100 năm - tròn một thế kỷ, nhưng chuyện của Bác Hồ kính yêu của ngày đó vẫn còn như hiển hiện trước mắt chúng ta, cho ta biết nhiều điều hay, lẽ phải; cho ta biết những biểu hiện sáng ngời tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách của một nhân vật lịch sử đặc biệt: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh!
100 năm - tròn một thế kỷ, nhưng chuyện của Bác Hồ kính yêu của ngày đó vẫn còn như hiển hiện trước mắt chúng ta, cho ta biết nhiều điều hay, lẽ phải; cho ta biết những biểu hiện sáng ngời tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách của một nhân vật lịch sử đặc biệt: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh!
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920 |
Còn nhớ, vào khoảng đầu năm 1919, sau 8 năm trong chặng đường đi “tìm hình của Nước”, Bác Hồ của chúng ta đã viết đơn xin gia nhập Đảng Xã hội Pháp với tên gọi mới Nguyễn Ái Quốc. Lý do để Người viết đơn xin gia nhập tổ chức này, theo suy nghĩ của Người thì “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái”; và vì “Người ta không thể hoạt động cách mạng được khi chỉ đứng một mình”. Vào Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng của Pháp như: Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Léon Blum, Raymond Lefèbvre, Jean Longuet, Gaston Monmouseau...
* Bản “yêu sách” gây tiếng vang lớn
100 năm trôi qua, nhưng cái mốc son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tại Pháp năm 1919 đó sẽ không bao giờ phai trong ký ức của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước. |
Khi đã đứng trong hàng ngũ Đảng Xã hội Pháp, thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, ngày 18-6-1919, Người gửi đến Hội nghị các cường quốc ở Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm sau: (1). Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; (2). Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; (3). Tự do báo chí và tự do ngôn luận; (4). Tự do lập hội và hội họp; (5). Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; (6). Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; (7). Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; (8). Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ. Đồng thời, bản yêu sách trên còn được Người gửi (kèm theo thư riêng) cho các đoàn đại biểu Đồng minh dự hội nghị (trong đó có đoàn của Mỹ và cho cả riêng Tổng thống Mỹ). Sau khi nhận được bản yêu sách và thư của Người, các đoàn có thư trả lời.
Các chính giới ở Paris gọi đây là “quả bom” nổ không ai ngờ tới trước thềm của một hội nghị quốc tế quan trọng. Việc đưa bản yêu sách đã đánh thức sự thờ ơ của dư luận đối với vấn đề Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung. Nhân dân trong nước đã đánh giá cao hình thức đấu tranh mới mẻ này. Tên gọi Nguyễn Ái Quốc như là một niềm hy vọng đã lóe sáng trong bầu trời đen thẳm. Tại Pháp, bản yêu sách cũng được phân phát như một truyền đơn gây ảnh hưởng lớn với kiều bào. Và tên gọi Nguyễn Ái Quốc cũng trở thành một niềm tin, một khẩu hiệu đấu tranh. Còn số đông nhân dân Pháp bắt đầu chú ý đến vấn đề thuộc địa. Không những thế, từ sự kiện đó, Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu mở rộng mối quan hệ với các nhà yêu nước đến từ châu Á, châu Phi cùng chung niềm căm thù với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Chính Bộ Nội vụ Pháp cũng đã khẳng định: “Qua các cuộc điều tra về sự tuyên truyền trong các giới Việt Nam ở Paris ủng hộ bản yêu sách của nhân dân Việt Nam có thể rút ra kết luận rằng hiện nay, linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”. Sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn, là dấu hiệu của một bước chuyển biến lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam từ nay gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc.
Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint (Paris, Pháp) năm 1921, nơi đây Nguyễn Ái Quốc đã từng sinh sống (1921 - 1923) |
Ngoài bản yêu sách như “quả bom” gây dư chấn nói trên, trong thời gian từ tháng 6 đến những tháng cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài báo khác để nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách và những người yêu nước chân chính; đồng thời vạch trần bản chất và tội ác của nhóm thực dân hiếu chiến Pháp đối với thuộc địa Đông Dương và các thuộc địa khác như loạt bài: Tâm địa thực dân, Vấn đề bản xứ, Đông Dương và Triều Tiên, Một sự so sánh thú vị, Thư gửi ông Outrey... Có thể nói, những bài báo đó đã rung lên được những tiếng chuông cảnh báo, tạo nên sự chú ý của dư luận Pháp và nước ngoài đối với vấn đề số phận các thuộc địa và thực chất của chủ nghĩa thực dân, bấy giờ còn đang mang cái mặt nạ mĩ miều lừa dối là đi khai hóa văn minh cho các giống người man rợ. Các bài báo đó không chỉ viết về Việt Nam mà còn đề cập đến tình hình các thuộc địa khác ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Chính vì thế, Người đã mau chóng trở thành bạn thân thiết của các dân tộc, không phân biệt màu da. Cảm phục thay, một thanh niên yêu nước chỉ mới 29 tuổi đời, sống xa quê hương, gia đình nhưng đã biết tự chủ vươn lên. Sống và hoạt động trên đất Pháp, đến với người Pháp bằng tấm lòng chân thực ngay thẳng và giàu tình cảm và nhất là tìm được một điểm chung với những người Pháp chân chính, đấu tranh chống áp bức vì Tự do, chống bất công vì lý tưởng Bình đẳng, chống mọi hành động tàn ác vì tinh thần Bác ái, chống chủ nghĩa thực dân đế quốc vì một thế giới đại đồng không có bóc lột giai cấp, bóc lột dân tộc...
* Hoạt động sôi nổi của Người trên đất Pháp
Sẽ là rất thiếu sót khi ta không đề cập tới cuộc sống riêng của Người trong thời gian Người tham gia những hoạt động sôi nổi đó trên đất Pháp. Theo hồi ký của ông Jean Fort - người thợ điện cùng trọ một nhà với Người ở ngõ hẻm Compoint: “Anh Nguyễn phải tự lực cánh sinh để đi tìm và làm đủ nghề, lúc thì đi vẽ khoán cho một xưởng truyền thần, lúc thì làm việc in ảnh, sửa ảnh, việc gì làm được là cũng lăn vào làm, để vừa có đủ ăn ở mức tối thiểu, vừa dành được tiền để mua sách tự học, đóng kinh phí, tham gia các câu lạc bộ để nghe và thu hoạch những điều bổ ích. Ban ngày đi làm, tối đến là thời gian đi dự các cuộc nói chuyện có tranh luận về các vấn đề triết học, kinh tế, chính trị, xã hội hoặc đến Thư viện quốc gia đọc sách. Học được gì thì tìm cách áp dụng vào thực hành ngay cái đó. Một kết quả tốt là nhiều người đã đồng tình với anh và trở thành những người tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam... Tôi không biết viết báo, nhưng anh Nguyễn lại biết viết báo, lại đôi khi viết cả truyện ngắn nữa... Tối nào, dù bận công việc gì, khuya đến mấy, anh cũng tranh thủ học tập hai tiếng đồng hồ”. Còn ông Bùi Lâm, một người Việt sống cùng Người ở Paris thời đó, sau này trở thành đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), nhớ lại: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi đến đâu là đào tạo người đến đó, đồng chí luôn nhắc nhở chúng tôi làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Từ đấy, tôi ngày đêm nung nấu trong lòng ý nghĩ: Chết cũng phải về nước, về làm nhiệm vụ của người dân mất nước”. Để làm nhiệm vụ của người dân mất nước, Người đã nêu gương sáng về cần công kiệm học, kiên trì vượt khổ, chịu khó trong đời sống cá nhân. Có thể nói, với độ lùi của 100 năm, nhưng còn đó vẫn hằn nguyên trong ta về ý thức làm việc, hoạt động và học tập của Người trong những năm đầu bôn ba ở châu Âu: Với mục đích học vì nước, học để đấu tranh, Người đã học ở mọi nơi, mọi lúc, học hỏi ở mọi người. Học đến đâu vận dụng ngay đến đấy. Học là để thực hành. Và bao giờ cũng đề cao đầu óc độc lập, suy nghĩ.
Trên chiếc tàu Pháp Amiral Latouche Tréville này, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước |
Cuối năm 1919, khi được biết về cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga từ năm 1917, Người đã cố gắng tìm hiểu những thông tin chưa có nhiều ở Pháp về cuộc cách mạng này. Vào những tháng cuối năm 1919, Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp được thành lập, Người đã tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức mới này với suy nghĩ đây sẽ chính là tổ chức ủng hộ mạnh mẽ hơn công cuộc giải phóng của các thuộc địa. Cũng từ đây, Người đã tích cực vận động Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản III và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga. Người tham gia tuyên truyền, phân phát truyền đơn kêu gọi nhân dân lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga...
100 năm trôi qua, nhưng cái mốc son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tại Pháp năm 1919 đó sẽ không bao giờ phai trong ký ức của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước. Vâng, đó là ký ức về hình ảnh một thanh niên Việt Nam, sống, làm việc và hoạt động trong điều kiện hết sức khắc nghiệt về thời tiết, thiếu thốn về vật chất và sự giám sát, theo dõi chặt chẽ, gắt gao của giới thực dân hiếu chiến Pháp. Thế nhưng biết vượt lên tất cả, với ý thức tự rèn luyện tư tưởng, mài sắc ý chí, thể nghiệm tình cảm, xác lập quan điểm để định hình cho mình được một nhân cách vững vàng, hoàn chỉnh của một người yêu nước mới mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Vâng, 100 năm trước đây, năm 1919 ấy sẽ mãi là cái mốc quan trọng đầu tiên phản ánh sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học.
Nguyễn Thị Thọ