Một trong những sự kiện chính trị hàng đầu của Việt Nam năm 2018 được các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế quan tâm là việc 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường Diên Hồng ngày 23-10-2018 đã nhất trí bỏ phiếu kín bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một trong những sự kiện chính trị hàng đầu của Việt Nam năm 2018 được các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế quan tâm là việc 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường Diên Hồng ngày 23-10-2018 đã nhất trí bỏ phiếu kín bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
1. Trong lịch sử 89 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có 12 đời Tổng Bí thư và lịch sử 72 năm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 11 đời Chủ tịch nước, thì đây là lần thứ hai Tổng Bí thư giữ nhiệm vụ Chủ tịch nước. Lần thứ nhất, là từ năm 1954 đến năm 1969, Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam vừa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến lúc Người qua đời. Vào thời điểm ấy, về Đảng, đồng chí Lê Duẩn giữ nhiệm vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bác Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời Bác Hồ giữ nhiệm vụ Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khó khăn. Đất nước bị chia cắt bởi quy định của Hiệp định Genève do các cường quốc áp đặt, vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải trở thành điểm đối đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai ý thức hệ tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ phải ngày đêm lo công tác đối nội, đối ngoại, xây dựng và củng cố miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Mặc dù, không được vào thăm đồng bào miền Nam, chứng kiến ngày vinh quang trên TP.Hồ Chí Minh nhưng Người luôn là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng chiến đấu anh dũng viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc. Giữ vững 5 lời thề trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ sau 6 năm khi Người đi xa, các thế hệ cháu con đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế, làm cho quốc lực ngày càng lớn mạnh.
Lần này là lần thứ hai trong lịch sử của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quốc dân thông qua Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch nước - nhiệm vụ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước lần này cũng hết sức nặng nề. Một mặt, ông phải là người có trách nhiệm cao nhất trong việc giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, và mặt khác phải quyết liệt chống tham nhũng - “giặc nội xâm”, đưa đất nước hội nhập, phát triển bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phấn đấu làm cho cơ đồ từng bước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
2. Dưới cờ đỏ sao vàng mang hồn thiêng sông núi, tay phải đặt lên bản Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay trái giơ lên cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trang phục vét đen, cà-ra-vát đỏ long trọng tuyên thệ nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước |
Sau khi tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu: “Xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm với Quốc hội và trình bày đôi chút về tâm tư, tình cảm của mình”. Trong nội dung “đôi chút tâm tư, tình cảm…”, ông trải lòng: “Đây là tâm trạng thật lòng, cũng giống như cách đây 12 năm, tôi nhớ vào ngày 26-6-2006, lúc 16 giờ Quốc hội lúc bấy giờ bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, tôi cũng vừa mừng vừa lo. Lo vì chưa quen công việc của Quốc hội, nói vui là chưa được làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, rất bỡ ngỡ”.
Lời chia sẻ của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam chứng tỏ ông là một người rất khiêm tốn, khi tân Chủ tịch nước bộc bạch: “trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi rất rõ. Sự hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu, thực tình tôi rất lo… Trong khi đó tuổi tác thì ngày càng lớn rồi. Bác Hồ đã nói rồi, tuổi càng cao sức khỏe càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn chuẩn bị sẵn tinh thần…”. Rồi ông khiêm cung bày tỏ bằng cách lẩy Kiều: “Nghĩ mình thân mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay”. Điều này, càng chứng tỏ ông là một người hết sức khiêm tốn, một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
Nếu như khiêm tốn là biểu hiện qua lời nói, cử chỉ, cách ăn mặc, hành động thiệt tâm... và muốn nhận dạng một người khiêm tốn qua những nội dung ấy, thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều có cả. Đặc biệt, ở ông - một người nói đi đôi với làm, làm cẩn trọng nhưng quyết liệt, làm đến nơi đến chốn và lấy thước đo hiệu quả để chứng minh cho lời nói và việc làm của mình.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực chống tham nhũng - “giặc nội xâm”, ông từng phát đi nhiều thông điệp mạnh mẽ: “Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt ý chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”; “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; “muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng”; “phải nhốt quyền lực vào trong cái lồng cơ chế…”. Những thông điệp mạnh mẽ này, được đưa ra đi kèm với những lời nhắc nhở chân tình: “Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia dân tộc của nhân dân, của Đảng là tối thượng và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”. Rồi ông còn căn dặn một cách cụ thể: “Bản thân mỗi đồng chí và vợ con phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được. Nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được”. Cùng với những lời khuyên chân thành, ông đã quyết liệt đấu tranh chống giặc nội xâm với hàng loạt cán bộ đương chức hoặc nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, phó bí thư cấp tỉnh, thành phố, cán bộ mang quân hàm cấp tướng… đã bị kỷ luật thỏa đáng hoặc phải ra hầu tòa, lãnh án.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) |
Những biện pháp cứng rắn đối với “giặc nội xâm” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã làm giảm nhiệt lượng về sự bức xúc trong xã hội và từng bước khôi phục niềm tin của nhân dân đối với chế độ, được dư luận quốc tế cũng hết sức quan tâm, tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam.
3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh trước Cách mạng Tháng Tám hơn 1 năm, nên có thể nói ông sớm hít thở không khí độc lập, tự do - dù rất ngắn ngủi. Rồi sau khi lớn lên, tham gia cùng cả nước trong suốt 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hẳn ông rất hiểu chân lý vĩnh cửu mà Bác Hồ đã tổng kết bằng 8 từ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở ngoại thành Hà Nội, nên tuổi thơ ông không mấy ngọt ngào, nếu không muốn nói là rất gian nan, vất vả. Cô giáo hồi tiểu học của ông từng kể: “Trò Trọng” hằng ngày phải đi bộ qua cánh đồng xa 3km trên con đất rất khó đi, nhất là những ngày mưa dầm, cậu học trò nhỏ phải cố bấm ngón chân xuống đường để cho khỏi ngã. Suốt thời gian học lớp 4, cậu chỉ mặc một bộ quần áo màu nâu, đi chân đất không kể mùa đông hay mùa hè...”. Từ một người học trò nghèo, nhờ nghị lực, tài năng đã đưa ông bước qua giảng đường đại học, trở thành Giáo sư - Tiến sĩ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Từ một đảng viên đến Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông luôn nhất quán một tấm lòng của người trí thức xuất phát từ công nông đối với vận mệnh của Đảng, của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Những người một thời cùng học ở Trường đại học tổng hợp Hà Nội cho đến những cộng sự gần gũi và cấp trên của ông đều nhận xét: Ông là một người giàu ý chí, có lý tưởng, tâm huyết, trách nhiệm nhưng có cuộc sống giản dị, khiêm cung, nhân hậu, mẫn tiệp, lịch sự theo phong cách người Tràng An.
Những phẩm chất ấy kết hợp với sự trải nghiệm thực tiễn sinh động từ thời chiến tranh, thời bao cấp đến thời đổi mới, giúp ông có thái độ, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt theo nguyên tắc nhưng rất bình tĩnh, bao dung, có sức thuyết phục cảm hóa sâu sắc.
Đặc biệt, là một nhà lý luận của Đảng, chắc hẳn ông là người hiểu hơn ai hết 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” trong thời đại mới. Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ông đã lưu ý: “Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”. Rồi trước những thành tựu của 2 năm 2017-2018, ông nhắc nhở: “Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế...”.
Riêng vấn đề bảo vệ Tổ quốc, ông đã từng nói: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Nói về vấn đề này, chúng ta còn nhớ hồi giữa năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng với 86 tàu khác, trong đó có các tàu mang tên lửa và cả máy bay quân sự vào vùng biển nước ta để khiêu khích, trước tình hình độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm phạm, lúc đó với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, phải “đứng mũi chịu sào” trước một vấn đề hết sức nóng và đầy nhạy cảm, ông đã xử lý một cách bình tĩnh, khôn khéo nhưng rất kiên quyết cả đối ngoại lẫn đối nội. Cuối cùng, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan cùng các tàu ra khỏi vùng biển nước ta một cách lặng lẽ, trả lại sự bình yên cho ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Người ta nói rằng, trong con người trí thức xuất thân từ công nông ấy, tiềm ẩn một quyết tâm phi thường vì nước, vì dân, như ông nói lợi ích của quốc gia dân tộc... là tối thượng.
Mai Sông Bé