Xuân này an bình (2019), gợi nhớ xuân oanh liệt của 230 năm trước: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh rồi ứng xử ngoại giao với nhà Thanh.
Xuân này an bình (2019), gợi nhớ xuân oanh liệt của 230 năm trước: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh rồi ứng xử ngoại giao với nhà Thanh.
Hội gò Đống Đa diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội |
Mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã phá tan 20 vạn quân Thanh, tiến vào kinh thành Thăng Long trong lúc Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị vượt cầu phao sông Hồng trốn chạy, Điền Châu Thái thú Sầm Nghi Đống treo cổ tự sát ở gò Đống Đa. Trận đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung có thể nói là một chiến công lẫy lừng, vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép: Mùa Xuân năm Canh Tuất (1790), Tổng đốc lưỡng Quảng là Phúc Khang An giục Vua Quang Trung sửa soạn sang chầu Hoàng đế nhà Thanh là Càn Long. Vua Quang Trung mượn cớ có tang mẹ, xin cho con thứ là Quang Thùy đi thay mình. Phúc Khang An không chịu, bí mật sai người đến đem nỗi niềm ẩn khuất bày vẽ, nếu bất đắc dĩ không đi được thì tìm người giống mình mà thay thế. Thế là, sau nhiều thủ tục ngoại giao chuẩn bị từ trước, ngày 29-3 năm Canh Tuất, sau khi đón Tết Nguyên đán xong, phái đoàn Việt Nam do Vua Quang Trung dẫn đầu đã lên đường sang Trung Hoa dự lễ đại thọ 80 tuổi của Càn Long, chính thức đặt nền móng ngoại giao của triều Tây Sơn với triều Thanh.
Vì sao Tổng đốc lưỡng Quảng Phúc Khang An lại thiết tha đến việc đưa một vị “phiên vương” (cách gọi của các triều đại Trung Hoa đối với vua nước ta) đến yết kiến Càn Long đến nỗi phải bày ra kế sách “thay vua giả” khi Vua Quang Trung kiên quyết không đi đến như thế?
Sau trận thua nhục nhã tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị bị khiển trách và triệu hồi, Phúc Khang An được giao chức Tổng đốc lưỡng Quảng. Lúc này, tình hình giữa 2 nước rất căng thẳng. Phía nhà Thanh điều quân đến trấn ngự ải Nam Quan đề phòng quân Tây Sơn thừa thế tấn công, còn phía Vua Quang Trung cũng chưa dám rút quân về Phú Xuân ngay mà tiến hành củng cố thành lũy, bố trí quân dọc từ Thăng Long lên Lạng Sơn nhằm kịp thời đối phó nếu quân Thanh tiếp tục xâm chiếm. Thế nhưng, là tay lão luyện trên chính trường, Phúc Khang An khôn ngoan nhận định nếu mở cuộc tấn công khác chưa chắc quân Thanh đạt được thắng lợi trước tài năng quân sự của Vua Quang Trung, trong trường hợp đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình, nên chính Phúc Khang An đã chủ động chọn hướng hòa hoãn.
Về phía nước ta, Vua Quang Trung cũng đang có những vấn đề nội bộ chưa giải quyết ổn định. Bên trong triều chính chưa hoàn chỉnh, bên ngoài lòng dân chưa yên, trong khi đó Nguyễn Ánh ở phương Nam vẫn đang ngày đêm rình rập chờ cơ hội. Vì vậy, hòa hoãn với nhà Thanh lúc ấy là kế sách tối ưu, nhưng chủ trương của Vua Quang Trung là lúc cứng lúc mềm, hòa hoãn mà không nhượng bộ bằng mọi giá. Bằng chứng là thời điểm nhà Thanh đồng ý phong tước Vương cho Vua Quang Trung nhưng kèm theo điều kiện nước ta phải “trả lại” vùng đất Tuyên Quang, sứ bộ của ta đã gạt đi, không chấp thuận.
Để bày tỏ thiện chí bang giao, Vua Quang Trung đã 4 đợt đồng ý trả về cho nhà Thanh hơn 500 binh sĩ bị bắt, trong đó có 2 quan chức cấp cao khiến cho “cục thể diện” của Càn Long phần nào được xoa dịu. Ngoài ra, nước ta cũng có một số nhượng bộ nhỏ như cho phép Hoa kiều sống ở Thăng Long được thờ các tướng lĩnh nhà Thanh bị giết năm Kỷ Dậu. Nhưng vị anh hùng áo vải của Tây Sơn vẫn giữ sự tự tôn của mình, các sách sử đều ghi chép việc Vua Quang Trung không chịu ra Thăng Long làm lễ nhận phong vương mà “ép” sứ bộ của triều Thanh phải vào tận Phú Xuân. Chính vì thế, Phúc Khang An muốn thúc đẩy quá trình bang giao phát triển nhanh chóng, thuận lợi hơn, nên đã tự đề ra kế sách “thay vua giả” trong trường hợp Vua Quang Trung không chịu qua triều kiến.
Hàng vạn chiến binh áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược |
Sách Hoàng Lê nhất thống chí có chép: Ngô Thì Nhậm kén viên quan võ người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường, trấn Nghệ An, tên là Nguyễn Quang Thực, dung mạo đoan trang giả làm Quốc vương (tức Quang Trung), lấy Ngô Văn Sở làm trọng thần hàng võ, Phan Huy Ích làm trọng thần hàng văn, Đô đốc Nguyễn Duật làm hộ vệ, Võ Huy Tấn làm bề tôi coi giấy tờ, cùng hầu “quốc vương” sang yết kiến vua Thanh. Ngoài lễ dâng thường của địa phương, lại dâng thêm 2 thớt voi đực. Dọc đường người Thanh phải phục dịch vận chuyển rất khó nhọc.
Ngày 29-3-1790, phái đoàn của Vua Quang Trung khởi hành từ Nghệ An, ngày 13-4 thì đến ải Nam Quan - biên giới giữa ta và Trung Hoa, được đích thân Phúc Khang An đón tiếp rất trọng thể. Mãi đến ngày 11-7, phái đoàn mới đến Nhiệt Hà cách Bắc Kinh 250km, là hành cung nghỉ mát, săn bắn của Càn Long, và vua Quang Trung đã được Càn Long triệu kiến tại đây. Đặc biệt, theo nghi lễ nhà Thanh, khi vào triều kiến hoàng đế, bất cứ ai cũng phải quỳ 3 lần và dập đầu 9 lần, thế nhưng Vua Quang Trung đã được miễn lễ này, và đích thân Càn Long đã cho làm lễ bảo kiến thỉnh an (nhà vua bước xuống ngai vàng, ôm lấy khách để chứng tỏ sự ưu ái và quan thiết). Trong thư gửi sứ bộ nước ta, Phúc Khang An cho biết trước nay chỉ có 2 đại thần được Càn Long ban cho đặc ân này, đó là Triệu Huệ - người có công bình định vùng Hồi Cương, và A Quế - người thu phục được các vùng Nepal, Turkestan, Kim Xuyên, Đài Loan.
Không chỉ thế, khi về đến Bắc Kinh làm lễ nhập triều, Càn Long đã chính thức phong cho Quang Trung tước Thân vương. Cần biết, trong họ hàng, tông thất của nhà vua, tước Thân vương là cao nhất, chỉ phong cho con cái, anh em ruột của hoàng đế. Người không phải trong tông thất chỉ được phong đến tước Công. Trong suốt 267 năm trị vì của nhà Thanh, người duy nhất không thuộc tông thất nhưng được Càn Long sủng ái là Phúc Khang An cũng chỉ được phong đến tước Bối tử.
Ngoài ra, Càn Long còn ban cho Vua Quang Trung đai thắt lưng màu vàng (kim hoàng thính đái), mũ linh vĩ gắn lông công chỏm bảo thạch (bảo thạch đính tam nhãn hồng tước linh vĩ mạo), áo bào màu vàng (bảo đới hoàng mã quải), bổ phục thêu rồng và chuỗi đeo san hô (san hồ triều châu) cùng nhiều món ngoạn khí khác. Về màu sắc, chỉ vua mới được mặc áo màu vàng sáng (minh hoàng), hoàng thái tử mặc áo màu vàng nhạt hơn (hạnh hoàng), các hoàng tử thì mặc áo màu vàng kim (kim hoàng), như vậy việc Vua Quang Trung được đặc cách ban mặc áo kim hoàng là ngầm ý được xem như hàng tông thất. Các quan trong đoàn sứ bộ như Ngô Văn Sở, Phan Huy ích cũng được phong tước và ban thưởng. Tất cả các yến tiệc thết đãi sau đó, kể cả tiệc chỉ dành riêng cho người trong hoàng tộc, Vua Quang Trung đều được tham dự. Điều này cho thấy, Vua Quang Trung đã tạo được một vị trí đặc biệt trong tiến trình ngoại giao giữa ta và Trung Hoa từ trước đến nay, vì cho đến lúc ấy chưa có một triều đại nào của nước ta đạt được những thành quả ngoại giao quan trọng như thế.
Dù việc Vua Quang Trung sang Trung Hoa là người thật hay giả vẫn còn là một nghi vấn trong lịch sử, nhưng những thắng lợi ngoại giao của nước ta đạt được đã nâng vị thế của nước ta không chỉ đối với Trung Quốc mà cả trong khu vực lúc ấy. Vì vậy, chiến thắng to lớn hơn của Hoàng đế Quang Trung không chỉ là tiêu diệt được 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị, mà là thông qua con đường ngoại giao đã tạo được thế đứng mới đối với triều đình nhà Thanh, vừa giữ được độc lập chủ quyền, vừa chặn đứng được dã tâm xâm chiếm nước ta của triều đại phong kiến nhà Thanh, mà chuyến “hành phương Bắc” của Quang Trung là minh chứng.
Chuyện ứng xử ngoại giao của Vua Quang Trung 230 năm trước, đến giờ vẫn đậm đà với chén trà xuân.
TỊNH HÀ