Đồng Nai phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Tuy còn nhiều điều phải hoàn thành để đạt được mục tiêu đề ra nhưng đích đến đã rất gần vì 100% đơn vị xã, huyện của Đồng Nai đều đạt chuẩn NTM.
Đồng Nai phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2019. Tuy còn nhiều điều phải hoàn thành để đạt được mục tiêu đề ra nhưng đích đến đã rất gần vì 100% đơn vị xã, huyện của Đồng Nai đều đạt chuẩn NTM.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (áo sơ mi xanh bìa phải) thăm vườn bưởi da xanh của nông dân Phan Văn Dẫu (huyện Trảng Bom) |
“Đồng Nai không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM và NTM nâng cao mà muốn đi vào thực chất. Trong đó phát triển một NTM hiện đại, phồn vinh nhưng vẫn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định.
* Bộ mặt nông thôn hiện đại
Xây dựng một nếp sống văn minh, làng quê xanh - sạch - đẹp là mục tiêu của mỗi địa phương ở Đồng Nai. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang cho biết, đây là địa bàn rộng nhất của TX.Long Khánh nên không dễ để đầu tư đồng bộ, hiện đại cả hệ thống cơ sở hạ tầng từ đường sá đến trường học, nhà văn hóa…
Ngoài việc huy động sức dân bằng nhiều hình thức như: góp của, góp công, hiến đất thì địa phương tích cực vận động từ các mạnh thường quân. Theo đó, công trình trường mẫu giáo đầu tư 27 tỷ đồng, những tuyến đường trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn… đều do mạnh thường quân trong và ngoài xã đóng góp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (bìa trái) thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận cao tại huyện Thống Nhất |
“Chúng tôi giao trách nhiệm về từng xóm, ấp; gắn kết trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn thể tham gia nên địa phương có nhiều mô hình hay như: tiếng kẻng an ninh, tổ phụ nữ sáng - xanh - sạch - đẹp, tổ thanh niên tự quản… Nhờ đó, những tuyến đường hoa khang trang - sạch - đẹp được nối dài từ đường huyện đến tận xã, ấp” - ông Dũng nói thêm.
Giữ cho nhà cửa đến ngõ xóm, đường làng luôn sạch đẹp đã trở thành công việc hằng ngày của người dân. Ông Nguyễn Văn Chiến, nông dân ở ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang) vui vẻ khoe: “Con đường hoa sạch đẹp, xanh tươi vì các hộ dân ở đây ai cũng có ý thức giữ gìn, chăm sóc. Về giữ vệ sinh chung thì có Tổ cựu chiến binh của ấp phụ trách. Mùa mưa, xe chở nông sản qua lại nhiều có đất bùn bám trên mặt đường là bà con đem nước ra dọn rửa ngay chứ không còn cảnh bụi lầy như khi còn đường đất”.
Về khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng NTM tại Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá: “Địa phương rất sáng tạo với nhiều mô hình hay từ phát triển kinh tế, văn hóa đến an ninh trật tự. Tôi thật sự ấn tượng về đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn sạch đẹp mà không để nợ xây dựng cơ bản của Đồng Nai. Địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình NTM sinh thái, xứng đáng là những xã, huyện NTM kiểu mẫu của cả nước”.
* Hướng tới phồn vinh
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, trong xây dựng NTM nâng cao, Đồng Nai đã tập trung vào 3 nhóm trọng tâm: tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập; nhóm vấn đề môi trường; về văn hóa an ninh trật tự. Trong đó, Xuân Lộc được chọn xây dựng mô hình điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước, lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm thì cần đặt ra mục tiêu hết sức cụ thể về thu nhập người dân, giá trị sản xuất; phấn đấu đưa tất cả các mặt hàng nông sản vào chuỗi liên kết, có doanh nghiệp là đầu tàu, phát triển hợp tác xã để tập hợp nông dân…
Sơ chế, đóng gói nấm VietGAP tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nấm Lộc (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) |
Đây cũng là mục tiêu luôn được các địa phương của Đồng Nai đặt lên hàng đầu trong xây dựng nông thôn. Cùng với NTM, ngay cả những huyện, xã nghèo, khó khăn nhất của tỉnh cũng đang vươn lên làm giàu. Ông Lại Hồng Chí, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, đồi Sabi xưa là vùng đất chết vì ngay cả những cây dễ tính nhất như: cây mì, cây điều… cũng không cho thu hoạch. Nay vùng đồi này không còn một tấc đất bị bỏ hoang mà được phủ xanh bởi cây ăn trái như: quýt, bưởi, xoài... Nhớ lại những tháng ngày lập nghiệp khó khăn, ông Chí kể: “Hơn chục năm trước, tôi đến đây mua đất lập vườn, ngay cả những hộ dân bản địa cũng cho rằng tôi dở hơi khi đầu tư vào vùng đất chết. Với đôi tay lao động không ngại khó, ngại khổ, những nông dân đầu tiên về đây đã thành công bắt mảnh đất cằn sinh sôi những mùa trái ngọt. Giờ vùng đất khó này không thiếu những triệu phú, tỷ phú nông dân”.
Bà Dương Thị Phương Thoa, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cho biết, Xuân Bắc là xã thuần nông, nguồn nước khan hiếm, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm nên rất khó khăn. Xã có 4/12 ấp đặc biệt khó khăn vì đất đai cằn cỗi, chủ yếu trồng những cây cho thu nhập thấp. Nhưng cùng với việc chuyển đổi sản xuất trong xây dựng NTM, những vùng đất bỏ hoang như đồi Sabi đã được phủ xanh bởi cây ăn trái; nơi thì trồng dâu, nuôi tằm; nơi phát triển nghề nấm…Các hợp tác xã được thành lập liên kết với nông dân sản xuất sạch, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đầu ra ổn định. “Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người từ gần 33 triệu đồng/người vào năm 2014 khi xã đạt chuẩn NTM đã tăng lên 50 triệu đồng/người vào năm 2017” - bà Thoa so sánh.
Không ít những xã nghèo của Đồng Nai cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ như xã Xuân Bắc. Theo đó, danh sách những xã NTM, NTM nâng cao có mức thu nhập bình quân
từ 50-60 triệu đồng/người/năm không ngừng được nối dài.
* Vẫn giữ “nếp làng”
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho vùng nông thôn, quan điểm của Đồng Nai là NTM phải phát triển hài hòa cả về mặt kinh tế và văn hóa. Theo đó, những giá trị văn hóa mang tính điển hình cho mỗi vùng, miền, địa phương cũng được quan tâm giữ gìn, phát huy.
Đường hoa ấp Thọ An, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh |
Xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) ở sát vùng đô thị lớn là TP.Biên Hòa nhưng vẫn giữ được nếp văn hóa truyền thống của làng quê Nam bộ vốn có từ bao đời nay. Giá trị văn hóa cổ truyền này thể hiện khá rõ qua việc người dân vẫn giữ nếp sinh hoạt với những phong tục, tập quán truyền thống của làng. Ông Lê Văn Bảnh, thành viên trong Ban trị sự của đình Bình Thạnh (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) kể: “Trải qua bao thế hệ, đình Bình Thạnh vẫn bảo tồn được những nét kiến trúc truyền thống của đình làng Nam bộ xưa; hiện vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng với những giá trị văn hóa trong thờ cúng thánh thần, tổ tiên ông bà vẫn được những lớp người trẻ trân trọng, giữ gìn”.
Nếp làng này còn thể hiện rõ trong hoạt động thể thao, giải trí của người dân. Mỗi độ xuân về, làng quê này lại rộn rã không khí luyện tập của những đội múa lân, sư, rồng; của các đội thuyền đua… Hiện đội đua thuyền của xã Bình Hòa có khoảng 50 thành viên ở nhiều lứa tuổi. Căn nhà gần 100 tuổi của gia đình họ Đào xưa nay luôn là điểm tập kết của đội đua thuyền trong xã. Ông Đào Minh Châu, chủ của căn nhà cổ này là người đã gầy dựng lại môn đua thuyền truyền thống của xã kể: “Cha tôi từng thành lập đội thuyền đua của xã. Thú chơi đó được tôi kế thừa rồi truyền lại cho các thế hệ thanh niên của làng cho đến nay”.
Xây dựng NTM, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số cũng được nhiều địa phương trân trọng, giữ gìn. Nhiều dự án đã được đầu tư như: nhà dài tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú), nhà cộng đồng tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); mô hình giúp dân vùng ven làm du lịch ở các xã Nam Cát Tiên, Đắc Lua, Tà Lài (huyện Tân Phú); khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Tà Lài... Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng theo hướng khai thác bản sắc văn hóa riêng của từng bản làng dần trở thành một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của Đồng Nai.
LÊ QUYÊN