Báo Đồng Nai điện tử
En

110 năm ngày sinh nhà thơ - Anh hùng lực lượng vũ trang Huỳnh Văn Nghệ (2-2-1914 - 2-2-2024):
Rượu đời cạn chén chẳng hề say!

Bùi Quang Huy
13:43, 01/02/2024

Đến mùa xuân này, Huỳnh Văn Nghệ tròn 110 tuổi. Ông sinh vào mùa xuân, ngày 2-2-1914, nhằm ngày mùng Tám tháng Giêng, năm Giáp Dần. Ngày 5-3-1977, nhà thơ qua đời, nhằm ngày Mười sáu tháng Giêng, năm Đinh Tỵ. Sự ra đi và trở về của Huỳnh Văn Nghệ đều vào mùa xuân.

Huỳnh Văn Nghệ trước năm 1954 từng giữ chức Tư lệnh Khu bộ VII (tức Quân khu 7 ngày nay), nhưng cấp bậc thực sự của ông trong quân đội chỉ là... thượng tá! Vậy mà, người miền Đông, kể cả Nam bộ, quân cũng như dân đều gọi ông là tướng. Họ phong cho vị anh hùng xứ sở một danh xưng không ai có: Thi Tướng!

Từ trái sang: Các ông Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ
Từ trái sang: Các ông Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ

Văn chương Huỳnh Văn Nghệ đã khiến người đời nhớ về ông rất sâu sắc và lâu dài. Ông ở vào số không nhiều những nhà văn, nhà thơ mà nhân dân mới chính là người đầu tiên truyền giữ tác phẩm văn chương, theo cách của riêng mình, tức là chúng tồn tại trong trí nhớ và nhiều khi được bao bọc bởi những giai thoại. Và thế là, thơ của một nhà thơ hiện đại nhưng lại có không ít dị bản, ngay từ lúc ông còn sinh thời. Song, một câu hỏi đặt ra, vì sao tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ trong văn học sử lại rất mờ nhạt? Mãi đến năm 2004, tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ lần đầu tiên mới xuất hiện trong Từ điển Văn học (bộ mới).

Huỳnh Văn Nghệ ở đâu trên bản lược đồ văn học Việt Nam?

Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ Mới

Huỳnh Văn Nghệ sinh năm 1914. Cùng năm sinh với ông là Nguyễn Nhược Pháp. Trước đó một năm là Trần Huyền Trân, Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên. Huỳnh Văn Nghệ kém Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân hai tuổi và lớn hơn những Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê... hai tuổi. Còn nếu so với Nguyễn Bính, Yến Lan, Mộng Tuyết là bốn tuổi; hơn Tố Hữu, Chế Lan Viên, Đinh Hùng... đến sáu tuổi.

Đó là về tuổi tác. Còn sự xuất hiện trên văn đàn? Những bài thơ hiện sưu tầm được cho thấy Huỳnh Văn Nghệ thực sự có thơ đăng trên báo đầu tiên vào năm 1935, lúc 21 tuổi. Các nhà thơ vừa kể, nếu có xuất hiện sớm hơn cũng chỉ từ một đến hai năm. Có người xuất hiện trễ hơn Huỳnh Văn Nghệ như Trần Huyền Trân (năm 1938), Nguyễn Bính (1936)...

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và hai người con gái tại Hà Nội tháng 12-1955
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và hai người con gái tại Hà Nội tháng 12-1955

Do đó, Huỳnh Văn Nghệ cũng là nhà thơ Mới, nhà thơ tiền chiến. Ông ở vào số rất hiếm hoi các nhà thơ Mới của miền Nam, nơi phong trào thi ca này đi những bước đi đầu tiên, song lại ít người thành danh.

Là nhà thơ Mới, Huỳnh Văn Nghệ có nhiều nét giống so với các thi sĩ đương thời. Đó là niềm say mê đối với thiên nhiên, ca tụng tình yêu đôi lứa. Năm 1938, Xuân Diệu có viết bài thơ chân dung của nhà thơ Mới, bài Cảm xúc. Trước đó, năm 1935, Huỳnh Văn Nghệ đã viết các bài Trăng lên, Thơ nói lên quan niệm nghệ thuật của mình. Ông chưa hề xem thường thi nhân; các từ Thi sĩ, Nhà thơ, Văn nhân... luôn được Huỳnh Văn Nghệ viết hoa, thậm chí chúng được vang lên một cách tự hào:

Trai hào kiệt, gái anh hùng, Thi Sĩ

Vì mẫu thân nhuộm kiếm máu quân thù

Vì mẫu thân, ngọn bút thần rền rĩ

Từ ngàn xưa còn mãi với nghìn thu.

Là nhà thơ Mới, Huỳnh Văn Nghệ có nhiều nét giống các thi nhân đương thời về thi pháp. Năm 1940, Hồ Dzếnh có viết trong bài Ngập ngừng hai câu thơ lạ lùng:

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề,

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.

Trước đó, năm 1938, trong bài thơ Đường về, Huỳnh Văn Nghệ đã viết những câu thơ còn lạ lùng hơn:

Ôi tức lắm, chưa đi đà biết trước,

Bước trên đường là tan một nguồn thơ.

Gặp nhau chi để hết nhớ mong chờ,

Tình thú vị chỉ trong thơ qua lại.

Chúng tôi có thể tìm hàng chục những ví dụ tương tự như thế. Dĩ nhiên, đây không phải là sự so sánh để bình giá mà chỉ để khẳng định rằng Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ Mới đích thực.

Là nhà thơ Mới, nhưng Huỳnh Văn Nghệ lạ hơn nhiều nhà thơ cùng thời. Nếu ở nhiều nhà thơ Mới khác, bao nhiêu tài hoa, bao nhiêu yêu mến được dành trọn cho ái tình, cho cái tôi ngơ ngác, bâng khuâng, cho cái tôi sầu nhớ... thì Huỳnh Văn Nghệ lại hướng ngòi bút của mình về một phía khác, nơi nhân quần khổ đau, rên xiết, phía thường không phải là thơ. Đó là Đám ma nghèo, là Cảnh nước lụt ở Biên Hòa, là Bà má bán cau, là Tết quê người, là sự Tha hương, là cảnh Trốn học... Đó còn là quê hương, đất nước, là nòi giống Tiên Rồng. Vì thế, tiếng thơ Huỳnh Văn Nghệ có khi kêu gào đau đớn:

Ta chỉ gặp lạnh lùng trong giếng mắt

Trên đường về xe gầm thét kêu thương...

Ta lặng yên, nén lệ, ngắm mây ngàn.

                                    (Đường về, 1938)

Có lúc cảnh tỉnh, thúc giục lên đường:

Ta trỗi lên khúc Hận ngàn thu

Để nghe đờn ta họ quên giận ghét oán thù

Mà chỉ nhớ rằng mình cùng chung mối hận...

Muốn làm sao khi ta trỗi tiếng đờn

Thì muôn họ cùng nhớ ra một lượt

Rằng họ còn phải mỏi mong ao ước

Một việc gì lớn hơn những danh lợi nhỏ nhen...

                                     (Trăng lên, 1937)

Con người trong thơ Huỳnh Văn Nghệ trước năm 1945 có buồn đau nhưng là những buồn đau nghĩa lý và căn bản là con người hành động, ước mong cải tạo xã hội, con người mang tình yêu và lý tưởng lớn. Do đó, càng về sau, khi nhiều nhà thơ Mới đi đến chỗ bế tắc, quẩn quanh thì Huỳnh Văn Nghệ lại vang lên tiếng ca khỏe khoắn:

Ta đi, gót nhịp vang đường đá,

Mắt phóng nhìn xa qua lớp mây

Ngực nở thấm nhuần trăm thứ gió

Rượu đời cạn chén chẳng hề say.

                            (Thanh niên, 1940)

Tôi lại đưa ra một so sánh. Năm 1935, Thế Lữ viết trong bài Bên sông đưa khách câu thơ diễm lệ:

Lòng em như nước Trường Giang ấy,

Sớm tối đưa chàng tới Phúc Châu.

Còn sau đó không lâu, ở bài thơ mang cái tên ngắn gọn: Cờ, Huỳnh Văn Nghệ viết:

Lòng tôi như thể không gian ấy

Mấy độ vui sầu với nắng mưa

Nhưng vẫn còn nguyên bao thế kỉ

Dễ ai sơn được một màu cờ.

Những câu thơ thật gần nhau mà cũng khác nhau đến biết bao! Đấy cũng chính là sự giống nhau và khác nhau giữa nhà thơ Mới, nhà thơ tiền chiến Huỳnh Văn Nghệ và các thi nhân đương thời. Người duy nhất có nhiều điểm gần gụi với nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ trước năm 1945 là Tố Hữu, nhà thơ cách mạng, được cho là “thoát thai” từ thơ Mới.

Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, rồi cuộc kháng chiến trường kỳ. Hầu hết các nhà thơ Mới đều tham gia kháng chiến. Song, như mọi người đều biết, họ phải trải qua một thời gian nhận đường, thậm chí phải làm cuộc lột xác. Còn các nhà thơ trẻ, trưởng thành từ công - nông - binh, cũng chưa kịp lớn nhanh cùng thời đại. Vì thế, ở miền Bắc, trừ Tố Hữu, ngay từ ban đầu đã có thơ kháng chiến, còn hầu hết những bài thơ đứng được của các nhà thơ khác chỉ thực sự xuất hiện sớm nhất vào năm 1947 (Ngày mai - Hữu Loan), năm 1948 (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm, Tây tiến - Quang Dũng), năm 1949 (Chiều mưa trên đường số 5 - Thâm Tâm, Viếng bạn - Hoàng Lộc...). Nhiều bài thơ nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống Pháp lại được viết hoặc hoàn thành sau năm 1954 như Núi Đôi (Vũ Cao), Đất nước (Nguyễn Đình Thi).

 

Trong khi đó, ở miền Nam, ngay trên vùng đất khói lửa này, Huỳnh Văn Nghệ đã làm thơ kháng chiến từ ngày đầu khi cuộc chiến tranh bùng nổ, năm 1945. Đến năm 1949, NXB Tiếng Rừng của Đoàn Văn hóa Kháng chiến Biên Hòa đã xuất bản tập Thơ Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ, in 1.000 bản. Phải chăng đây là tập thơ đầu tiên ra đời trong kháng chiến ở miền Nam?

Thơ Huỳnh Văn Nghệ, như nhiều người đã biết, khá đa dạng, phản ánh mọi mặt của đời sống kháng chiến từ hình ảnh dân quân, du kích, bộ đội, thương binh... đến bà mẹ, em bé liên lạc, người vợ, từ cuộc sống trong chiến khu đến tâm trạng của người dân ở nội thành, từ hình ảnh quê hương khói lửa đến những chiến công oanh liệt... Bởi vậy, có người nói Huỳnh Văn Nghệ là người chép sử của quê hương quả không sai.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, không có bất kỳ một nhà thơ nào mà thơ ca lại “phổ cập” đến đông đảo quần chúng như Huỳnh Văn Nghệ. Song, không vì thế mà thơ Huỳnh Văn Nghệ là một thứ thơ tuyên truyền khô khan. Tiếng thơ ấy - tiếng hát của một người trong cuộc - mà người ấy lại ở vị trí đầu của đoàn quân ra trận nên cũng là khúc tráng ca của hàng vạn con người. Đấy cũng chính là lý do khiến thơ Huỳnh Văn Nghệ còn mãi trong ký ức bao người, mặc cho thời gian và mặc cho cả sự cố tình quên lãng của những nhà nghiên cứu văn học quan phương và quan liêu.

Một nhà thơ, một nhà văn đã có vị trí rất riêng trong lòng của quê hương, đất nước, của nhân dân mình như Huỳnh Văn Nghệ hẳn phải có vị trí xứng đáng hơn trên bản lược đồ văn học Việt Nam. Đấy không hẳn là sự chiêu tuyết mà là trả lại cho nền văn chương dân tộc những gì Thi Tướng Chiến khu Xanh đã đóng góp. Bởi với nhà thơ, rượu đời ông đã uống cạn chẳng hề say!

Huỳnh Văn Nghệ - nhà văn

Có lẽ Huỳnh Văn Nghệ chỉ thực sự viết văn khi sống trên đất Bắc, vì viết văn khác với làm thơ, không thể có những ngày tháng như ông từng viết:

Trên lưng ngựa múa gươm ca hát

Lòng ta say chiến trận cũng là thơ.

Tuy vậy, thời gian Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp viết văn không nhiều, chưa đến mười năm, vì từ năm 1965 ông đã trở lại chiến trường miền Nam. Sáng tác văn xuôi đầu tiên được Huỳnh Văn Nghệ in ấn là bút ký Ra mặt trận in trên báo Quân đội Nhân dân năm 1961 và sau in trong tập hồi ký Rừng Yên Thế của NXB Quân đội Nhân dân.

 Nhưng thực ra, Huỳnh Văn Nghệ đã viết văn xuôi hàng tuần, thậm chí hàng ngày, cho Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1958. Đây là những bút ký Huỳnh Văn Nghệ viết về quê hương, khi thì kể lại cuộc chiến đấu của quân và dân ở Chiến khu Đ, khi thì kể về cuộc tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn, nơi mà Huỳnh Văn Nghệ là người trực tiếp tham gia. Cũng có lúc Huỳnh Văn Nghệ viết bút ký ở dạng những bức thư địch vận, gửi cho những bạn bè là sĩ quan cao cấp trong chính quyền Sài Gòn.

Đáng kể nhất về sáng tác văn xuôi Huỳnh Văn Nghệ những năm trên đất Bắc chùm truyện ngắn: Trận mãng xà, Sấu mũi đỏ, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Chùa Ông Mõ, Mất đồn Mỹ Lộc. Ở đó, chất huyền thoại thấm hòa với những yếu tố lịch sử khiến những truyện ngắn ấy mang một vẻ đẹp khác lạ của con người và đất rừng miền Đông mà có lần khi trao đổi với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, anh em tôi cho rằng đây là kiểu tư duy nghệ thuật khá đặc trưng, phải chăng xuất phát nguồn cội bản sắc văn hóa của vùng đất phóng khoáng mà chỉ những sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm... mới có được.

Cách đây hơn hai mươi năm, gia đình nhà văn đã tìm được và cho xuất bản tập hồi ký khá dày dặn Quê hương rừng thẳm sông dàiNhững ngày sóng gió của Huỳnh Văn Nghệ. Các tập hồi ký bổ sung vào gia tài văn xuôi của Huỳnh Văn Nghệ để khi đọc chúng người ta hẳn sẽ càng ngạc nhiên về đời văn của ông.

         Đông Chí, Quý Mão

Bùi Quang Huy

Từ khóa:

Huỳnh Văn Nghệ

Tin xem nhiều
Giá vang Pháp là bao nhiêu?