Đã thấy không khí xuân tràn về khắp các nơi. Đã thấy rạo rực xuân từ các địa phương được công nhận nông thôn mới như: Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán... đến TP.Biên Hòa. Đã thấy nụ cười của những công nhân trẻ trong các khu công nghiệp ở Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa... sau 1 năm lao động với bao hứng khởi cùng những lo toan, vất vả.
Đã thấy không khí xuân tràn về khắp các nơi. Đã thấy rạo rực xuân từ các địa phương được công nhận nông thôn mới như: Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán... đến TP.Biên Hòa. Đã thấy nụ cười của những công nhân trẻ trong các khu công nghiệp ở Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa... sau 1 năm lao động với bao hứng khởi cùng những lo toan, vất vả.
Văn nghệ chào mừng tại lễ trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước và chào mừng 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai |
Tết Kỷ Hợi có gì mới? Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã điểm xuyết những nét ấn tượng trong bức tranh kinh tế - xã hội nước nhà. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%, năm 2018 ước đạt hơn 6,7% (cuối năm đạt 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua). Nói một cách bao quát nhất là đất nước ta đã từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Năm xưa nói đến tỷ lệ nghèo nghe mà ngao ngán, nhiều năm treo ở con số hơn 60%, nay chỉ còn khoảng 7%. Quy mô nền kinh tế nước ta đứng thứ 44 thế giới nếu tính theo GDP, còn nếu tính theo sức mua tương đương thì có thể tăng lên 10 bậc.
Đó là cách “nói có sách, mách có chứng”. Dịp cuối năm 2018, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi có cuộc gặp gỡ và trao đổi với nhà thơ Colombia - ông Fernando Rendón. Nói về cảm tưởng khi đến thăm xứ sở nhiệt đới của chúng ta, ông nói: “Chúng ta tìm kiếm bí mật trên thế gian này rất khó. Nhưng hôm nay bí mật đó đã tìm thấy - đó là Việt Nam”. Một cách nói rất “Tây”, nhưng rất thật lòng. Bởi trên đất nước của ông, khủng bố, bạo lực ma túy đang hoành hành. Cái đói, cái nghèo dai dẳng bám vào đời sống người dân. Sang Việt Nam, nhà thơ Fernando Rendón như bước chân vào một thế giới yên bình, ấm áp tình người. Ông hỏi kỹ về chuyện đổi mới ở Việt Nam và lấy làm tâm huyết lắm. Và như câu thơ của ông: “Sẽ không còn là của tôi mà là của chúng ta”. Những gì tốt đẹp, tiến bộ sẽ thuộc về nhân loại.
Trước hết khi nghĩ về đất nước, về Đảng của chúng ta, tôi thích cách nói có tầm khái quát, có những dẫn chứng rõ ràng như thế. Vậy thì khi nhắc tới các vấn đề từ kinh tế đến xã hội, văn hóa phải bằng vào những điều đạt được và chưa được, tiến bộ và tụt hậu chứ không chỉ với con mắt phủ định, nặng về phán xét, chê trách.
Năm qua nếu nói về sự tiến bộ ấn tượng nhất có lẽ là phát triển kinh tế và chỉnh đốn Đảng. Kinh tế như đã nêu mấy nét tổng quát ở trên. Còn chỉnh đốn Đảng là bước tiếp theo, bước chuyển mạnh mẽ với cái đà, cái lực được chuẩn bị từ trước, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay. Đảng mạnh, Dân tin. Bây giờ câu nói đó như có thêm sức nặng, thêm những tầng ý nghĩa mới, không phải ở khái niệm mà là từ những việc chúng ta làm. Chúng ta đã tiến công vào những “vách đá” nặng nề nhất: Chống tham nhũng không có “vùng cấm”. Báo chí đã nêu rất nhiều vụ việc, tưởng không cần nhắc lại. Có những vụ tiêu cực, tham nhũng, như “vụ AVG” chẳng hạn có lúc tưởng như “chìm xuồng”, vì liên quan quá nhiều cơ quan với những “dây nhợ” lằng nhằng. Nhưng không, làm tới cùng, rõ đến đâu xem xét, xử lý đến đó. Và rồi như người ta bóc dần những lớp vỏ cây, cái lõi mục ruỗng đã dần lộ rõ. Tham nhũng vặt đã nhức nhối lòng dân. Tham nhũng, chia nhau đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thật quá sức tưởng tượng! Dân tin, tin vào bản lĩnh, vào sự dũng cảm của Bộ Chính trị, của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cứ làm đi, thực tiễn sẽ cho ta câu trả lời. Câu nói này soi vào việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác cũng rất đúng. Không thể làm nửa vời, đương nhiên phải làm từng bước, phải tỉnh táo, thận trọng, vì đây là sinh mạng chính trị của đồng chí, đồng đội mình. Người xưa có câu “Dân sai thì mất mùa, vua sai thì mất nước”. Chế độ tốt đẹp mà chúng ta xây dựng không có vua. Sự nghiệp này là của Dân, của Đảng. Đảng dũng cảm tiến công vào thành trì tham nhũng, tiêu cực và bước đầu đã đưa nhiều vụ án nghiêm trọng ra ánh sáng. Đó là cơ sở rất tốt để niềm tin của Dân với Đảng được củng cố. Chống tham nhũng mạnh mẽ đi liền với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không bỏ lại một ai ở phía sau, đó là biểu hiện của một chế độ xã hội tốt đẹp. Không nên quá lo rằng, chống mạnh như thế cán bộ nhụt hết ý chí, vì luật pháp của ta còn những kẽ hở, sợ sai thì người ta sẽ co lại, không còn muốn sáng tạo, đi trước(!). Chúng ta đã có luật pháp, đã có sự lãnh đạo tập thể với nguyên tắc xuyên suốt “tập trung dân chủ”. Quyết đoán, sáng tạo không đồng nghĩa với làm liều, làm gì cũng nghĩ đến, cũng lo tới cái “sân sau” của mình.
Phía trước còn lắm cam go, thách thức. Sai lầm, khuyết điểm còn nhiều. Đời sống người dân ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn cơ cực. Thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường lại liên tiếp đe dọa cuộc sống người dân. Sóng to, gió lớn không làm mỏi tay chèo khi tập thể những người chèo lái sát cánh kề vai, kiên định, đồng lòng trên đường về đích. Khi kinh tế khó khăn, khi lòng dân li tán, khi nội bộ Đảng có những dấu hiệu phân tâm, chỉ một chút thiếu bản lĩnh, một cái gật đầu cho qua, tình hình sẽ diễn biến xấu đi rất nhanh. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nảy sinh từ đó. Từ một sự a dua, đồng lõa, từ một cái bắt tay thỏa hiệp sẽ dẫn tới vi phạm nguyên tắc, phủ định truyền thống. Tiếc rằng, những cán bộ mắc sai lầm, tội lỗi nhận ra điều này rất muộn. Chỉ đến khi họ đã nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc, đã vào vòng lao lý mới hối hận nói rằng: giá như các đồng chí kiểm tra sớm hơn, chỉ cho tôi những sai sót, khuyết điểm sớm hơn. Sự sám hối này chính là lời cảnh tỉnh, là bài học cho người khác. V.I.Lênin từng nói: “Sai lầm cũng dạy chúng ta nhiều bài học. Trong lĩnh vực này cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta nói rằng chúng ta sẽ học tập bằng tự phê bình”. Lời dặn đó của Người vẫn nguyên giá trị thời sự trong lúc này.
Sóng to gió cả thêm vững tay chèo khi Đảng có Dân. Tấm lòng của Dân với Đảng đã được thử thách qua nhiều năm tháng, từ trong đêm dài nô lệ đến khi đất nước tự do, độc lập và ngày nay vững bước trên con đường đi lên nước mạnh, dân giàu. Thời cách mạng còn trong bóng tối, người dân có Đảng bỗng thấy mình được “tắm mình trong ánh sáng”. Ngày nay dân ta nhận thức rất rõ rằng, lịch sử đang trải qua những khúc quanh, nhưng rồi theo quy luật, lịch sử sẽ tìm đến đúng con đường của nó, cái tất yếu phải như thế. Những sai lầm, khuyết điểm mà Đảng ta đã chỉ rõ trong các văn kiện gần đây thể hiện sự dũng cảm, sự kiên định, dứt khoát đi theo con đường đã lựa chọn. Không phải là sự giáo điều, bảo thủ như những tiếng nói lạc lõng đâu đó. Đảng xác định, chúng ta phải kế thừa và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo nhất quyết không phải là sự gắn mác, bê nguyên xi những điều nhất thành bất biến. Tư tưởng mới trong thời đại mới không ai nghĩ thay, làm thay chúng ta mà chỉ có những người trong cuộc. Điều này Mác cũng đã căn dặn: Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo.
Sinh thời Bác Hồ thường nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”. Người đã kế thừa tư tưởng cha ông từ Đinh, Lý, Trần, Lê. Dân sai thì mất mùa, vua sai thì mất nước. Muốn tránh được cái sai thì phải dựa vào dân, nghe dân, hiểu dân và học dân. Chúng tôi có dịp dự hội nghị tổng kết việc hạ phóng của 600 trí thức trẻ được đưa về các xã làm phó chủ tịch. Những đồng chí thành công nhất là những người được dân yêu mến nhất. Một đồng chí phó chủ tịch một xã vùng cao khi trở lại huyện công tác, chủ tịch xã xúc động nói rằng: “Từ nay dân bản vắng một đứa em rồi. Từ ngày có nó, ngô thêm nhiều hạt, con đường vào bản như rộng thêm ra. Nó giúp ta nhìn thấy những vì sao dưới lòng suối”.
Xuân về trên Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lâm Cón |
Đang lắng nghe, đang phản biện với Đảng là những người dân - người dân trong thời thế giới trở thành một cái làng nhờ những tác động to lớn của khoa học - công nghệ, nhất là khi ta đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mãi mãi Nhân dân như bức thành trì ngăn cản ngàn con sóng lớn.
Viết những dòng này khi gió reo chồi biếc, xuân đã về đâu đây. Cứ ngân nga trong tôi câu ca dao xưa:
Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Muốn về Đồng Nai lắm, trong nắng sáng phương Nam, trong cái tình nồng ấm, hứa hẹn một năm mới tốt lành.
Xuân Kỷ Hợi 2018
Tùy bút của Hải Đường