Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông thôn mới và "nông dân mới"

09:01, 25/01/2019

Hội nhập quốc tế đang giúp hình thành một thế hệ nông dân mới với tư duy, nhận thức, kiến thức mới cả trong sản xuất và tìm kiếm thị trường cho nông sản. Họ thực sự trở thành những ông chủ chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tổ chức bộ máy hoạt động, tiếp cận thị trường.

Hội nhập quốc tế đang giúp hình thành một thế hệ nông dân mới với tư duy, nhận thức, kiến thức mới cả trong sản xuất và tìm kiếm thị trường cho nông sản. Họ thực sự trở thành những ông chủ chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tổ chức bộ máy hoạt động, tiếp cận thị trường. 

Thu hoạch lúa ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh Hữu Cường
Thu hoạch lúa ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Hữu Cường

Đồng Nai đã bắt đầu hình thành những lớp nông dân có tài sản hàng trăm tỷ đồng, họ làm nông với cách nghĩ, bản lĩnh của một doanh nhân để tồn tại được trong thời nông nghiệp 4.0 và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

* Sân chơi lớn, tư duy phải “lớn”

“Điểm nổi bật nhất là Đồng Nai đã thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với cách làm rất hay, rất hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp...” - TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói.

Sau hàng loạt các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN… được ký kết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục lập những kỷ lục mới trong vài năm trở lại đây. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: “Tuy rau quả được xếp vào nhóm xuất khẩu tỷ đô nhưng chưa xứng với tiềm năng vì mới chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới. Thị trường xuất khẩu còn nhiều rủi ro vì Trung Quốc đang chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam”. 

Bước vào hội nhập không còn “một mình một sân”, thị trường nông sản phải đối mặt với hàng loạt cơn sóng lớn. Một nghịch lý là nhập khẩu các mặt hàng thịt, rau quả ngoại tăng nhanh trong khi hết heo đến xoài, chuối... rơi vào cảnh khủng hoảng thừa chờ giải cứu.

Chỉ ra khó khăn của ngành chăn nuôi khi bước vào hội nhập, ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho biết, Xuân Lộc đang tập trung quy hoạch lại sự phát triển chăn nuôi, nhất là về mặt chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi với mục tiêu người tiêu dùng sẽ tiêu thụ thịt heo nội địa. Người chăn nuôi không nên trông mong quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì về lâu dài, có thể Trung Quốc sẽ xuất ngược heo vào Việt Nam. “Cơ hội xuất khẩu cho con heo Việt sang các nước khác còn khó khăn vì sự kiểm duyệt dịch bệnh rất khắt khe. Câu chuyện hội nhập của ngành chăn nuôi phải bắt đầu từ việc giữ vững được sân nhà bằng uy tín chất lượng” - ông Danh nhấn mạnh.

* Thoát khỏi lối mòn

Học cơ khí nhưng ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh) lại quyết định trở thành nông dân vì mê làm nông nghiệp sạch. Sau 10 năm đầu tư vào nông nghiệp, ông Tính đã xây dựng được trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) theo chuỗi khép kín từ quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ đến đầu tư trồng rau, quả hữu cơ trong nhà kính. Ông thiết kế robot được lập trình tự động để khi nhiệt độ cao sẽ tự vận hành tưới nước cho cây, làm mát trong nhà kính. Ông còn ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà kính và đang triển khai cho lắp đặt đồng loạt hàng ngàn mét vuông nhà kính trồng rau, quả để giảm chi phí sử dụng điện.

Quá trình phát triển của phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai Trong ảnh: Một mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ hiện đại ở TX.Long Khánh (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa, ảnh: Hải Quân)
Quá trình phát triển của phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai Trong ảnh: Một mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ hiện đại ở TX.Long Khánh (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa, ảnh: Hải Quân)

Những ứng dụng, cải tiến về máy móc, công nghệ của ông vào nông nghiệp rất đa dạng giúp trang trại của ông tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài về sử dụng. Trang Trại Việt cũng đang thử nghiệm và chọn ra những loại rau quả cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, măng tây... phù hợp với điều kiện khí hậu của Đồng Nai để chuyển giao từ công nghệ đến kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Chúng tôi đã triển khai một số chương trình chuyển giao quy trình kỹ thuật, cung cấp nguồn phân bón và bao tiêu sản phẩm trái cây sạch của nông dân ở nhiều địa phương để vừa tham gia tốt thị trường xuất khẩu, vừa phục vụ cho gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước” - ông Tính chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản cho rằng: “Nông sản Việt không thể mãi trong cảnh chờ giải cứu. Trong năm 2018, Chính phủ đã ra hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Việc các địa phương cần làm là tạo ra môi trường đầu tư tốt và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để cạnh tranh được khi bước ra sân chơi lớn. Nhưng yếu tố quyết định là nông dân, doanh nghiệp có thể tự đi tốt bằng đôi chân của mình”.

Một nông dân từng khởi nghiệp với mô hình nuôi vài con gà thịt nay trở thành chủ một doanh nghiệp tiên phong đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai là ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).

Doanh nghiệp của ông vừa đầu tư thêm cả 100 tỷ đồng để xây dựng quy trình sản xuất trứng tự động, khép kín từ khâu nuôi gà, thu hoạch trứng đến xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Sản phẩm trứng của Thanh Đức hiện đã đạt chuẩn châu Âu nên có rất nhiều khách hàng là các nhà hàng, khách sạn 5 sao... Doanh nghiệp cũng đã đầu tư thêm dây chuyền chế biến để sản xuất ra các dòng sản phẩm bột trứng, trứng ăn liền… với mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi. “Trong ngành sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm không thiếu các ông chủ là các tập đoàn nước ngoài lớn nhưng tôi không e ngại phải cạnh tranh với họ. Lợi thế của tôi là tự sản xuất rồi trực tiếp bán hàng nên tôi kiểm soát được từng trái trứng ra thị trường, thời gian trữ hàng ngắn nên luôn đảm bảo sự tươi mới, giảm tỷ lệ hư hao của sản phẩm. Những mặt hạn chế trong công tác quản lý hoặc về thị trường, tôi sẵn sàng nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của những chuyên gia giỏi” - ông Đức nói,

Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nhưng ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) lại rất thành công trong việc tích điền cho sản xuất lớn. Hiện ông đã thành lập được trang trại trồng thanh long ruột đỏ rộng gần 40 hécta và đang triển khai dự án cánh đồng lớn trồng thanh long ruột đỏ tại địa phương với quy mô cả 100 hécta. Bí quyết là ông tổ chức hoạt động của trang trại như một công ty cổ phần mà các nông dân là cổ đông, người có đất góp đất, người có tiền góp tiền và sẽ được chia lợi nhuận tùy vào tỷ lệ vốn mà mình đóng góp. Trang trại của ông cũng có đội ngũ nông dân lao động chuyên nghiệp không thua gì công nhân công nghiệp.

* Thay đổi từ cái nhỏ nhất

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đình Anh khẳng định: “Không cần phải là đại gia lớn mới đủ điều kiện làm nông nghiệp công nghệ cao, làm nông nghiệp 4.0 để cạnh tranh ngang ngửa với các nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến khác. Hãy bắt tay hiện đại hóa sản xuất từ những điều nhỏ nhất là rèn luyện kỹ năng lao động lành nghề. Và tôi thường mất 3 năm cầm tay chỉ việc để đào tạo được một nông dân có kỹ năng lao động giỏi”.

Những con số ấn tượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Những con số ấn tượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) là đơn vị  tiên phong của Đồng Nai trong đầu  tư  trồng  và  tự  xuất  khẩu  được  trái  chuối vào thị trường khó tính là Hàn Quốc. Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến cho rằng với những thách thức của thời hội nhập, các hợp tác xã chỉ có cách tự thay đổi mình để tồn tại và phát triển tốt hơn. Theo ông Đồng: “Ra biển lớn thì sóng cũng lớn, áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng lớn hơn. Ngày nay, hợp tác xã cũng là một doanh nghiệp năng động, nhạy bén trước tín hiệu thị trường”.

TS.Võ Thị Kim Sa, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường cán bộ quản lý nông nghiệp - phát triển nông thôn II) góp ý cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai: “Nhiều địa phương đang chịu áp lực phải nâng cao thu nhập nên luôn đặt năng suất lên hàng đầu, lạm dụng phân, thuốc trong sản xuất. Kết quả là dịch bệnh phát sinh, chất lượng thực phẩm mất an toàn. Khi xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, Đồng Nai cần chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững”.

BÌNH NGUYÊN

Tin xem nhiều