Báo Đồng Nai điện tử
En

Ði và viết - du ký nữ lên ngôi

02:01, 25/01/2019

Có thể nói, thế kỷ 21 là thế kỷ chứng kiến sự "thoát xác" của các nhà du hành nữ thế giới và Việt Nam, chưa bao giờ, chúng ta có nhiều người đi và viết là nữ giới đến thế!

Có thể nói, thế kỷ 21 là thế kỷ chứng kiến sự “thoát xác” của các nhà du hành nữ thế giới và Việt Nam, chưa bao giờ, chúng ta có nhiều người đi và viết là nữ giới đến thế!

Một số tác phẩm thuộc thể tài du ký được độc giả chú ý
Một số tác phẩm thuộc thể tài du ký được độc giả chú ý

Theo thống kê sơ bộ, khoảng mươi năm gần đây có rất nhiều nhà văn nữ được xem là những “nhà văn xê dịch”, đi nhiều, và viết văn trên những cung đường đi, thậm chí, có thể thấy số lượng nhà văn nữ đi nhiều áp đảo cả nhà văn nam, điều đó cho thấy phần nào hình ảnh của những người phụ nữ thế hệ mới có tri thức, mạnh mẽ, độc lập, tự tin, khao khát sống và khao khát được thể hiện mình. Họ đang góp phần thay đổi những định kiến bấy lâu nay và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Đó là Trang Hạ, Ngô Thị Giáng Uyên, Phan Việt, Dương Thụy, DiLi (Đảo thiên đường, Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ,…)… Trẻ hơn nữa, có Huyền Chip (Xách ba lô lên và đi), Nguyễn Phương Mai (Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo), Hoàng Yến Anh (Dưới nắng trời châu Âu), Nguyễn Thiên Ngân (Đường còn dài, còn dài), Đinh Hằng (Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ, Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á), Diễm Trang (Á-Âu cách một cây cầu)… Đó là chưa kể hàng trăm nữ “phượt thủ” đi và viết trên blog cá nhân, Facebook… Tác phẩm của họ phản ánh rất rõ quan điểm văn chương: đi và viết, phản ánh rất rõ những vùng đất mà họ đi qua, văn hóa và con người nơi đó.

Những nhà văn nữ du ký giai đoạn đầu của thời đương đại có thể kể là Trang Hạ, Dương Thụy, Ngô Thị Giáng Uyên, Phan Việt... Giai đoạn sau nở rộ với Nguyễn Phương Mai, Đinh Hằng, Huyền Chip, Nguyễn Thiên Ngân, Diễm Trang…

“Không gian” đóng một vai trò quan trọng trong sáng tác của họ. Bởi lẽ nếu không có nhiều chiều kích không gian, không đặt sáng tác của họ trong bối cảnh đi và viết thì những chủ đề như quê nhà - mất quê nhà, nhân dạng - hòa nhập, khác biệt văn hóa - hội nhập văn hóa… sẽ không trở nên hấp dẫn và thú vị.

Trang Hạ, nổi tiếng là một dịch giả văn học mạng. Những đống lửa trên vịnh Tây Tử là tập truyện ngắn mang chất kí sự những vùng đất cô đã đi qua trên đất Đài Loan. Nơi đó có những con người, cảnh ngộ, và trên hết là tâm trạng của một người đàn bà mỏng manh, yếu đuối, cô đơn vì đã trót chọn cho mình con đường phiêu lưu không dừng lại, đam mê tự do và khao khát tận hưởng, nhưng cũng sợ bị tổn thương và tuyệt vọng. Hình ảnh người đàn bà day dứt giữa nghĩa vụ và cá nhân Trang Hạ viết cũng chính là số đông phụ nữ chỉ dám mơ ước mà không dám thoát ra thực tế.

Huyền-Chip-là-cô-gái-từng-du-lịch-25-nước-và-xuất-bản-cuốn-sách-Xách-ba-lô-lên-và-đi
Huyền Chip là cô gái từng du lịch 25 nước và xuất bản cuốn sách Xách ba lô lên và đi

Ngô Thị Giáng Uyên, mà tác phẩm phổ biến là những tập bút kí Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Bánh mì thơm, cà phê đắng… ghi lại cảm xúc đi qua 14 nước châu Âu: Anh, Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Xứ Wales, Ý. Từng là một học sinh giỏi, nhận học bổng danh giá đi Anh học MBA ở đại học Southampton, trong quá trình học, cô đi du lịch qua nhiều nước và viết. Từng trang viết là từng sự chăm chút nhưng chất du ký hiện rất rõ, đi để lang thang, để ăn những món ăn mình thích, để hít hà mùi cà phê mình ghiền, để chụp những tấm ảnh mình ao ước... Sự giản dị và tự nhiên ấy thu hút người đọc trẻ tuổi, truyền vào trong họ niềm đam mê du khảo, chinh phục và khám phá cuộc sống. Tác giả đem chất nữ tính, tươi trẻ của mình vào trang viết, không triết lý sâu sắc, không nghị luận khô khan, tả mà hóa ra kể, như là viết nhật kí. Và rồi đi, thì mới nhận ra giá trị đích thực của quê nhà. Nhà là một điểm cố định (biểu tượng của quê hương/ nguồn cội) và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, du hành. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn đang ở xa quê nhà thường hay đặt vấn đề, hay bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. Quê nhà là một khái niệm có liên quan chặt chẽ đến nhân thân “Identity is a word full of home” (Nhân thân là một từ đầy ắp nghĩa về quê nhà). Trường hợp các nhân vật trong tiểu thuyết Dương Thụy và Phan Việt cũng chứng minh điều này.

Dương Thụy, tương tự như Ngô Thị Giáng Uyên, nhận học bổng đi Pháp du học, những khóa du học dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ, Pháp, Anh... và sau khi tốt nghiệp cũng làm việc ở một số nước châu Âu không chỉ giúp cô trở thành một trong số ít cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn mà còn đủ vốn sống về mảng đề tài mà các nhà văn trong nước rất khó đụng đến: cuộc sống của giới sinh viên.

Nhà văn Dương Thụy
Nhà văn Dương Thụy

Bước chân cô đặt trên hầu hết các nước châu Âu và một số nước châu Á. Ngoài những tập truyện ngắn, tiểu thuyết lấy bối cảnh nước ngoài như Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Hành trình những người trẻ, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng... thì Venise và những cuộc tình gondola là tập bút kí du lịch đúng nghĩa khi cô đi qua các nước châu Âu như: Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo... Viết trong tư thế của một người đi nhiều, học nhiều, ghi chép nhiều, hầu hết tác phẩm của Thụy đều có ít nhiều màu sắc báo chí (Dương Thụy từng làm báo ở Báo Hoa Học Trò) với nhiều chủ động đưa vào các thông tin về vùng đất, con người, cuộc sống của bối cảnh diễn ra câu chuyện. Qua tác phẩm của mình, cô muốn chia sẻ về những tâm tư của một người đi tìm kiến thức ở nơi xa, hạnh phúc nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tâm trạng của một người trẻ chênh vênh giữa việc làm sao giữ được cá tính dân tộc của mình, nhân dạng của mình (identity) mà vẫn phải hòa nhập với văn hóa các nước khác. Những mối tình khác quốc tịch xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm Dương Thụy (Nhắm mắt thấy Paris, Oxford thương yêu…) và đi kèm với tình yêu luôn là những khác biệt văn hóa (culture shocks). Tình yêu đôi khi giúp vượt qua những khác biệt này, hoặc ngược lại, làm cho nó rõ nét hơn. Đến cuối tác phẩm, bao giờ chúng ta cũng thấy rằng, chỉ có nhờ vào chính bản thân mình, lớn lên, trưởng thành, đi và chiêm nghiệm thì chúng ta mới vượt qua được những khác biệt văn hóa này, chứ không thể trông chờ vào một ai khác.

Còn nhà văn Phan Việt, tốt nghiệp Trường đại học ngoại thương Hà Nội, lấy bằng Tiến sĩ Đại học Chicago, hiện đang là Phó giáo sư và là giảng viên đại học tại Mỹ. Cuốn Nước Mỹ, nước Mỹ của cô xoáy vào đề tài này khi tìm hiểu những lưu học sinh sống trên đất Mỹ, hoặc sau khi học xong chọn lựa cuộc sống nơi đất khách quê người. Những dằn vặt, suy tư của những trí thức xa quê hương. Cuốn Một mình ở châu Âu nằm trong bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” có lẽ cho chúng ta hình dung ra chủ đề của cô khi kết nối những không gian khác nhau với ý thức tìm kiếm sự tự chủ bản thân của một phụ nữ khi đối mặt với những nỗi sợ hãi, bất hạnh của đời người.

Họ tìm đến việc viết văn như một nhu cầu chia sẻ, và những trang viết du ký của họ là một thôi thúc trong tâm hồn muốn khám phá thế giới. Chân dung họ phản ánh một lớp người trẻ xông xáo, năng động, vươn lên, hòa nhập toàn cầu mà vẫn không mất đi bản sắc, cá tính của mình. Chúng ta đã có những nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh… chuyên viết về bản sắc nông thôn miền Tây Nam bộ, và để cho diện mạo văn học thêm phong phú, chúng ta có những nhà văn chuyên viết về những chuyến đi xa. Thành công của họ ở đây không nằm ở số lượng bài viết đăng báo hay số lượng sách bán được mà là khả năng khơi dậy những giấc mơ trong tiềm thức người đọc về những miền đất lạ lẫm và xa xôi. Độc giả sau khi đọc xong những cuốn sách của họ sẽ cảm thấy thôi thúc được chuẩn bị hành lý vào balo hay vali, vẫy tay tạm biệt mọi thứ để đến với “nơi nào cũng được, đi đâu cũng được” (Baudelaire).    

TRẦN LÊ HOA TRANH

Tin xem nhiều