Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðồi Mặt Trăng

05:01, 24/01/2019

…Và chúng tôi đi về hướng Bảo Bình, nếu cần thiết thì xa hơn nữa, có thể tận miệt Sông Ray, nơi có những cơn lốc rừng hung dữ, tốc cả nhà cửa bay lên không trung như chong chóng, nhưng đất mới khai hoang, hẳn là rất tốt.

…Và chúng tôi đi về hướng Bảo Bình, nếu cần thiết thì xa hơn nữa, có thể tận miệt Sông Ray, nơi có những cơn lốc rừng hung dữ, tốc cả nhà cửa bay lên không trung như chong chóng, nhưng đất mới khai hoang, hẳn là rất tốt. Tôi lẽo đẽo đạp chiếc xe thồ như con ngựa già, nhổm người nhấn pedan cật lực mới đuổi kịp anh Hùng. Con dốc Bảo Thị dài thăm thẳm, thoai thoải ngoằn ngoèo, hút vào những vườn trái cây mênh mông. Lên đỉnh dốc, dừng xe nghỉ mệt, trước tầm mắt chúng tôi là vườn chuối ngút ngàn nhấp nhô lượn theo các ngọn đồi như sóng biển. Hàng ngàn bụi chuối san sát nhau, những cây chuối con bụ bẫm chen chúc vươn lên, lập thành đội ngũ hùng hậu, chuẩn bị thế chỗ cho các cây mẹ đang mang trên mình những quày trái lớn dài cả thước tây, oằn thân chấm đất. Xen lẫn với các quày chuối già hương, là các quày chuối nhỏ trái bằng ngón chân cái, chín vàng như mật, dơi ăn lam nham rụng đầy mặt đất. Anh Hùng giải thích:

ADVERTISEMENT

Hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ).
Hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ).

- Chuối cau đó, thứ này ngày xưa dùng để dâng vua, bây giờ dơi ăn thỏa thích.

- Sao chả thấy đu đủ đâu cả?

ADVERTISEMENT

Anh Hùng chỉ tay tận cuối các ngọn đồi và bảo:

- Còn xa mãi trong kia.

ADVERTISEMENT

Vượt qua vườn chuối, đượm hương ngòn ngọt, tôi thèm được ngừng xe để nhặt những trái dơi ăn rụng dưới, tôi thổ lộ ý nghĩ của mình, anh Hùng bảo:

- Chú thích thì dừng lại vào chặt một quày xuống mà ăn.

- Người ta bắt được thì chết!

Anh Hùng cười.

- Ma mà bắt, chú có lịch sự thì để ít tiền lại đó, rồi tha hồ ăn, coi như mình mua.

- Dễ thế cơ à?

Ừ tục lệ ở đây là vậy, ở đây có nhiều tục lệ lắm, có cái hay, có cái dở.

Thế là chúng tôi tấp vô vườn chuối, tôi ăn căng bụng mới chịu dừng, tính ra hết một quày chuối cau và năm trái chuối già hương, tôi để lại hai chục ngàn, rồi tiếp tục lên đường.

“Ôi! đu đủ” tôi hoa mắt với những vườn đu đủ, cây chỉ ngang đầu, trái lúc lỉu to như những chú heo con, nằm sắp lớp bám vào cây từ gốc đến ngọn, nhiều trái đã điểm những sọc vàng như vẽ. Anh Hùng dặn tôi:

- Ở đây toàn người Hoa, Nùng, họ rất thật thà, nói một là một, hai là hai, mua được thì mua, không mua được thì thôi, chớ trả giá mà mích lòng.

Tôi theo anh không phải để buôn, mục đích chính của tôi là tìm một vùng đất mới để khai hoang làm rẫy. Dòng máu nông dân lưu truyền trong huyết quản. Vì vậy dù đã ăn cơm thành phố nhiều năm, cứ hễ ngửi thấy mùi của đất là tôi ngây ngất như người say thuốc lào.

Chúng tôi quyết định “cắm trại” ở đây một tuần để tìm mua vài vườn đu đủ. Mua cả vườn trả tiền một cục, hái suốt mùa, một vốn bốn lời. Vì vậy mà anh Hùng nuôi được một vợ với năm con ăn học, chỉ nhờ có chiếc xe với ít vốn lận lưng.

Anh Hùng là một họa sĩ, tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật, nhưng cuộc sống chật vật đưa vợ con từ Huế vô, rửa cọ gác lên bàn thờ để đi buôn. Cũng lạ, đã đi buôn mà phải lựa thứ gì đẹp mới buôn. Chọn mãi cuối cùng quyết định đi buôn trái cây. Tôi không quan tâm lắm chuyện đẹp xấu, đi với anh mãi đâm ra lây tính, thành bây giờ cũng lựa cái gì đẹp mới thích, mới mua.

Tôi nhẩm tính xong mùa đu đủ này thì tạm đủ để mua vài mẫu đất hoang, tha hồ mà vùng vẫy. Cứ tới chỗ nào cũng để tâm tìm đất, ngắm nghía thỏa thích và rồi tôi cũng gặp nơi ưng ý...

 

* * *

Ngọn đồi rộng hàng trăm mẫu đất, ôm hồ Suối Vọng, nhìn từ xa như hình trăng khuyết. Đêm nay tôi đứng trên sườn đồi, ngắm hồ Suối Vọng dưới trăng, mặt hồ bàng bạc sương khói, tĩnh lặng, gợi những giấc mơ xa xăm không có hình thù trong tuổi thơ khốc liệt của mình. Từ ngày chia tay với anh Hùng đến nay ngót nghét đã ba năm trời, tôi cắm đầu vào đất suốt ngày, bàn tay phồng rộp rồi chai cứng, đêm về tôi lăn ra trên cái sạp nứa ngủ mê mệt, những giấc mơ không rõ nét chập chờn, sáng ra chẳng nhớ rõ điều gì cho ra hồn. Những kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ, những mối tình dang dở, những tháng ngày tha phương cầu thực cứ trộn lẫn vào nhau...

Những giấc mơ ấy giúp tôi đủ nghị lực để khai phá hai mẫu đất hoang giữa rừng đồi này. Ngày ấy mảnh đất chỉ toàn lau, sậy và bằng lăng nước cao ngút tầm mắt. Hết ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, tôi tạo dựng nên mảnh vườn trước sự kinh ngạc của mọi người. Tôi không trồng đu đủ, tôi trồng café xen canh đậu xanh, đậu nành, bí đỏ, bí đao chanh để đổi mắm. Tôi không rời khỏi mảnh đất suốt ba năm nay, mọi liên lạc với bên ngoài tôi nhờ vào Múi. Múi làm rẫy bên cạnh rẫy tôi. Múi giản dị, mộc mạc và hoang dã như cánh hoa bằng lăng. Tôi giữ lại quanh căn chòi của mình mấy gốc bằng lăng để xem nó nở hoa chơi. Hoa bằng lăng nở từng chuỗi dài màu tím, cánh hoa mỏng manh, tưởng chỉ khẽ đụng sẽ rụng, nhưng nó rất lâu tàn, hoa nở suốt cả hai đến ba tháng mới hết. Nhờ hoa bằng lăng mà tôi quen với Vòng A Múi. Mùa hoa trổ bông, Múi qua rẫy tôi để xin hoa về trưng, tôi bảo: “Hoa bằng lăng phải nở giữa trời mới đẹp, mang về trông lẻ loi tội nghiệp lắm!”. Nói vậy chứ tôi vẫn cho em bẻ bao nhiêu tùy thích. Thấy Múi có vẻ thật thà dễ tin, tôi giở trò lưu manh thị dân mà tôi học được mấy năm ở thành phố và lần ấy tôi được em dạy cho một cái tát nảy lửa. Nhưng Múi không giận tôi, em thường giúp đỡ cho tôi trao đổi với thế giới bên ngoài từ phân giống cho đến lương thực. Bây giờ vườn café của tôi mơn mởn xanh tốt, những bông hoa đã bắt đầu hé nụ, hoa café trắng tinh khiết, đẹp lạ lùng. Buổi sáng bắt gặp bông hoa đầu tiên chớm nở, tôi quỳ xuống nâng niu cánh hoa trên bàn tay thô ráp của mình như một báu vật. Tôi là một trong những người đầu tiên trồng café trên đất này, bao đời nay người dân ở đây sống bằng nghề trồng cây đu đủ và đậu nành. Múi kể cho tôi nghe cha của em là người đầu tiên đặt chân lên đồi Mặt Trăng này và ông đem về giống đu đủ đặc biệt, mà nhờ nó tôi tậu được mảnh đất này. Không như mọi người, ông khai phá từ đỉnh đồi trở xuống. “Thế bây giờ ông ở đâu?”. Tôi hỏi Múi vì từ ngày đến đây tôi chưa thấy mặt ông. “Ở trên kia” - Múi trả lời và đưa tay lên đỉnh đồi. Ở trên ấy, nơi duy nhất của ngọn đồi, còn vùng đất hoang, nhô lên giữa đám lau sậy và cỏ hôi là một căn chòi lá. “Ba em ẩn tu à?” - tôi hỏi. Múi lắc đầu, rồi lẳng lặng ôm mớ đọt bí xuống đồi. Tôi nhìn theo em.

Mùa đông đến tôi gọi mùa theo thói quen khi còn ở quê, chứ đây không có xuân, hạ, thu, đông gì cả. Miền Nam giấu mùa rất khéo, mùa chỉ lướt đi qua những tán lá, tháng mười hai ấy là lúc hoa café bắt đầu nở rộ, sau vài đợt tưới. Hoa café thơm ngát và trắng nhức mắt, tôi mê muội đi trong mùi hương găn gắt pha với mùi nồng đậm của đất bazan. Tôi nhìn lên đám cỏ hoang trên đỉnh đồi lòng đầy thắc mắc về cuộc sống kỳ bí của người đàn ông trong căn nhà lá mà Múi chỉ cho tôi. Lúc này tôi bắt đầu có những ước mơ về một gia đình, tôi sẽ cưới ai? Trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của Múi, người đã gắn bó với tôi mấy năm nay. Nhiều lần tôi biểu lộ tình cảm của mình, nhưng Múi cứ lơ đãng đi, giấu đôi mắt đỏ hoe, tôi biết Múi cũng yêu tôi. “Tại sao chúng ta không thể là vợ chồng”. “Em không thể”. “Sao lại như thế được, chúng ta cũng là con người cả mà”. “Em không biết, nhưng không thể”. Đoạn đối thoại cay đắng ấy cứ mãi lởn vởn trong đầu tôi.

Khu vườn trong mơ ước của tôi đã thành hiện thực, tôi tiếc là cha mẹ tôi không còn để cùng tôi chia sẻ cái cơ ngơi mà tôi gầy dựng được. Cả đời, cha tôi chỉ mong muốn có một khu vườn của riêng mình. Ông cày sâu, cuốc bẫm mảnh ruộng khô cằn, trên dải miền Trung hun hút gió lào, dưới cái nắng cháy chỉ, mẹ tôi nhặt nhạnh từng hạt lúa móng chim, nhỏ và đều rưng rức, gạo trắng tinh thứ lúa bà chỉ để đội tới nhà thầy, nuôi tôi ăn học. Cứ mỗi lần nhìn mẹ đội thúng lúa xiêu vẹo qua những bờ ruộng là tôi nảy ra ý nghĩ rồ dại so với tuổi thơ của tôi lúc ấy. “Tôi sẽ cố gắng học giỏi để làm giàu”, có lần tôi để lộ ý nghĩ ấy, thầy Hồng gõ nhẹ vào đầu tôi và bảo: “Trước hết phải làm người cái đã con ạ”. Tôi cúi đầu thưa: “Làm người có cái gì khó đâu thầy?”. “Khó nhất đấy con ạ!”. Sau này lớn lên tôi mới thấm thía lời thầy. Đã bao nhiêu lần tôi suýt thành thứ gì đó, chứ không phải người nữa. Sau khi bị đuổi học vì lý do vớ vẩn do mình gây ra, tôi thất vọng lao vào những trò đàn đúm vô bổ, may tôi đã gặp anh Hùng. Trong lần cùng bạn bè về chơi ở miệt vườn Long Khánh, anh Hùng phát hiện ra trong cái đám thanh niên ồn ào kia, có kẻ tách riêng nằm úp mặt trên đám lá mục. Lân la trò chuyện, biết hoàn cảnh của tôi, anh đã khuyên tôi nên chọn xứ này để làm lại cuộc đời. Mùi của đất đã làm bừng dậy trong tôi những ký ức tuổi thơ và tôi đã ở lại để thực hiện niềm ước mơ của mình. Cảm ơn ngày xưa mẹ đã đẻ rớt tôi trên bờ ruộng, có lẽ vì vậy mà “mùi bùn đất” đã vực tôi dậy, giúp tôi ra khỏi cuồng điên của cơn lốc thị thành...

  * * *

Tôi muốn cưới em! - Tôi nắm tay Múi và nói một cách cương quyết sau lần em tự nguyện ngã vào vòng tay của tôi, sự hiến thân mộc mạc giữa khu rừng ngập ánh trăng làm tôi suýt phát khóc.

Múi buồn bã lắc đầu:

- Không được đâu anh ạ!

- Sao lại không, chúng ta là người với nhau kia mà. Tôi lặp lại câu nói ngờ nghệch ấy nhiều lần để thuyết phục Múi .

- Em thương anh lắm, nhưng không thể, rồi anh sẽ biết!

- Sao lại như thế được nhỉ?

- Như cha em…

Múi bỏ lửng câu nói buồn bã nhìn lên đỉnh đồi. Ô...i! Bỗng Múi thốt lên tiếng kêu và lao người lên đồi, trong mờ mờ của ánh trăng, một làn khói nhẹ bốc lên, tôi chạy theo em. Đến nơi, ngọn lửa đã bốc cao, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mặt tôi.

Ai đó đã đốt nhà, người đàn ông bị trói trên giường đang ngóc đầu dậy, nhìn ra ngọn lửa với ánh mắt tuyệt vọng và hoảng loạn. Bên ngoài hai người đàn ông giữ chặt mẹ của Múi đang gào khóc thảm thiết: “Ông ơi! Hãy tha lỗi cho tôi”. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Múi đã băng qua vòng lửa, bứt tung dây trói, xốc cha của mình lên vai và bỏ chạy xuống đồi trước sự sửng sốt của mọi người. Khi tôi chạy theo em thì em đã mất hút trong vườn chuối và đu đủ âm u...

Tôi quyết định rời cái “am” của tôi trong vườn café để về làng tìm em, những người làng nhìn tôi bằng ánh mắt không được thiện cảm cho lắm, ai cũng lảng tránh khi tôi hỏi thăm về Múi. Tình cờ tôi gặp lại anh Hùng, anh vui mừng kéo tôi vào quán nước, tôi kể cho anh nghe về chuyện làm rẫy của tôi, anh gật gù và bảo:

- Anh biết tất cả chuyện làm ăn của chú, mấy năm nay anh vẫn theo nghề cũ và quanh quẩn dưới chân đồi Mặt Trăng, nhiều lúc anh còn nhìn thấy chú trên ấy, nhưng anh muốn để yên xem chú làm ăn thế nào?

- Còn chuyện của Múi anh có biết không?

- Biết chứ, biết rõ nữa là khác.

- Tôi chồm qua bàn nắm tay anh.

- Thế bây giờ cô ấy ở đâu?

- Ở đâu thì anh chịu, anh chỉ biết chuyện Múi cứu cha mình, vì chuyện ấy mà Múi đã bị dòng họ của cô ấy từ bỏ.

- Sao lạ thế ? - Tôi sốt ruột hỏi.

Anh Hùng nhìn quanh và ghé tai tôi thì thầm:

- Ở đây có những hủ tục quá kỳ lạ, theo tập tục của người dân tộc ở đây trong dòng họ có người bị bệnh cùi, người ấy phải bị thiêu sống trước khi chết hẳn. Họ tin rằng, nếu không thiêu sống thì con ma sẽ thoát ra khỏi người chết và tiếp tục quấy nhiễu dân làng, nên người thân của người bị bệnh cùi phải làm việc ấy. Gia đình nào không thiêu sống người bệnh sẽ bị dòng họ xa lánh. Con gái của người cùi sẽ không được lấy chồng để tránh lây bệnh cho người khác.

- Ồ! - Tôi thốt lên kinh ngạc, khi nghe anh Hùng giải thích. Anh Hùng nói tiếp.

- Anh nghe đồn ông Vòng A Tài đã tắt thở khi Múi cõng chạy, nhưng vì không phải chết vì bị thiêu nên mọi người tin rằng con ma ấy đã nhập qua Múi, cô ấy sẽ chẳng dám về làng, chẳng dám lấy chồng đâu.

- Em sẽ đi tìm Múi?

- Chú tính bỏ mấy mẫu rẫy mà chú tốn công gầy dựng mấy năm nay sao? Chú cứ bình tâm về chăm sóc vườn café, anh sẽ giúp chú việc này. Tôi nhìn anh Hùng với ánh mắt biết ơn, sao lúc nào anh cũng xuất hiện đúng cái lúc mà tôi quẫn trí nhất trong cuộc đời để đưa tay kéo tôi trở lại.

Tôi quay về ngọn đồi, trăng tháng chạp miền Đông Nam bộ sáng như ban ngày, càng về khuya càng sáng hơn, những tán lá café lấp lánh như dát bạc, chúng rung lên trước những cơn gió nhẹ tình tự với ánh trăng, tôi chợt nhận ra cái tên “đồi Mặt Trăng” thật thơ mộng biết bao. Hôm Múi đứng với tôi trăng cũng sáng như thế này. Em bỏ đi đã tròn mười con trăng. Hoa café đã rũ xuống, những chùm trái nhỏ li ti như hạt tấm đã chen chúc hiện ra trong các nách lá. Tôi ngắm những chùm trái đầu mùa mà lòng đầy tin tưởng là Múi sẽ trở lại với tôi. Em đã dám phá vỡ một hủ tục thì hẳn em sẽ hiểu ở thời đại chúng ta chỉ có căn bệnh của tình yêu là nằm ngoài tầm tay của y học! Hãy trở về với tôi Múi ơi! Mùa  xuân này tôi sẽ cưới em và mùa trái cây chín đầu tiên trong khu vườn này xin dâng tặng em.      

NGUYỄN MỘT

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT