Trong hàng ngàn năm lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống về một nền ngoại giao tinh tế và hiển hách. Trong đó, tầm nhìn chiến lược của cha ông ta "Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy" đã được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay trong thời bình. Với tư tưởng chủ đạo đó, công tác đối ngoại đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong hàng ngàn năm lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống về một nền ngoại giao tinh tế và hiển hách. Trong đó, tầm nhìn chiến lược của cha ông ta “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” đã được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay trong thời bình. Với tư tưởng chủ đạo đó, công tác đối ngoại đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Malcolm Turnbull ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Australia ngày 15-3-2018 |
* Truyền thống đáng tự hào
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, kiến tạo và soi đường chỉ lối cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Từ quan điểm, tư tưởng “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” của Bác, ngành Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, ngành Ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thúc đẩy Mỹ bỏ bao vây cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam…
Cùng với đó, đất nước ta không ngừng hội nhập sâu rộng, tranh thủ nguồn lực quốc tế để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước; có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường ở các châu lục. Nước ta có 3 đối tác chiến lược toàn diện là Liên bang Nga, Nhật Bản và Trung Quốc; 13 đối tác chiến lược gồm các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Đức, Ý, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Australia, Mỹ. Việt Nam cũng đã xây dựng quan hệ hợp tác tốt với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ASEAN+3 và Đông Á… Có thể nói, công tác đối ngoại đã tạo xung lực cho đất nước phát triển phồn vinh, bền vững.
* Nhiều thành tựu trong năm 2018
Trong năm 2018, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã tiếp tục phát huy thành công rực rỡ của năm 2017, nâng cao vị thế của đất nước trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế - xã hội đến chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, thể thao, văn hóa...
Tiếp đà thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, đối ngoại đa phương tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ, trở thành điểm sáng nổi bật của ngành Ngoại giao năm 2018. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như: Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10...
Lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực tham dự Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Hà Nội |
Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội, sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 của Việt Nam, đã được đánh giá là hội nghị thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này. Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước đã tăng đáng kể, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng. Tháng 5-2018, Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tháng 12-2018, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL), tạo điều kiện cho chúng ta tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất nước.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những diễn biễn phức tạp, bất ngờ, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Việt Nam không những củng cố mà còn mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt. Trong năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, tạo xung lực mới trong quan hệ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước lớn như: Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp… tiếp tục đi vào chiều sâu; tin cậy chính trị và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được tăng cường. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược - đây là Đối tác chiến lược thứ 11 của chúng ta trong các nước G20.
Việt Nam cùng 10 quốc gia thành viên chính thức ký kết Hiệp định CPTPP ngày 8-3-2018 tại Chile |
Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới, Việt Nam tiếp tục kiên định hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Đối ngoại đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng - an ninh hình thành thế chân kiềng vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia tiếp tục được quản lý tốt, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Trên Biển Đông, Việt Nam tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
* Vững vàng bước vào năm mới
Nhìn tổng thể, có thể thấy những kết quả quan trọng đạt được trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2018 đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời định vị Việt Nam một cách vững chắc hơn trong cục diện khu vực và quốc tế.
Với những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2018 và quyết tâm lớn, toàn ngành đối ngoại đang bước vào năm 2019 với tinh thần sáng tạo, đột phá và vượt lên chính mình, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Ngoại giao 30 tháng 8-2018.
Những nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại Việt Nam năm 2019 là: Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn; triển khai tốt Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để hướng tới đảm nhận các trọng trách tại các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN và Liên hợp quốc; giữ cho được đà hội nhập quốc tế, nhất là việc triển khai hiệu quả CPTPP và các hiệp định thương mại thế hệ mới khác; bước vào giai đoạn liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, toàn ngành sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng nền ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, xứng tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngành Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh và trí tuệ, gặt hái thêm nhiều thành tựu lớn hơn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hoài Đăng - Quang Anh