần nhưng tất cả đều bảo… chờ. Tôi đã phải chờ đợi trong 2 tháng liền và cuộc sống hiện gặp rất nhiều khó khăn” - ông Thạch bộc bạch.
Anh Bùi Văn Thắng, học viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cho hay, anh đăng ký học lái xe ô tô bằng B2 tại trung tâm từ tháng 5-2022 và đã đóng đầy đủ học phí. Đến nay, anh đã hoàn thành các phần học lý thuyết và thực hành, nhưng khi ngày thi tốt nghiệp đến gần thì phải ngưng lại vì liên quan đến một số sai phạm của trung tâm. Cũng như nhiều học viên khác, anh Thắng đã chờ đợi nhiều tháng nay và chưa biết khi nào được nhận tin báo thi tốt nghiệp.
* Mong được giải quyết đảm bảo quyền lợi
Vì những lẽ trên, hiện các nhà đầu tư, giáo viên, học viên mong muốn Ban lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cử người đại diện giải quyết quyền lợi cho mình. Cụ thể, giải quyết cho học viên được thi tốt nghiệp và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, còn nếu không thì phải trả lại tiền cho học viên; giải quyết lương và các chế độ liên quan cho giáo viên và nhân viên; cho ký rút hồ sơ giáo viên, xe nếu trung tâm không hoạt động nữa...
Hàng chục nhà đầu tư, giáo viên, học viên cùng phương tiện tập trung tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) lên tiếng đòi quyền lợi cho mình |
Báo Đồng Nai đã thông tin, ngày 28-4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn Hồ Đình Thái Hòa để điều tra về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Sở GT-VT sau đó đã có văn bản đề nghị tạm dừng tổ chức các kỳ thi sát hạch lái xe ô tô đối với Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Vừa qua, Sở LĐ-TBXH đã gửi văn bản có ý kiến về việc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cần đảm bảo quyền lợi cho học viên học lái xe ô tô.
Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa giải quyết thỏa đáng các quyền lợi liên quan cho giáo viên, học viên…, khiến cho nhiều người bức xúc.
An Nhơn