Mậu Tuất 2018 là năm hoàn hảo, đại cát của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Đầu năm là kỳ tích á quân U.23 châu Á, giữa năm lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết Á vận hội và cuối năm khép lại trên đỉnh vinh quang Đông Nam Á lần thứ 2 sau tròn 10 năm chờ đợi. Cả đất nước trọn niềm vui!
Mậu Tuất 2018 là năm hoàn hảo, đại cát của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Đầu năm là kỳ tích á quân U.23 châu Á, giữa năm lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết Á vận hội và cuối năm khép lại trên đỉnh vinh quang Đông Nam Á lần thứ 2 sau tròn 10 năm chờ đợi. Cả đất nước trọn niềm vui!
Khoảnh khắc đội tuyển bóng đá Việt Nam và ông Park Hang-seo nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2018 |
* Chiếc cúp vô địch sau 1 thập niên
Ngôi á quân châu Á của đội tuyển (ĐT) U.23 thực sự là “kỳ tích” vì đó là đỉnh cao nhất mà BĐVN từng vươn tới trong lịch sử; vì có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được một đội bóng được đánh giá “lót đường”, chỉ mong tìm được điểm đầu tiên đã là lịch sử, nhưng đã đi đến trận cuối cùng. Tuy nhiên, điều U.23 Việt Nam làm nên cơn sốt hâm mộ “kinh thiên động địa”, khiến cả thế giới và châu lục ngỡ ngàng, thán phục đó là cái cách chúng ta giành chiến thắng, đặc biệt là từ vòng đấu loại trực tiếp trở đi khi 3 trận liên tiếp đá 120 phút, hạ gục 2 đối thủ lớn Tây Á là Iraq, Qatar trong loạt đấu cân não trên chấm 11m. Quá kịch tính…!
Các cầu thủ trẻ đã đưa người xem trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ căng thẳng, hồi hộp đến vỡ òa sung sướng, hạnh phúc, tất cả đều ở mức tột độ. Đặc biệt là ở trận chung kết trong điều kiện bão tuyết vô cùng khắc nghiệt mà trong đời họ chưa từng nếm trải. Dẫu không thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch (chỉ chịu thua U.23 Uzbekistan 1-2 sau 120 phút đấu) nhưng hình ảnh các đồng đội cào tuyết cho Quang Hải vẽ nên nhát cọ tuyệt phẩm và Duy Mạnh cắm cờ trên đụn tuyết ở sân Thường Châu, trong lòng hơn 90 triệu người Việt Nam họ đã là những nhà “vô địch quốc dân”. Thiên thần thoại Hy Lạp ở EURO 2004 đã được kể lại bằng câu chuyện cổ tích Việt Nam trên xứ Trung Hoa. Tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018, các cầu thủ đã đưa đến với nước chủ nhà Trung Quốc và toàn cõi lục địa vàng một thông điệp hình ảnh về một Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất. Hình ảnh khoanh tay lạnh lùng như tượng của Vũ Văn Thanh sau cú sút 11m quyết định đưa U.23 Việt Nam vào chung kết mang đầy sức ám ảnh và tính biểu tượng: một “dáng đứng Việt Nam” hiên ngang, tự tin, kiêu hãnh!
Các cầu thủ U.23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng gỡ hòa của Quang Hải ở phút thứ 41 trong trận đấu với Uzbekistan ngày 27-1 |
8 tháng sau tại xứ vạn đảo Indonesia, với thêm 3 cầu thủ trên 23 tuổi, Olympic Việt Nam lại biến điều không thể thành có thể, suýt giành tấm HCĐ lần đầu tiên trong lịch sử Asiad sau khi đánh bại cả Nhật Bản (đội sau đó vào chung kết), Bahrain, Syria và chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch Hàn Quốc.
Đó là 2 bước đệm, bệ phóng để ĐTQG Việt Nam bước lên ngôi vương Đông Nam Á sau tròn đúng 1 thập niên. Chức vô địch lần này thuyết phục hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Ở lần đầu tiên 2008 trong niềm vui lớn lao vẫn có chút gì đó may mắn, bởi sự không ổn định về phong độ, rõ ràng về đẳng cấp; thì AFF Cup 2018, đoàn quân của HLV Park Hang-seo hội đủ sự đĩnh đạc, thần thái của một nhà vô địch thực thụ: bản lĩnh và đẳng cấp.
Olympic Việt Nam lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất Asiad. Trong ảnh: Đội tuyển Olympic Việt Nam gặp Olympic Hàn Quốc tại Asian Games 2018 |
Chiến thắng ở một giải đấu thì có thể còn có thể nhờ may mắn, nhưng thành công liên tiếp nối tiếp thì lại khác. Ngay báo chí nước ngoài cũng thừa nhận chúng ta xứng đáng: “Đó là tập thể thống nhất, phong độ ổn định, tấn công bùng nổ, phòng ngự chắc chắn và sở hữu đội hình tốt nhất”. May mắn, nếu có ở đây là BĐVN ở thời điểm giao thoa của 2 lứa cầu thủ tài năng được sản sinh trong 10 năm qua. Đó là lứa sinh năm 1995-1996 của Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Phan Văn Đức... và lứa sinh năm 1997 của Quang Hải, Đình Trọng..., không chỉ “vừa chuyên” mà còn “vừa hồng” nhờ được đào tạo bài bản từ lúc còn là những cậu bé. Đồng thời, đội tuyển “cơ duyên” có được một HLV giỏi, phù hợp giúp nâng tầm rõ rệt về cả tố chất, kỹ năng và tư duy chơi bóng.
* Bóng đá đâu chỉ là… bóng đá!
Những chiến tích của bóng đá trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, khơi dậy niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Dừng bước trước ngưỡng cửa thiên đường nhưng các tuyển thủ U.23 vẫn trở về vòng tay đất mẹ trong biển người chào đón như những người anh hùng. Trong hàng triệu triệu trái tim Việt họ là những nhà “vô địch quốc dân” khi đã viết nên một chương sử vĩ đại, gây chấn động toàn châu Á.
Không thể tưởng tượng được, con đường diễu hành kỳ vĩ, dài nhất thế giới! Lộ trình từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ 15km mà thầy trò HLV Park Hang-seo phải di chuyển mất đến 5 tiếng đồng hồ. Thay mặt cả nước đón chào những người con thân yêu, không phải hàng trăm ngàn mà có đến cả triệu người dân thủ đô cùng các tỉnh, thành lân cận tràn ngập trên mọi con đường, làm nên một khung cảnh huy hoàng chưa từng có. Ai ai cũng muốn được hòa mình vào niềm vui, tự hào lịch sử, được thấy những người hùng, thần tượng bằng xương bằng thịt. Biển người kéo dài như vô tận. Một màu đỏ rực cờ hoa phủ kín rợp trời, không còn phân biệt được ranh giới đâu là vỉa hè đâu là lòng đường, cũng chẳng nhìn thấy ranh giới đường chân trời phía xa. Niềm tự hào dân tộc đặc quánh như muốn “tràn” ra ngoài.
Biển người xem trận chung kết U.23 châu Á tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) |
Những đêm hội non sông lại nối tiếp nhau trong suốt AFF Cup, sau mỗi chiến thắng, bước tiến của ĐTVN. Không khí náo nức, những màu sắc, thanh âm rộn ràng biến mỗi tụ điểm, gia đình trở thành một cầu trường Mỹ Đình thu nhỏ. Cả dân tộc - Một niềm tin! Để rồi cả đất nước là một dòng sông đỏ cuộn trào. 2 tiếng “Việt Nam” tự hào bật tung khỏi những lồng ngực. Bóng đá mới có sức mạnh ghê gớm làm sao khi nó trở thành niềm tự hào, gắn kết cả dân tộc, bất kể những khác biệt chính kiến, để bỗng chốc tất cả “đêm thấy ta là thác đổ”.
Hiếm có một quốc gia nào mà người đứng đầu Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, khen thưởng các đội tuyển bóng đá đến 3 lần trong năm. Như đánh giá của Thủ tướng: “Chiến thắng là quan trọng nhưng niềm tin của người dân vào HLV và đội tuyển còn lớn lao hơn”. Đặc biệt những cuộc “đại xuống đường” gắn kết người người nhờ bóng đá còn cho thấy tinh thần yêu nước vẫn luôn âm ỉ trong lòng mỗi người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu. Vấn đề là có biết khơi lên, biến thành sức mạnh dân tộc.
Ngày xuân hy vọng, những hào khí và vận hội mà môn thể thao vua mang lại trong năm qua sẽ mang đến động lực cho sự phát triển không chỉ của bóng đá mà mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển ấy chỉ đến nếu chúng ta có một tầm nhìn, một kế hoạch và quyết tâm để lớn nhằm vươn tới những tầm cao mới.
MINH CHUNG