Báo Đồng Nai điện tử
En

Không còn vùng "trắng dự án" đầu tư

05:01, 26/01/2019

Đồng Nai hiện đang xếp thứ 3 cả nước trong thu hút FDI, chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay, thu hút FDI của tỉnh có chọn lọc, nhưng vẫn không giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Đồng Nai hiện đang xếp thứ 3 cả nước trong thu hút FDI, chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay, thu hút FDI của tỉnh có chọn lọc, nhưng vẫn không giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tặng quà lưu niệm cho ngài Tổng lãnh sự Pháp tại TP.Hồ Chí Minh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tặng quà lưu niệm cho ngài Tổng lãnh sự Pháp tại TP.Hồ Chí Minh.

Đến cuối năm 2018, thu hút dự án FDI của tỉnh là hơn 1.378 với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực trên 28,5 tỷ USD. Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước.

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Vedan, Vmep, Hualon Samsung, Fujitsu, Ajinomoto, Amata, Kao, Kolon, Chrysler, CP, Cargill, Hyosung, Formosa, Shingmark, Meggitt, Changshin, Pouchen, Bosch...

* Điểm đến được các “ông lớn” chọn

Cách đây 30 năm, Đồng Nai đã bắt đầu đón những nhà đầu tư FDI đến tỉnh. Đồng Nai là khu vực đầu tiên trong cả nước đón được làn sóng FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Có những tập đoàn đã chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên để thử sức và sau vài năm hoạt động hiệu quả mới bắt đầu mở rộng đầu tư ra cả nước. Đơn cử như: Samsung, Fujitsu, Amata, CP, Hyosung, Cargill... Hầu hết, các doanh nghiệp, tập đoàn FDI đầu tư vào tỉnh đều hiệu quả và sau vài năm đã tăng vốn mở rộng sản xuất, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.    

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận cho nhà  đầu tư FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư FDI

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Đồng Nai là điểm đến đầu tiên của CP tại Việt Nam. Sau 25 năm đầu tư vào Đồng Nai, đến nay CP đã mở thêm 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 nhà máy chế biến thủy sản. CP còn liên kết với hơn 3 ngàn trang trại trong cả nước cung ứng cho thị trường mỗi năm khoảng 5 triệu con heo thịt, 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 200 triệu quả trứng, 80 ngàn tấn thịt gà và 20 ngàn tấn thủy sản chế biến”.

Trong 47 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai thì có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu trong đầu tư nước ngoài vào tỉnh là Hàn Quốc hơn 5,8 tỷ USD, tiếp đến là Đài Loan với hơn 5,2 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 4,4 tỷ USD, Singapore gần 3 tỷ USD.

Tập đoàn Amata chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên với dự án Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), đây được coi là khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Đầu tư vào tỉnh thành công, tập đoàn này tăng vốn gấp 30 lần làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, khu đô thị tại huyện Long Thành.

Hơn 20 năm trước, Tập đoàn Fujitsu đầu tư vào tỉnh hơn 10 triệu USD để làm nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và máy tính. Hiện Fujitsu đã nâng vốn lên gần 200 triệu USD để mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tập đoàn Ajinomoto hơn 2  thập niên trước đầu tư vào tỉnh 1 nhà máy sản xuất 5 loại sản phẩm thực phẩm, đến nay đã tăng vốn mở rộng sản xuất gấp 5 lần so với ban đầu. Ajinomoto trở thành thương hiệu được nhiều người Việt tin tưởng lựa chọn...

* “Đón gió” từ các FTA

Đồng Nai là “thủ phủ” sản xuất công nghiệp hỗ trợ của cả nước nên các doanh nghiệp FDI rất muốn đầu tư vào. Vì khi đầu tư tại Đồng Nai, họ có thể tìm đối tác cung ứng nguyên, phụ liệu, không phải vận chuyển xa.

Doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Đồng Nai tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào tại hội nghị xúc tiến thương mại
Doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Đồng Nai tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào tại hội nghị xúc tiến thương mại

Hiện Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và đang đàm phán 4 hiệp định. Các FTA đã ký đều có 90-98% dòng thuế xuất, nhập khẩu giảm về 0% nên doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên yêu cầu của các FTA là phải sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, Đồng Nai lại là “thủ phủ” công nghiệp hỗ trợ nên đầu tư vào tỉnh doanh nghiệp FDI sẽ có nhiều lợi thế hơn. Đây cũng là lý do dù tỉnh “siết” khá chặt trong việc lựa chọn các dự án nhưng số doanh nghiệp FDI đến tỉnh vẫn rất đông. Kế hoạch thu hút vốn FDI của tỉnh 1 tỷ USD/năm nhưng từ năm 2015 đến nay, mỗi năm đều vượt 50-80%.

Thông tin: HƯƠNG GIANG, đồ họa: HẢI QUÂN
Thông tin: HƯƠNG GIANG, đồ họa: HẢI QUÂN

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, những năm gần đây, các dự án FDI tỉnh thu hút được đều là có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động. “Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh từ nhiều năm trước hiện đang thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng. Nhiều công đoạn trong sản xuất đã được tự động hóa, dùng robot giảm lao động. Do đó, giảm bớt được áp lực thiếu lao động” -  ông Sỹ nói.

* Dự án FDI “phủ” kín

Ông Okubo Hideo, Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài, Chủ tịch Tập đoàn Forval cho hay: “Forval đã liên kết với Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng nhà xưởng ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 để cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê.

Doanh nghiệp Đức trao đổi với doanh nghiệp Đồng Nai.
Doanh nghiệp Đức trao đổi với doanh nghiệp Đồng Nai.

Đến nay đã có gần 40 doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sang thuê nhà xưởng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam và xuất khẩu”. Theo ông Okubo Hideo, những năm tới Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trên lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác như: hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao.

Thông tin: HƯƠNG GIANG, đồ họa: HẢI QUÂN
Thông tin: HƯƠNG GIANG, đồ họa: HẢI QUÂN

Đến nay, các dự án đầu tư FDI đã trải rộng trên toàn tỉnh, không còn địa phương “trắng” đầu tư FDI. Những dự án FDI đầu tư vào tỉnh đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong tỉnh và hơn nửa triệu lao động đến từ các tỉnh khác trên cả nước. Các doanh nghiệp FDI đóng góp gần 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, làm tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tăng thu nhập bình quân đầu người. Ngoài ra, FDI còn thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, ngành nghề đầu tư của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đa dạng, trong đó ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký, bất động sản chiếm 12%, thương mại dịch vụ chiếm 3,5% và nông nghiệp chiếm 1,5%

KHÁNH MINH

Tin xem nhiều