Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao tốc "bung hoa"

09:01, 25/01/2019

Những tuyến cao tốc đã, đang và sắp đi ngang qua Đồng Nai hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng trong vài năm tới. Nút giao Dầu Giây được liên tưởng như một chiếc "nhụy hoa", từ đó tỏa ra nhiều hướng kết nối đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Những tuyến cao tốc đã, đang và sắp đi ngang qua Đồng Nai hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng trong vài năm tới. Nút giao Dầu Giây được liên tưởng như một chiếc “nhụy hoa”, từ đó tỏa ra nhiều hướng kết nối đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

3 tuyến cao tốc chiến lược quốc gia là TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương đều “hội ngộ” nhau ở nút giao Dầu Giây. Vùng đất này được xem là đầu mối giao thông quốc gia.

* Những cung đường hướng biển và hoa

Thời gian qua, Chính phủ đã đốc thúc Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) về tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Mới đây Bộ GTVT cũng đã phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó có đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Đây là tuyến cao tốc được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong thời gian tới, không chỉ đơn thuần rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh thành ven biển miền Trung với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ thông qua việc kết nối với 2 tuyến cao tốc đã và đang hoàn thành là TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, còn là một trục kết nối giao thông quan trọng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến cao tốc nối từ Dầu Giây với thành phố du lịch biển Phan Thiết được ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (thuộc Bộ GTVT quản lý) cho biết về tiến độ cụ thể, đến tháng 5-2019 sẽ tiến hành bồi thường thu hồi đất cho dự án, tháng 9-2019 sẽ tổ chức tuyển chọn nhà thầu và tháng 7-2020 sẽ khởi công dự án. Hiện Ban QLDA Thăng Long đã đăng ký vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này trong năm 2019 là 1.200 tỷ đồng.

Một đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt sẽ nối với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sau khi được đầu tư hoàn chỉnh
Một đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt sẽ nối với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sau khi được đầu tư hoàn chỉnh

Tuyến cao tốc nối với thành phố ngàn hoa là Dầu Giây - Liên Khương cũng được nhiều người kỳ vọng sớm khởi công. Với hơn 200km cao tốc này được xây dựng thì khoảng cách giữa vùng hoa Đà Lạt với các tỉnh, thành Đông Nam bộ không còn xa xôi.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư khoảng 65 ngàn tỷ đồng. Cũng theo Ban QLDA Thăng Long, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ khởi công xây dựng đoạn Dầu Giây - Tân Phú (60km) trước, đây là đoạn thiết yếu dự kiến khởi công đầu vào năm 2019 và đi vào khai thác vào năm 2021. Kinh phí xây dựng cho đoạn này là hơn 7 ngàn tỷ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng đoạn này khoảng 740 tỷ đồng.

* Kỳ vọng sự dịch chuyển kinh tế

Khu vực Dầu Giây có nút giao của 3 tuyến cao tốc và 2 đường quốc lộ, nơi đây đã được phê duyệt quy hoạch đô thị Dầu Giây và đang thành lập thị trấn Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Theo phân tích của giới chuyên môn, khi 2 tuyến cao tốc này hình thành sẽ có tác động khá mạnh đến sự phát triển kinh tế của các vùng. Đầu tiên là lượng khách đến với 2 thành phố du lịch Đà Lạt, Phan Thiết sẽ tăng, bởi thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến các nơi này lúc đó chỉ còn nửa ngày thay vì gần cả ngày như hiện nay.

Tại hội nghị tổng kết “Chương  trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai giai đoạn 2007-2017; phương hướng hợp tác giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” vào tháng 10-2018, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ quyết định mức tăng trưởng nhanh hay chậm của Lâm Đồng và cũng là động lực kinh tế của các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú của Đồng Nai. Đồng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng khi tuyến cao tốc được xây dựng thì cơ hội thu hút đầu tư cho khu vực này sẽ tốt hơn.

Khu vực Dầu Giây có nút giao của 3 tuyến cao tốc  và 2 đường quốc lộ, nơi đây đã được phê duyệt quy hoạch đô thị Dầu Giây và đang thành lập thị trấn Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Việc chuyển dịch kinh tế của hệ thống giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng mang lại là rất tích cực. Có thể thấy rõ, trước khi tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được xây dựng, giao thông kết nối chỉ dựa vào tuyến quốc lộ 1, khi ấy những khu công nghiệp ở Long Khánh, Dầu Giây phát triển khá ì ạch, việc kêu gọi các nhà đầu tư vào đây không mấy dễ dàng. Khi tuyến cao tốc này đi vào sử dụng, các khu công nghiệp ở đây chỉ ít thời gian đã được lấp đầy và xin mở rộng. Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Dầu Giây - Liên Khương sẽ có tác động tích cực phát triển công nghiệp ở 2 huyện là Xuân Lộc và Tân Phú.

2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương còn phá đi thế độc đạo của quốc lộ 1 và quốc lộ 20 vốn đang quá tải về giao thông.

VÂN NAM

Tin xem nhiều