Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ Hợi 1959, Kỷ Hợi 2019: Hiện thực hóa giấc mơ vàng SEA Games

11:01, 24/01/2019

Ngay ở kỳ Đông Nam Á vận hội đầu tiên (khi ấy mang tên SEAP Games - Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) năm 1959, Đội tuyển miền Nam với một thế hệ vàng những danh thủ khét tiếng như "bàn tay nhựa Á châu" Phạm Văn Rạng, "Mũi tên vàng" Nguyễn Văn Tư, Vinh "sói" (Đỗ Thới Vinh)...đã giành được tấm HCV danh giá nhất, sau khi đánh bại chính chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết.

* 60 năm cho “giấc mộng kê vàng”

Ngay ở kỳ Đông Nam Á vận hội đầu tiên (khi ấy mang tên SEAP Games - Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) năm 1959, Đội tuyển miền Nam với một thế hệ vàng những danh thủ khét tiếng như “bàn tay nhựa Á châu” Phạm Văn Rạng, “Mũi tên vàng” Nguyễn Văn Tư, Vinh “sói” (Đỗ Thới Vinh)...đã giành được tấm HCV danh giá nhất, sau khi đánh bại chính chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết. Vậy mà, đã tròn “60 năm cuộc đời”, với 28 kỳ đại hội vắt qua 2 thế kỷ, BĐVN vẫn chưa thể tái lập thành tích ấy.

Thế hệ vàng Việt Nam
Thế hệ vàng Việt Nam

Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân! Đã bao kỳ SEA Games đến rồi qua trong hy vọng rồi thất vọng. Sự chờ đợi cứ nối dài hết kỳ SEAP Games này đến kỳ SEA Games khác. Trong 60 năm ấy, bóng đá miền Nam có thêm 2 lần vào chung kết (1967 và 1973) nhưng đều chịu thua khít khao Miến Điện (Myanmar hồi đó trình độ ở tầm châu lục). Còn sau khi đất nước thống nhất, BĐVN chính thức hội nhập trở lại đấu trường khu vực kể từ SEA Games XVI-1991 ở Philippines, chúng ta có thêm 5 lần đi đến trận cuối cùng nữa vào các năm 1995, 1999, 2003, 2005 và 2009, nhưng tất cả đều chỉ có “bạc”. Trong 5 lần lỡ hẹn ấy có 2 trận chung kết mà thế hệ Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng, Hữu Thắng...; rồi Trọng Hoàng, Thành Lương, Đình Tùng, Tấn Trường... đã đến rất gần với tấm HCV nhưng lại để vuột mất trong đau đớn, tiếc nuối. Đó là trận chung kết SEA Games 2003 trên sân Mỹ Đình khi “thần đồng” Văn Quyến kịp gỡ hòa ở phút bù giờ cuối cùng, nhưng U.23 Việt Nam lại thua Thái Lan trong hiệp phụ; và trận chung kết SEA Games 2009 trên đất Lào, tránh được nhà vô địch 8 kỳ đại hội trước đó là Thái Lan, chỉ phải gặp U.23 Malaysia, đối thủ mà đoàn quân của HLV Calisto từng thắng dễ 3-1 ở vòng bảng, tưởng như cầm chắc “vàng”, nhưng lại thất bại 0-1 vì thủ môn Tấn Trường bị chấn thương tay mà vẫn gắng gượng bắt.

Gần nhất, nỗi đau SEA Games 2017 trên đất Malaysia vẫn còn mới nguyên. Với lứa cầu thủ là những sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên được đầu tư đào tạo bài bản, chu đáo, được coi là thế hệ vàng mới: Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Văn Thanh, Văn Hậu; dù môn bóng đá nam hạ độ tuổi xuống U.22 nhưng đoàn quân của HLV Hữu Thắng được kỳ vọng sẽ hoàn thành tâm nguyện. Sau 3 chiến thắng tưng bừng trước Timor Leste, Campuchia và Philippines (đều ghi 4 bàn/trận), niềm tin càng lớn, kể cả khi bị Indonesia cầm hòa 0-0. Tuy nhiên ở trận cuối cùng vòng bảng, U.22 Việt Nam đã thua tan nát trước Thái Lan 1-3. Bữa cơm chiều 24-8-2017, rất nhiều người không nuốt nổi. Bởi cái thua toàn diện nhưng… ngớ ngẩn quá! Bởi Thái Lan là lứa cầu thủ U.22 kém nhất trong vòng 25 năm qua. Thế mà…! Thủ môn Phí Minh Long trở thành tội đồ, Công Phượng đá lên trời niềm hy vọng tìm lại sự sống, các cầu thủ đều căng cứng, HLV trưởng thì mất phương hướng. Không còn lời nào để diễn tả về nỗi thất vọng tràn ngập.

* Sau chức vô địch AFF Cup thứ 2 là tấm HCV SEA Games đầu tiên?

BĐVN đã có một năm 2018 huy hoàng, đặc biệt là chinh phục chiếc cúp vô địch Đông Nam Á thứ 2 sau chu kỳ 10 năm. Và Kỷ Hợi 2019 này sẽ là tấm HCV SEA Games đầu tiên sau chu kỳ 60 năm, kể từ Kỷ Hợi 1959?

Với việc môn bóng đá nam SEA Games 30 tại Philippines (diễn ra từ ngày 29-11 đến 10-12-2019) tiếp tục là sân chơi của các ĐT U.22, những cầu thủ sinh năm 1995 và 1996 của BĐVN như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Duy Mạnh, Phan Văn Đức, Hồng Duy, Đức Huy sẽ không còn được tham dự. Dù vậy, ĐT U.22 Việt Nam vẫn còn những nhân tố rất xuất sắc của lứa 1997. Đó là 6 nhà tân vô địch AFF Cup 2018 là thủ thành Bùi Tiến Dũng, trung vệ Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Quang Hải, tiền đạo Tiến Linh, Đức Chinh. Là 6 gương mặt U.22 và U.21 đã được “hít thở” bầu không khí ĐTQG chuẩn bị cho VCK Asian Cup vào đầu năm: Phan Thanh Hậu, Thành Chung, Hồ Tấn Tài, Đinh Thanh Bình, Nguyễn Hoàng Đức, Ngô Tùng Quốc. Và một loạt những học trò HLV Hoàng Anh Tuấn từng đồng hạng 3 U.19 châu Á 2016 và dự World Cup U.20-2017: Trương Văn Thái Quý, Hồ Minh Dĩ, Đặng Văn Tới (Hà Nội); Trọng Đại, Dương Văn Hào, Trương Tiến Anh (Viettel); Thanh Thịnh, Bùi Tiến Dụng (SHB.ĐN); Tấn Sinh (Quảng Nam); Tống Anh Tỷ (B.BD), Triệu Việt Hưng, Hoàng Nam, Thanh Sơn (HAGL); Trần Thành (Huế); Mạc Đức Việt Anh (PVF)…

Và hơn hết, chúng ta vẫn còn thuyền trưởng, “vua Midas” Park Hang-seo. Sau chức á quân châu Á với U.23, hạng 4 Asiad với tuyển Olympic, vô địch AFF Cup với ĐTQG, chỉ mang về tấm HCV SEA Games được khắc khoải chờ đợi cùng U.22 trong tháng cuối nhiệm kỳ, chiến lược gia người Hàn Quốc mới hoàn toàn khép lại trọn vẹn và hoàn hảo cuộc hành trình 2 năm của mình cùng BĐVN. Mong lắm thay, “60 năm cuộc đời”!

Đông Kha

Tin xem nhiều