2018 là một năm mà Đồng Nai cùng các bộ, ngành liên quan phải "chạy nước rút" để hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - bước đi mang tính nền tảng cho đại dự án này.
2018 là một năm mà Đồng Nai cùng các bộ, ngành liên quan phải “chạy nước rút” để hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - bước đi mang tính nền tảng cho đại dự án này.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiểm tra quy hoạch khu tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: HẢI QUÂN |
Lần đầu tiên một dự án giải phóng mặt bằng thực hiện báo cáo FS. Theo các chuyên gia thì đây có lẽ là báo cáo FS “vô tiền khoáng hậu”.
* Chưa có tiền lệ
Ngày 6-11-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo FS giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; lúc đó Tổ công tác thực hiện báo cáo của tỉnh mới nhẹ nhõm. Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, thành viên Tổ công tác thực hiện báo cáo FS - người theo dõi công việc xuyên suốt quá trình thực hiện báo cáo chia sẻ: “Những ngày đầu khi Chính phủ yêu cầu lập báo cáo FS dự án, tôi được chỉ đạo nghiên cứu đề cương để làm. Tôi như “lạc vào rừng”, phải liên hệ khắp nơi từ Trung ương đến các địa phương rồi cả các Hội Khoa học nhưng vẫn không đâu có kiểu mẫu này để tham khảo”.
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành cách điệu hình hoa sen. |
Suốt 3 tuần liên tiếp, UBND tỉnh triệu tập các sở, ngành cùng với đơn vị tư vấn để xây dựng khung báo cáo FS này. Bắt tay vào công việc, đơn vị tư vấn (Công ty TNHH một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC) cũng “rối như canh hẹ” khi trong tay chỉ là các mẫu báo cáo FS dự án xây dựng. Những mẫu báo cáo này áp dụng vào dự án giải phóng mặt bằng không được nên cũng đành mày mò cùng tỉnh làm một báo cáo chưa từng có. Ông Thanh cho hay, viết xong đến đâu lại “ôm” báo cáo ra các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến đóng góp sau đó về chỉnh sửa lại. Thời gian lập báo cáo bị rút lại ngắn nhất có thể để kịp báo cáo với Quốc hội nên công việc lúc nào cũng “căng như dây đàn”.
Anh Trần Văn Cường, chuyên viên tổ giúp việc Tổ công tác cho biết tỉnh phải làm gần 10 báo cáo giải trình với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Thẩm định nhà nước những vấn đề trong báo cáo FS. Không chỉ vậy, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận theo nhóm trong kỳ họp, đoàn công tác của tỉnh phải sắp xếp mỗi tổ một người là thành viên trong Tổ viết báo cáo để giải trình kịp thời. Theo anh Cường, việc đó chưa “đau đầu” bằng giải trình với tổ công tác của Hội đồng Thẩm định nhà nước. “Các chuyên viên của hội đồng thẩm định lật từng trang, “soi” từng con số trong báo cáo và bắt giải trình phải thuyết phục, làm việc rất căng thẳng” - anh Cường nói.
Báo cáo FS giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành dài gần 500 trang liên quan đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội nên việc thẩm tra rất phức tạp. Có những vấn đề khi báo cáo tưởng chừng đã xong thì hội đồng thẩm định phát hiện ra thiếu, lại phải chờ làm bổ sung, cụ thể là báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập cho toàn bộ dự án (5.364 hécta).
* Báo cáo chở bằng… xe tải
Tổ công tác thực hiện báo cáo FS giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không thể quên được ngày đưa báo cáo đến trình Quốc hội. Anh Phạm Văn Long, chuyên viên tổ giúp việc Tổ công tác kể, ngày hôm trước tại Văn phòng Bộ Giao thông - vận tải, Tổ công tác của tỉnh và của Bộ phải làm việc đến gần 11 giờ đêm mới hoàn thiện xong báo cáo và cấp tốc đưa đến nhà in. Phải in ngay trong đêm để sáng hôm sau kịp có báo cáo gửi cho các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội kiểm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: VÂN NAM |
Với 700 cuốn báo cáo dày gần 500 trang/cuốn, khi nhà in giao phải sử dụng... xe tải để chở đến hội trường. Thật trớ trêu, trong những ngày diễn ra kỳ họp, xe tải lại bị cấm không được phép vào khu vực tòa nhà Quốc hội. Mọi người nghĩ ra phương án chuyển báo cáo sang xe chuyên dùng của ngành Bưu điện mới được phép vào trong sảnh tòa nhà. Nhắc đến chuyện này, ông Thanh nhớ lại: “Báo cáo chuẩn bị đưa đi phát, tôi cầm 1 cuốn lên xem và tá hỏa thấy có trang bị đóng ngược. Vậy là anh em phải dùng xe đẩy đưa toàn bộ báo cáo ra kiểm tra rồi đóng lại. Cực nhất là mỗi lần ra vào phải làm thủ tục soi chiếu an ninh nên không hề đơn giản”.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng, Tổ trưởng Tổ công tác của tỉnh cho hay việc anh em trong đoàn phải làm việc đến khuya trong thời gian thực hiện báo cáo FS là bình thường; họ cũng không có ngày nghỉ lễ hay chủ nhật, thậm chí các sở phải làm việc trực tuyến với tổ công tác khi ra Hà Nội báo cáo. Ông Hưng nhớ có lần làm việc với Bộ Giao thông - vận tải ở Hà Nội, buổi chiều vừa xong việc là phải bay về gấp để sáng hôm sau dự họp về nội dung sân bay tại UBND tỉnh. Lúc này ông và một chuyên viên đi cùng ra đến sân bay không thể mua được vé, chờ đến 3 giờ sáng mới có chuyến, về đến nhà ông chỉ kịp thay đồ rồi lên hội trường UBND tỉnh họp.
Anh Cường cho hay mỗi lần nghe đến họp về báo cáo FS giải phóng mặt bằng sân bay dù ở Hà Nội hay trong tỉnh đều rất… ngán. Việc “ôm” báo cáo di chuyển theo các cuộc họp là thường xuyên, có những lần sáng bay ra Hà Nội làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư xong; chiều lại tức tốc ôm báo cáo bay ngay vào Đà Nẵng cho kịp cuộc họp của Ủy Kinh tế Quốc hội.
Gần một năm rưỡi đánh vật với báo cáo FS giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đầy gian truân, đến nay cơ sở pháp lý của dự án đã hoàn tất để triển khai bước đầu cho siêu dự án sân bay chưa từng có tại Đồng Nai.
KHẮC GIỚI