Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời của tin giả và ứng xử của chúng ta

03:01, 25/01/2019

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi mạng xã hội phát triển nhanh và rộng, đặc biệt là từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016 đến nay, tin giả (fake news, disinformation) trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi mạng xã hội phát triển nhanh và rộng, đặc biệt là từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016 đến nay, tin giả (fake news, disinformation) trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trang tin giả trên mạng, thực chất là những blog cá nhân dùng tên miền gần giống với các trang báo điện tử
Trang tin giả trên mạng, thực chất là những blog cá nhân dùng tên miền gần giống với các trang báo điện tử

Một doanh nghiệp làm ăn bình thường bỗng dưng hứng chịu tin đồn “sắp bị bán cho Trung Quốc”; một nghệ sĩ đang tạo được những thành công bỗng dưng bị loan tin “gặp bệnh hiểm nghèo”; một giám đốc ngân hàng có uy tín tự nhiên bỗng dưng bị tung tin “sắp ra hầu tòa”… - những tin đồn gây ảnh hưởng như thế gần đây còn được internet chắp cánh, nhiều trường hợp đón nhận hậu quả nặng nề…

* Ai cũng có thể là nạn nhân

Năm qua, hàng loạt tin giả như: máy bay rơi, vỡ đập thủy điện, bắt cóc trẻ em, đổi tiền, giá nhà đất khu vực X nào đó sẽ tăng cao… được lan truyền trên mạng xã hội, gây không ít hoang mang, bất ổn, thậm chí gây ra những phản ứng bất bình thường.

Tin đồn, tin vịt, tin bịa, tin thất thiệt… là cơ chế truyền thông nước nào cũng có, thời nào cũng có. Ở những nước nông nghiệp, ở những cộng đồng thông tin ít minh bạch, tin đồn càng có đất sống. Tin đồn đa phần ra đời trong quá trình giao tiếp diễn ra trong đời sống. Người nhận thông tin lại tiếp tục thành nhà truyền thông thứ cấp, rồi thứ cấp của thứ cấp trong các mối quan hệ chằng chịt của đời sống xã hội. Tin đồn bị nhân bản, biến dạng, méo mó theo các chiều hướng, mức độ khác nhau do năng lực thu nhận, phân tích khác nhau của các cá nhân trong mạng lưới.

Thành viên “mạng tin đồn” có khi không xuất phát từ một động cơ vụ lợi nào nhưng việc truyền tin của họ thường phản ánh mối quan tâm, thói quen, sở thích riêng. Tốc độ phân phối tin đồn phụ thuộc vào tính hấp dẫn, tầm quan trọng của vấn đề đối với từng cá nhân cho nên trong nhiều trường hợp, khi sự kiện, vấn đề bị đồn thổi có liên quan đến số đông thì việc lần theo các chi tiết để tìm ra dấu vết khởi nguồn của tin đồn là rất khó. Internet lại tiếp tay cho tin đồn phát triển mạnh hơn thông qua các mạng xã hội: khi ai cũng có thể làm người đưa tin, bình luận, kể chuyện, và trong khi kể chuyện lại chủ động rút bớt, thêm thắt, nhấn mạnh, hay sắp xếp lại nguồn tin ban đầu. Tin đồn trên môi trường mạng được nhân bản cực nhanh, cực rộng nên cường độ, biên độ dư luận càng lớn.

Điều đáng quan ngại là bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của một bộ phận sử dụng mạng, còn có loại tin giả với ý đồ xấu: phá hoại uy tín của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, chống phá chế độ…

* Nhiều cách hiểu khác nhau

Tin giả là loại thông tin được đưa ra không dựa trên sự thật khách quan, hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, dẫn dụ công chúng nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch hoặc hoàn toàn trái với sự thật. Tin giả có thể được cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích, hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông (kể cả chính thống và mạng xã hội) do thiếu kiểm chứng thông tin hoặc phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin.

Nhiều người cho rằng tin giả nếu chỉ là tin… xạo (như kiểu cá tháng tư hay ảnh chế vui) thì vô hại nhưng thực tế không phải vậy. Người tiêu dùng tin tức hiện nay không còn thụ động đọc - nghe - xem mà còn có cơ hội chia sẻ, phát tán, bình luận. Trong cái biển thông tin xô bồ ấy, một “tin xạo” ban đầu có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Tin giả thời gian qua có đất sống mạnh vì mạng xã hội là môi trường truyền thông có sức lan tỏa toàn cầu khá nhanh và người đưa tin có thể giấu mình bằng nick ảo. Bên cạnh đó, kẻ xấu, kẻ nham hiểm biết lợi dụng tâm lý đám đông - một hiện tượng xuất phát từ việc con người cần có nhu cầu hòa nhập với cộng đồng, nhu cầu được là một phần của tập thể, nhu cầu giống mọi người và muốn mọi người giống mình, gắn liền với sự mù quáng và nỗi ám ảnh cố hữu bên trong mỗi con người: sợ tha nhân bỏ rơi, sợ bơ vơ lạc lõng trong trăm mối hiểm nguy vô hình - để lan truyền tin giả…

* Người tiêu dùng tin tức thông minh

Cả thế giới hiện đang đối mặt với vấn nạn tin giả, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách đối phó. Ở Việt Nam, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, là cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả.

Vai trò báo chí
Vai trò báo chí

Nhưng, nỗ lực pháp lý và các giải pháp kỹ thuật chỉ có thể hạn chế phần nào, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đời sống truyền thông cần đặt lên hàng đầu: sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, không bịa đặt, không chia sẻ tin giả, cảnh báo cho Facebook, Google biết nếu bắt gặp tin giả trên mạng. Cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt và đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà từng người dân cũng phải thành những chiến sĩ trên mặt trận ấy bằng hành động, bằng ứng xử của chính mình.

Khi tiếp nhận thông tin, chúng ta cần biết thẩm định: Thông tin ấy phục vụ ai? Phương thức thu thập và xử lý thông tin ấy như thế nào: có xác minh độc lập, có công bằng khách quan, có trả tiền để được thông tin hay không? Ai là người thực hiện thông tin ấy? Nguồn tin là ai, cơ quan tổ chức nào? Tác động, kết quả của thông tin ấy ra sao?

Hiện nay, nhiều lớp học nâng cao năng lực truyền thông được tổ chức cho cộng đồng. Trong ảnh: Sinh viên TP.Hồ Chí Minh học về tìm hiểu thông tin và ứng xử trên mạng xã hội
Hiện nay, nhiều lớp học nâng cao năng lực truyền thông được tổ chức cho cộng đồng. Trong ảnh: Sinh viên TP.Hồ Chí Minh học về tìm hiểu thông tin và ứng xử trên mạng xã hội

Ngay cả hành vi thích, chia sẻ (like, share) của chúng ta - nếu không suy nghĩ chín chắn - có thể vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, thông tin có hại. Vì thế, trước khi tham gia ứng xử trên môi trường mạng xã hội, chúng ta luôn đặt ra các câu hỏi: Thông tin ấy có gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo không? Thông tin ấy có tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc không? Thông tin ấy có tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định không? Thông tin ấy có xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nào không?

Có năng lực thẩm định thông tin và biết ứng xử với thông tin một cách có trách nhiệm chính là biết tiêu dùng tin tức thông minh vậy.    

Rèn luyện năng lực truyền thông

Tiếp cận thông tin trên môi trường truyền thông hiện nay, người tiêu dùng tin tức cần phải biết xác định ai là nguồn tin và vì sao họ lại biết được, có được thông tin ấy. Đồng thời, cần phải biết đối chiếu với các nguồn có thông tin tương tự. Cần chú ý đọc phần giới thiệu về trang web cung cấp thông tin đó (xem có đúng là báo điện tử được cấp phép hay chỉ là trang blog, trang web cá nhân chẳng hạn). Click vào các bài viết xung quanh trên trang web ấy, đọc kỹ tên miền của trang web để xác định xem có phải là trang giả mạo (thường các trang web giả sẽ có nhiều bài link liên kết không hoạt động). Tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, đừng tin vào các số như lượng người thích (like), số lượt chia sẻ (share) vì các con số đó hoàn toàn có thể xử lý kỹ thuật, thậm chí có thể mua bán. Cũng phải thận trọng với ý kiến của những người nổi tiếng vì không phải ai cũng thực sự khách quan.

Các chuyên gia của Đại học Stony Brook (Mỹ) đề xuất một phương pháp thẩm định thông tin gọi là công thức I'M VAIN.

I’M VAIN là câu ghép các ký tự đầu của những chữ:

- Independent (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin)

- Multiple (nguồn tin có đa chiều không)

- Verify (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa)

- Authoritative (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không)

- Informed (thông tin ấy có được bằng cách nào)

- Named (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh)

Luôn tỉnh táo để biết rằng bài viết, bức ảnh hay đoạn video nào đó trên mạng có cách thức thu thập và xử lý thông tin đó khách quan, cân bằng, công bằng chưa? Thông tin có được xác minh (verification) bởi các tác giả có độc lập (independence) hoặc có một cơ quan báo chí uy tín đứng ra chịu trách nhiệm không (accountability)?

Tóm lại, khi tham gia ứng xử trên môi trường mạng xã hội, chúng ta luôn đặt ra các câu hỏi: Thông tin ấy có gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo không? Thông tin ấy có tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc không? Thông tin ấy có tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định không? Thông tin ấy có xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nào không?

PHAN VĂN TÚ

Tin xem nhiều