Những sản phẩm cụ thể gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ra đời trong môi trường giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có cả những sản phẩm đã đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống tại Đồng Nai.
Những sản phẩm cụ thể gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ra đời trong môi trường giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có cả những sản phẩm đã đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống tại Đồng Nai.
Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia mô hình chế tạo robot của sinh viên Trường đại học Lạc Hồng |
Robot giao tiếp với con người, robot thay thế con người làm việc, máy in 3D, xe không người lái, ngôi nhà thông minh... đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó trong hiện tại và tương lai.
* Ứng dụng vào cuộc sống
Năm 2015, Trường đại học Lạc Hồng nhập về 6 chú robot Nao do Nhật Bản chế tạo để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngày mới nhập về, robot mới chỉ có “phần xác” mà chưa có “phần hồn”. Hơn 3 năm “nuôi” robot Nao, những chú robot ngày nào nay đã trở nên thông minh hơn, biết giao tiếp bằng tiếng Việt, biết nhảy múa, đôi khi cũng hài hước và bướng bỉnh chẳng kém gì những cậu bé thông minh, tinh nghịch. Sự “trưởng thành” của những chú robot đều do sinh viên lập trình, đưa trí tuệ vào “bộ não” của chúng.
Anh Nguyễn Phúc Bảo, Chuyên viên cấp cao, Trưởng nhóm thiết kế điện của Công ty Mabuchi Motor Việt Nam tặng motor điện cho sinh viên chế tạo robot |
Cũng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng đã có nhiều giải pháp ứng dụng cho cuộc sống. Một trong những ứng dụng đó là việc ra đời một Ngôi nhà thông minh (Smart Home) với hệ thống điện chiếu sáng được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Chủ nhà có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, miễn là có điện thoại kết nối internet là có thể điều khiển được hệ thống chiếu sáng trong và ngoài ngôi nhà của mình, đồng thời quản lý được lượng điện tiêu thụ ở mỗi thiết bị điện trong nhà.
Sản phẩm Ngôi nhà thông minh đã từng đoạt giải nhất cuộc thi Giải pháp cho thành phố thông minh do UBND tỉnh Bình Dương và Công ty Becamex Bình Dương tổ chức; đồng thời là một trong những dự án khởi nghiệp được Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tài trợ vốn để khởi nghiệp. Giảng viên Phan Thị Hường, chủ nhiệm dự án Ngôi nhà thông minh cho hay: “Sản phẩm của chúng tôi đã tự tin bước ra thị trường với nhiều tính năng và giá cả cạnh tranh sau một thời gian nghiên cứu, tìm nhà đầu tư và đi vào sản xuất. Chúng tôi tự hào vì mang trí tuệ Việt phục vụ cho ngôi nhà Việt”.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng giành ngôi vô địch lần thứ 3 cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á |
Thạc sĩ Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng cho hay từ sân chơi robot, chúng tôi đã dần dẫn dắt sinh viên đi vào nghiên cứu, chế tạo ra những cỗ máy tự động ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Từ đó đến nay, Lạc Hồng đã chuyển giao cho doanh nghiệp gần 20 sản phẩm công nghệ tự động hóa, qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất theo hướng tự động, giảm chi phí nhân công, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm một cách đồng đều.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao giải nhất cuộc thi Lập trình robot giả lập lần thứ 1-2018 cho học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) |
Một trong những giải pháp tự động hóa mang hơi thở của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp là: máy lắp ghép cuộn cảm tự động thay thế lao động thủ công, năng suất cao gấp 5 lần tại Công ty TNHH Tokin Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2); máy bó cuốn thanh nhôm tự động tại Công ty TNHH sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành) thay thế công nhân bó cuốn thủ công những thanh nhôm sau khi thành phẩm. Hay đó còn là robot tự động phân phối vật liệu và thu gom giày thành phẩm tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu)…
* Trí tuệ Việt trên sân nhà và tiến ra thế giới
Anh Nguyễn Phúc Bảo, cựu sinh viên ngành điện tử - viễn thông Trường đại học Lạc Hồng, hiện là chuyên viên cấp cao, Trưởng nhóm thiết kế điện của Công ty Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Anh chính là người đã kết nối cho nhiều sinh viên Đồng Nai vào làm việc trong doanh nghiệp. Mới đây, anh đã vận động Ban giám đốc Mabuchi Motor Việt Nam tài trợ 50 motor điện tiêu chuẩn Nhật Bản cho 7 đội tuyển robot Trường đại học Lạc Hồng tham dự cuộc thi robot Việt Nam năm 2019. Anh Bảo chia sẻ: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến và đang thay đổi cuộc sống, tôi muốn tiếp sức để sinh viên Việt, trí tuệ Việt thắng trên sân nhà và tiến ra thế giới trong cuộc cách mạng quyết định sự thay đổi của thế giới này”.
Nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin lập trình phần mềm cho dự án Ngôi nhà thông minh |
Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không nắm bắt được cơ hội sẽ khiến chúng ta mất đi dư địa để phát triển. PGS-TS.Trần Đình Thiên bày tỏ ấn tượng mỗi khi sinh viên Trường đại học Lạc Hồng giành được các giải thưởng cao tại các cuộc thi robot, hay xe tiết kiệm nhiên liệu trong nước và quốc tế.
PGS-TS.Trần Đình Thiên cho rằng, khi sinh viên chế tạo và lập trình ra những chú robot để thi đấu và chiến thắng được cả những chú robot của những nước công nghiệp mạnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… là một điều rất đáng tự hào. Không chỉ dừng lại ở sản xuất chế tạo ra những chú robot để thi đấu, mà có thể mở rộng ra sản xuất những chú robot ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, trong đời sống, giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm. PGS-TS.Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Trên sân chơi robot, chúng ta chế tạo ra những công nghệ thắng các đối thủ có tên tuổi thì tại sao chúng ta không thể thắng họ trong môi trường sản xuất thực tế?”.
NGND-TS.Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, trước những thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường đã có những thay đổi trong tư duy đào tạo, trong đó có những ngành trọng điểm như: công nghệ thông tin, cơ điện tử, xây dựng… Một trong những điều tiên quyết phải đạt tới là đào tạo và nghiên cứu khoa học phải tạo ra những sản phẩm có ứng dụng thực tế, tạo ra sự đột phá phục vụ cuộc sống, sản xuất. NGND-TS.Đỗ Hữu Tài cho biết thêm, hiện nhà trường đang bắt tay xây dựng xưởng sản xuất robot công nghiệp, đây là nơi cho sinh viên nghiên cứu khoa học, cho ra đời những công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp.
CÔNG NGHĨA