Trong những con vật được thuần hóa để chăn nuôi, phải kế đến con heo, con gà, con chó… Ở nông thôn nước ta, hầu như gia đình nông dân nào cũng có nuôi một vài con heo...
Trong những con vật được thuần hóa để chăn nuôi, phải kế đến con heo, con gà, con chó… Ở nông thôn nước ta, hầu như gia đình nông dân nào cũng có nuôi một vài con heo. Con heo gắn bó với đời sống của người nông dân, do vậy, heo trở nên thân thuộc và đi vào trong nhiều câu ca dao, tục ngữ...
Tranh Đông Hồ “Lợn đàn” |
Khắp các làng quê Việt Nam, rất nhiều gia đình nuôi heo để bán cho thương buôn, nuôi để lấy thịt và để cúng tế. Heo ở Việt Nam được nuôi rất nhiều loại, tùy từng vùng miền khác nhau. Người miền Bắc gọi là lợn, với người Nam gọi là heo. Sự gắn bó của con heo với cuộc sống của người Việt đã đi vào ca dao, tục ngữ: “Ta về ta rủ bạn ta/ Nuôi lợn nuôi gà, cày cấy ta ăn; Đàn bà thì phải nuôi heo/ Thời vận đang nghèo chẳng nuôi đặng trâu; Nhớ phiên chợ Bản anh đi/ Thiếu gì heo ỉ thiếu gì bò trâu” (chợ Bản ở Yên Định, Thanh Hóa); “Lòng thương chị bán thịt heo/ Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu”.
Cây lúa, con heo quen biết với dân ta từ thuở bình minh dựng nước. Cây trồng và chăn nuôi trở thành nếp sống, nếp nghĩ, cách đánh giá người: “Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt, đàn ông hư”. Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân: “Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/ Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm”. Hay: “Giàu lợn nái, lãi gà con”.
Nuôi heo để đem bán là một sinh kế của giới nông dân nước ta. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nảy sinh những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về: “Ba bà đi bán lợn con/ Bán đi chẳng được lon ton chạy về/ Ba bà đi bán lợn sề/ Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.
Sẽ thật thiếu sót nếu trên mâm cỗ tết cổ truyền thiếu đi đĩa thịt heo ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu muối chua: “Con gà cục tác lá chanh - Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” vừa kêu gọi sự chú ý khẩu vị dân tộc, vừa nhắc nhở chúng ta rằng khẩu vị dân tộc hình thành từ lâu đời, được thời gian thử thách và được coi có cơ sở khoa học vững chắc.
Ăn cổ mà có đầu heo là coi như giàu có. Ca dao miền Nam có câu: “Cồng cộc bắt cá dưới bàu/ Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo”. Mà chẳng riêng gì việc phúng viếng, cúng tế, cưới xin đến việc đãi đằng người ta cũng biếu nhau chân giò, nhất là cho sản phụ ăn để có sữa: “Ăn chân sau, cho nhau chân trước”, chân trước đẹp mắt chứ không lợi thịt như chân giò sau.
Heo còn “làm chứng” cho những hạnh phúc lứa đôi. Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may: “Mẹ em tham thúng xôi dền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Hoặc là: “Mẹ tôi tham thúng bánh chưng/ Tham con lợn đẻ, em nai lưng chịu đòn”. Thân phận người dâu từ đó gặp nhiều đắng cay: “Nói ra sợ chị em cười/ Năm ba trận chửi, chín mười trận đay”. Để rồi cuộc đời ngày càng thêm vất vả: “Đêm thì thức đủ năm canh/ Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò”.
Về mặt châm biếm, “chú ỉn” cũng góp mặt trong tiếng cười trí tuệ của người dân và đã vạch mặt cả anh thầy bói nói nước đôi, nói dựa: “Số cô không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà”. Hay: “Bói cho một quẻ trong nhà/ Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”. Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như: “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!”.
Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con heo làm phương tiện hầu đạt được cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ: “Cô kia đi chợ Hà Đông/ Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi. Anh đi chưa biết mua gì/ Hay mua con lợn phòng khi cheo làng”. Ngày xưa con gái muốn lấy chồng phải nộp cheo cho làng. Cheo là lễ vật bao gồm ít nhất là một con heo quay và một số tiền mặt do làng ước định phải nộp cho làng để làng cấp cho giấy giá thú. Lắm khi cô gái tuy đẹp nhưng lại quá nghèo. Chàng trai muốn cưới thì phải: “Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm. Giúp cho đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo/ Giúp cho quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Vả lại, cha mẹ sinh con gái cũng chỉ rạng mặt nở mày khi con được nhà trai nộp cheo xin cưới theo đúng lễ nghi thủ tục: “Anh về thưa với mẹ cha, bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo”. Nhưng cũng có những gia đình biết phải chăng: “Người ta thách lợn, thách gà/ Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”.
Đôi bạn trẻ phải hiểu rằng tình yêu không thể lúc nào cũng ở vào cao điểm, có lúc xuống đáy. Những lúc tình yêu xuống đến đáy thì người ta sẽ ra sao? Đây là kinh nghiệm cay đắng của các chị: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”.
Với những người ham tật đèo bồng đa thê, đôi khi lại bị lâm vào cảnh trớ trêu dở khóc dở cười: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm”.
Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam rất đa dạng về hình ảnh con heo, xin kể lại “toát móng heo” những câu ấy.
Đã nuôi heo “giàu nuôi lợn nái, lụn bại nuôi bồ câu” và nhớ phải chăm sóc đừng để “lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Kinh nghiệm dân gian nói về mua heo tốt nhất là vào dịp “làm mạ, cá rươi”, tức thời kỳ mua heo tốt nhất là tháng đổ nước làm ruộng mạ, mua cá giống thì lúc có rươi - khoảng tháng chín. Không nên mua ngoài chợ mà mua tại nhà, mua tận gốc: “Lợn nhà, gà chợ”. Nếu mua heo nái thì chọn con chõm, dải thon, loại này khoảng cách giữa các vú xa nhau, khi chửa các vú không bị xệ quét đất và nếu mua heo đực giống thì phải là heo phệ, cao khỏe mới “nhảy tốt”, “nhảy chắc”. Thế nên có câu “đực phệ, sề chõm”. Dân gian còn dặn những cách chọn heo khác: “Đực đầu đàn, cái rốt ổ”, “Lợn đầu, cau cuối”, “Lợn ăn xong, lợn nằm: lợn béo, lợn ăn xong lợn réo: lợn gầy”.
Nói về văn hóa ẩm thực thịt heo, với những người sành ăn “mua thịt thì chọn miếng mông” ngon và béo có “đầu gà, má lợn”, “lợn giò, bò bắp”. Thái cho ngon mắt phải “thịt nạc dao phay, thịt mỡ dao bầu”. Và nhất định phải có gia vị nêm vào mới ngon “Thịt đầy xanh, không hành không ngon”. Rồi từ “Con lợn béo cỗ lòng mới ngon”, người ta còn nghĩ rộng ra “Trông mặt mà bắt hình dong”, hay cái gì hạng người “Mắt lợn luộc”. Tai heo ngâm giấm làm gỏi tai heo kèm theo nấm tuyết, ngó sen, trộn chèn cà rốt, sốt chút muối, đường, tiêu, hành, ớt, tỏi nhai giòn rụm, rất ngon. Tai heo rộng mắm là đặc sản của hương vị Tết cổ truyền Việt Nam, “Ngày tư, ngày Tết/ Mứt ngọt ăn ớn chết!/ Thủ cái tai heo/ Nhậu kiệu, ngon ra phết!”.
Con heo gắn bó với con người hàng ngàn năm lịch sử. Con heo cái tên không mấy mĩ miều, đôi khi còn được gán với những sự bản, ngu. Ấy vậy mà đã đi vào ca dao, tục ngữ khá đa dạng, làm sao kể hết...
Thanh Kim Trà