Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ Mai Nhơn và bức ảnh chân dung Người mở cõi

03:01, 25/01/2019

Sau thành công của bộ tranh ghép gốm Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế thế giới tham dự APEC 2017, năm 2018 trong dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, họa sĩ Mai Nhơn (Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai) lại tiếp tục thực hiện bức ảnh ghép chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Sau thành công của bộ tranh ghép gốm Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế thế giới tham dự APEC 2017, năm 2018 trong dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, họa sĩ Mai Nhơn (Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai) lại tiếp tục thực hiện bức ảnh ghép chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Họa sĩ Mai Nhơn ghép ảnh trên máy vi tính để tạo chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Họa sĩ Mai Nhơn ghép ảnh trên máy vi tính để tạo chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Họa sĩ Mai Nhơn cho biết, tác phẩm chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được ghép từ hơn 1.200 bức ảnh tư liệu về vùng đất và con người Gia Định - Đồng Nai, xứ sở mà cách đây 320 năm (năm 1698) Đức ông Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược xứ Đồng Nai “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn” (Đại Nam thực lục tiền biên).

* Tri ân tiền nhân

Là người con của đất Đồng Nai, dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, họa sĩ Mai Nhơn muốn làm gì đó trong khả năng để tri ân các bậc tiền nhân dày công khai phá, xây dựng, bảo vệ và phát triển xứ sở giàu đẹp như hôm nay. Và danh nhân lịch sử đầu tiên anh nghĩ đến là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đã “mang gươm đi mở cõi”, định danh vùng đất Trấn Biên - Đồng Nai trên bản đồ đất nước. Những hình ảnh tạo nên chân dung Lễ Thành hầu phải là những bức ảnh về xứ sở, con người Đồng Nai trong suốt quá trình phát triển mới càng thêm ý nghĩa.

Họa sĩ Mai Nhơn cũng vừa thực hiện xong chân dung huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang-seo ghép từ ảnh thi đấu của đội tuyển trong 3 sự kiện quan trọng gần đây là Giải U.23 châu Á 2018, Giải Asiad 2018 và Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2018. Lấy màu đỏ - màu trang phục truyền thống của đội tuyển bóng đá Việt Nam làm chủ đạo, các chi tiết màu trắng được ghép từ những tấm ảnh đội tuyển Việt Nam đá bóng trong cơn mưa tuyết tại Thường Châu (Trung Quốc), anh đã tạo nên chân dung vị huấn luyện viên người Hàn Quốc góp phần đưa đội tuyển bóng đá Việt Nam làm nên những kỳ tích và bước lên tầm cao mới. Anh cũng sẵn sàng tặng sản phẩm cho những ai hâm mộ ông Park Hang-seo.

Ý tưởng của họa sĩ Mai Nhơn được bạn bè ủng hộ. Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh 2 Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở Đồng Nai sốt sắng giao hết “gia tài” là hơn 2 ngàn bức ảnh về tỉnh Biên Hòa xưa do chính mình sưu tầm trong hơn 10 năm. Sau khi chọn lọc và giữ lại những bức ảnh có nội dung ý nghĩa, họa sĩ Mai Nhơn có trong tay được khoảng 1 ngàn bức ảnh tỉnh Biên Hòa qua các thời kỳ, cộng thêm khoảng 200 bức ảnh do anh sưu tầm về những thành tựu kinh tế - văn hóa của Đồng Nai (như bộ ảnh về những sản phẩm gốm mỹ thuật của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, ảnh bắn pháo hoa nghệ thuật ở Đồng Nai…). Toàn bộ những bức ảnh này đều được anh giữ nguyên độ phân giải để khi phóng to hay in với kích thước lớn vẫn không bị nhòe, đồng thời đích thân xử lý, chỉnh sửa màu sắc, độ sáng, đậm nhạt cho phù hợp yêu cầu.

Có ảnh rồi, nhưng vẫn phải cẩn trọng về vấn đề bản quyền để tránh những rắc rối phát sinh về sau vì đây đều là ảnh sưu tầm. Họa sĩ Mai Nhơn đã nhờ bác sĩ Phúc lo về vấn đề bản quyền ảnh, đảm bảo không có tấm ảnh nào vi phạm luật về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả.

Đối với giới mỹ thuật, việc ghép ảnh thành tranh chân dung không phải mới mẻ. Ở Đồng Nai, trước đây họa sĩ Nguyễn Minh đã từng thực hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… bằng ảnh ghép. Bản thân họa sĩ Mai Nhơn cũng đã từng thực hiện bức chân dung nhạc phụ và nhạc mẫu từ hàng ngàn bức ảnh sinh hoạt của gia đình nên kỹ thuật ghép ảnh không “làm khó” được anh. Có điều, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chân dung Lễ Thành hầu là Đức ông… không có chân dung. Họa sĩ Mai Nhơn đã bỏ công nghiên cứu tượng Đức ông ở Dinh Ông (xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), đình Bình Kính (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) và ở Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), nhưng cả 3 bức tượng đều… không giống nhau, thậm chí cả áo mão, trang phục của Đức ông cũng rất khác nhau, trong khi tượng Đức ông ở đình Bình Kính là trang phục quan võ với mũ có phần chóp nhọn thì tượng ở An Giang lại đội mũ 3 cạnh đỉnh bằng. Với mong muốn thực hiện thật chính xác chân dung Lễ Thành hầu, họa sĩ Mai Nhơn còn bỏ công tra cứu, tìm hiểu về quy cách trang phục quan lại thời các chúa Nguyễn (tương đương với triều Hậu Lê), đặc biệt là phẩm cấp Chưởng cơ, nhưng do tư liệu quá ít ỏi nên đành… bó tay.

Cuối cùng, họa sĩ Mai Nhơn đành thực hiện phương án như các nơi khác đã làm, đó là chọn hình ảnh, trang phục Đức ông như bức tượng tại An Giang nhưng có “chỉnh” lại gương mặt cho phù hợp với nhân trắc của người Quảng Bình, đồng thời kết hợp với tư liệu mô tả về Đức ông như: người tầm thước, nước da đen (Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh có biệt hiệu là “Hắc hổ”), mũi hơi to, cằm hơi bạnh. Cẩn trọng hơn, anh còn tìm một người mẫu nam có nhân dạng tương tự để phác họa mẫu.

* Tấm lòng người con Đồng Nai

Có được mẫu ưng ý, việc còn lại là ghép hơn 1.200 bức ảnh vào cho phù hợp. Nghe dễ dàng, nhưng phải “trong nghề” mới biết công đoạn này đòi hỏi công sức, tỉ mẩn và tính mỹ thuật như thế nào. Họa sĩ Mai Nhơn cho biết hiện nay đã có phần mềm tự động ghép ảnh, chỉ cần “thảy” ảnh lên là máy sẽ tự động ghép theo mẫu nhưng sản phẩm tạo ra quá vô hồn, nhợt nhạt thiếu sức sống, rất nhàm chán. Để sản phẩm sinh động, người ghép ảnh phải có “con mắt” sáng tạo về mỹ thuật, có sự gia cố thủ công để tạo nên thần thái riêng của chân dung. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị quan văn võ song toàn, nên thần thái của ông phải vừa có sự uy nghiêm, oai dũng của võ tướng, vừa toát lên được vẻ trí tuệ, nhân văn cùng tính cách quảng giao của ông.

Chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được họa sĩ Mai Nhơn tạo nên từ hơn 5.500 ô ảnh thành phần là hình ảnh Biên Hòa - Đồng Nai
Chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được họa sĩ Mai Nhơn tạo nên từ hơn 5.500 ô ảnh thành phần là hình ảnh Biên Hòa - Đồng Nai

Chọn màu vàng làm chủ đạo cho bức tranh chân dung Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, họa sĩ Mai Nhơn sử dụng kỹ thuật photoshop để những bức ảnh Biên Hòa xưa vốn chỉ có 2 màu trắng đen và càng ngả sang màu vàng ố theo thời gian để làm một số phần nền. Những mảng sử dụng màu đen như râu, mắt của chân dung, anh dùng những bức ảnh chụp buổi tối như ảnh bắn pháo hoa đêm giao thừa, còn chi tiết cần sử dụng màu đỏ anh chọn ảnh múa lân trong các dịp lễ hội…

Trong năm 2018, ngoài các bức chân dung ảnh ghép, họa sĩ Mai Nhơn còn thực hiện tác phẩm Mẹ và Biển (tranh ghép gốm phối hợp sơn dầu), được chọn triển lãm tại Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Đông vào tháng 7-2018 (gồm 9 tỉnh Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ) do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tại triển lãm Mẹ và Biển (tháng 4-2018), anh có 3 bức tranh sơn dầu triển lãm cùng với các họa sĩ Pháp - Việt tại TP.Hồ Chí Minh, và 50% số tiền bán tranh anh đã dành tặng cho công tác từ thiện.

Có những chi tiết như râu của Đức ông có độ xoắn, anh phải kỳ công chọn lựa những bức ảnh có độ đậm phù hợp để tạo chi tiết sinh động. Cứ sau giờ làm việc, anh lại miệt mài với chiếc máy tính để lắp ghép, chỉnh sửa. Cần mẫn hơn một tháng trời, bức chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mới hoàn thành với hơn 5.500 ô ảnh thành phần, dung lượng sản phẩm lên đến trên 1Gb và có thể xuất phim in với kích cỡ 2x3m.

Họa sĩ Mai Nhơn cho biết sản phẩm của anh có thể in lớn để treo, cũng có thể in trên gốm, gỗ, vải, và nhiều vật liệu khác (sơn mài, thủy tinh) dưới dạng quà lưu niệm. Và dù bỏ rất nhiều tâm huyết, công sức để tạo ra bức chân dung ảnh ghép Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng anh sẵn sàng tặng miễn phí sản phẩm cho bất cứ ai có nhu cầu kể cả với mục đích thương mại, bởi anh mong muốn hình ảnh về quê hương Biên Hòa - Đồng Nai và vị “nhân thần” Nguyễn Hữu Cảnh được bay xa, vươn cao, đến với mọi người nhiều hơn nữa. Trước mắt, anh đã tặng sản phẩm cho Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, in khổ 0,9x1,2m tặng cho Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (tức đình Bình Kính) để treo và in một số khổ nhỏ hơn ở đền thờ làm quà lưu niệm cho các đoàn khách đến thăm.

Ước mơ của họa sĩ Mai Nhơn là tiếp tục thực hiện các bức chân dung về danh nhân lịch sử, văn hóa của Đồng Nai như: Trịnh Hoài Đức, Huỳnh Văn Nghệ, các danh nhân đang thờ trong Văn miếu Trấn Biên... Đó là tấm lòng của anh dành cho quê hương Đồng Nai.

THANH THÚY

Tin xem nhiều