Có đến Nhật Bản, cùng làm việc với người Nhật mới thấy được vì sao một quốc gia tan hoang sau thế chiến thứ 2 chỉ trong mấy chục năm lại vươn lên thần kỳ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Có đến Nhật Bản, cùng làm việc với người Nhật mới thấy được vì sao một quốc gia tan hoang sau thế chiến thứ 2 chỉ trong mấy chục năm lại vươn lên thần kỳ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một buổi học tại Osaka có các doanh nghiệp Nhật Bản đến cùng chia sẻ. |
Con người ở xứ sở hoa anh đào có lối tư duy và tinh thần làm việc thật đáng để suy ngẫm, học hỏi.
* “Một nghề cho chín”
Chúng tôi đến 2 thành phố của Nhật Bản là Osaka và Hakata để học và kiến tập theo chương trình phát triển nguồn nhân lực của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ở vùng đất mặt trời mọc này có rất nhiều doanh nghiệp “trăm năm tuổi”. Chúng tôi được kiến tập ở 20 doanh nghiệp thì có đến 16 doanh nghiệp tuổi từ 100 năm trở lên.
Điều đặc biệt, đây không phải là những tập đoàn đa quốc gia đình đám mà chỉ là những doanh nghiệp nhỏ. Theo giáo viên hướng dẫn cho chúng tôi, các doanh nghiệp nhỏ của Nhật hoạt động ở lĩnh vực nào sẽ hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực đó; gần như không có chuyện thấy lĩnh vực khác có lợi nhuận cao là nhảy vào. Họ đầu tư tối đa từ tài chính đến nhân lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất. Đơn cử như Công ty Rengo ở Hakata là doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy đã có 110 năm tuổi (thành lập từ năm 1909 đến nay). Hơn 100 năm qua, doanh nghiệp này chỉ sản xuất bao bì với những tiêu chí như tiện ích, thẩm mỹ và bảo vệ môi trường.
Tokyo |
Triết lý của các doanh nghiệp Nhật Bản là “Phụng sự trước, lợi nhuận sau”, “ Kinh doanh bằng sự tử tế, vui hạnh phúc phụng sự đại chúng như là sứ mệnh lý do tồn tại của doanh nghiệp”.
Đây cũng là lý do vì sao các công ty Nhật Bản luôn được yêu mến không chỉ từ những sản phẩm chất lượng cao mà còn cả về tinh thần phục vụ rất tốt. Tất cả các công ty Nhật Bản luôn xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp mình.
* Tận tụy trong từng việc nhỏ
Người dân Nhật Bản được biết đến với tính kỷ luật về thời gian đúng đến từng phút; tính cần mẫn và trách nhiệm với cộng đồng. Họ không quan tâm đây là việc lớn hay việc nhỏ mà đã làm thì phải tận tụy hết mình. Thực lòng lúc mới qua, chúng tôi bị ngộp bởi cách quản lý thời gian lịch học và lịch làm việc chuẩn đến từng phút. Các chuyên gia JICA hướng dẫn cho học viên tỉ mỉ hết lòng và rất nhã nhặn. Họ luôn cố gắng giúp học viên nắm bắt được kiến thức tốt nhất qua quá trình kiến tập thực tế tại doanh nghiệp. Tôi thực sự ấn tượng bởi từng hành động nhỏ của người Nhật.
Tàu cao tốc chạy với tốc độ 320km/giờ êm đến độ để ly nước trên vali mà không bị đổ. Chỉ 2 phút là có 1 chuyến qua ga nên đi lại rất thuận tiện (Ảnh: Ngọc Tuấn) |
Tôi nhớ mãi hôm được tặng sách, tôi lấy cây viết sẵn trong túi áo nhờ thầy Yamamoto (người làm cho Tập đoàn Panasonic gần 50 năm) ký tên lên sách. Thầy không ký ngay tại đó mà hẹn mang sách về nhà để dùng loại viết có nét chữ đẹp để viết tặng. Sau đó, thầy lại đích thân mang sách đến nơi chúng tôi ở trao tặng. Tôi nhận thấy, việc khen ngợi, động viên nhau, giúp đỡ tận tâm, khiêm tốn nhã nhặn, cảm ơn nhau dường như là thói quen ứng xử hiển nhiên của người Nhật.
Ở Osaka, chúng tôi nhờ người dân chỉ đường khi tìm quán ăn khuya, họ vui vẻ dẫn chúng tôi đến tận nơi vì không muốn chúng tôi mất thời gian tìm kiếm. Chỉ nhìn việc quét nhà của những người dân ở khu vực chúng tôi sinh sống cũng thấy đáng để học tập, thay vì quét rác từ trong nhà ra ngoài đường thì họ làm ngược lại để giữ vệ sinh công cộng và đường sá luôn sạch đẹp. Nhờ ý thức này mà ngay cả những cầu cảng tại địa phương mà chúng tôi có dịp tới đều sạch như khu du lịch. Cảm ơn Nhật Bản, khiến tôi tin tưởng trên đời có nhiều người chúng ta đã gặp, đã quen, đã yêu thương rất tử tế và trân trọng nhau nhiều vậy. Thật đúng là Nhật.
NGỌC TUẤN