Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng về những loài hoa lạ

Bùi Thuận
19:01, 01/02/2024

Vốn mê hoa, nhất là những loại kỳ hoa dị thảo, nên nghe nơi nào có hoa độc lạ, tôi thường lặn lội đến tận nơi để ngắm nhìn cho kỳ được. Chắc vì vậy mà tôi biết được khá nhiều loài hoa, trong đó có những loại hoa mà có lẽ, không nhiều người ở Đồng Nai từng thấy hoặc nghe tên.

Sơn nữ dân tộc tại lễ hội hoa sở Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh)
Sơn nữ dân tộc tại lễ hội hoa sở Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh)

Khá bất ngờ khi tôi tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) và tìm hiểu về giống lúa Ma thì nhìn thấy một cánh đồng vàng rực, hỏi ra được biết đó là hoa hoàng đầu ấn bị tuyệt chủng ở nhiều nơi, nay chỉ duy nhất tồn tại ở Tràm Chim. Đặc sắc hơn nữa, tại Ramsar thứ 2.000 của thế giới này còn có những cánh đồng cán nhỉ vàng, cán nhỉ tím đẹp lạ.

Một lần khác tôi về miệt Chợ Mới, Long Xuyên (An Giang) để xem một loài hoa có cái tên rất tiểu thuyết ngôn tình là bạch thanh vân. Bị hút hồn bởi những cành hoa nở trắng cả bờ Rạch Chanh, tôi được bà con sở tại cho biết đó là bông cà na - một loại trái cây dân dã thường được sên đường rồi ghim vào que tre bán ở các bến tàu, xe miền Tây.

Từng say đắm màu tím nhạt lãng mạn của hoa ngô đồng ở Huế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những chùm hoa ngô đồng có hoa màu đỏ phất phơ ngoài cù lao Chàm (Quảng Nam). Hoa ngô đồng tím nhìn để mộng mơ, còn vỏ cây ngô đồng đỏ làm võng, du khách nào ra cù lao Chàm cũng rất mê.

Ám ảnh bởi những câu thơ: “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang” của Vương Trọng, tôi trở lại ngã ba Đồng Lộc để nhìn cho biết bồ kết - một loài hoa đã trở thành biểu trưng của “Mười đóa hoa bất tử” (10 cô gái thanh niên xung phong) ở vùng đất lửa Hà Tĩnh thời chống Mỹ. Và tôi đã nhận ra sự mộc mạc, bình dị mà gai góc của loài hoa này; để rồi sau đó tôi không còn vô cảm khi nhìn loại cây này mọc rất nhiều trên đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Có lẽ vùng núi cao miền Bắc, đặc biệt Tây Bắc là nơi tôi được nhìn thấy rất nhiều loài hoa lạ. Ấn tượng mạnh trong tôi là một giống mua dại mọc rải rác trên sườn Tây Côn Lĩnh (phía Hoàng Su Phì, Hà Giang) thường nở hoa thành chùm ở đầu ngọn rực rỡ một màu đỏ tím in đậm trên mảng màu xanh của núi rừng vùng cao. Giống mua núi, mua đá này khác biệt với các giống mua ở đồng bằng thường chỉ có màu tím, trắng và đơn bông.

Vùng Tây Bắc, ngoài hoa lê, hoa mận trắng đẹp đến nao lòng, đang là những điểm check-in lý thú, còn có một giống đào làm say mê cả những người Hà Nội yêu thích đào bích, đào phai, đào bạch, đào thất thốn…; đó là đào rừng hay đào núi, mà bà con dân tộc Mông gọi là tớ dầy. Hoa tớ dầy đỏ thắm mà cành nhánh lại sần sùi, già cỗi nhìn rất phong sương.

Tôi cũng như một số người từng ngộ nhận về một giống đào (gọi là đào Lào) được trồng làm cảnh trên đường phố Sầm Nưa và Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào). Sau mới biết ra đó là loại hoa mà người Lào gọi là đào đỏ.

Ở trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Bà Nà (Đà Nẵng) tôi cũng đã từng nhìn thấy một giống đào có hoa chùm “cúi mặt” rất dễ thương, được gọi là đào chuông. Nhưng tìm hiểu mới biết đào chuông thuộc họ đỗ quyên.

Cánh đồng hoa hoàng đầu ấn
Cánh đồng hoa hoàng đầu ấn

Với loài đỗ quyên, tôi có may mắn là nhiều lần được “gặp” từ đỗ quyên Lang Biang bản địa sắc đỏ đến đỗ quyên Australia, Hà Lan, Ấn Độ được di trồng ở Đà Lạt; nhưng hút hồn tôi là những cội đỗ quyên già cỗi mà sặc sỡ sắc màu, trong đó có hoa màu vàng và trắng rất lạ mắt chỉ thấy trên đỉnh Fansipan và Putaleng - hai ngọn núi cao nhất, nhì trong dãy Hoàng Liên Sơn nằm trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu - vùng rừng núi được mệnh danh là “Vương quốc hoa đỗ quyên” của Việt Nam.

Có một loài hoa cũng rất lạ với người miền Nam là hoa sở. Vào mùa hoa nở, cả vùng đất Đồng Long - Đồng Tâm thuộc H.Bình Liêu (Quảng Ninh) trắng xóa và thơm ngát. Ngày hội hoa sở Bình Liêu cũng là dịp các sơn nữ Dao, Thanh Y, Tày, Sán Chỉ… dập dìu trẩy hội.

Từng vài lần đến Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch, tôi phát hiện ra trên cao nguyên đá này còn có những loài hoa, mới nhìn thấy quen mà lạ. Đó là hoa dền đuôi ngắn có màu đỏ thắm và rất dài to, hoa bạc hà nở tím một triền đá và hoa cải Mèo mọc thành vạc bên bờ rào đá tai mèo xám xịt và trên quẩy tấu (gùi) của người phụ nữ Mông.

Hoa sơn tra (táo mèo) ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái)
Hoa sơn tra (táo mèo) ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái)

Cũng với loại hoa tưởng quen mà lạ, là giống hoa giấy có màu hồng tím được trồng rất nhiều trên đường phố, công viên ở đảo quốc Sư tử. Trước màu sắc khác lạ của loại hoa giấy này, tôi tra cứu trong cuốn 1001 Garden Plants in Singapore do National Parks ấn hành, mới biết giống hoa giấy màu lạ này có tên Singapore Beauty. Thì ra, sắc màu độc lạ này là do người Singapore lai tạo ra. Nếu biết khi tách ra khỏi Malaysia, đảo quốc này gần như không có hệ thực vật, mới thấy Singapore cũng khá phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.

Và một loài hoa cũng rất quen nữa là bằng lăng. Ở Việt Nam, hoa bằng lăng thường màu tím, đôi khi có cây màu hường. Thế mà ở Campuchia, tôi rất bất ngờ khi thấy bằng lăng xứ Chùa Tháp lại nở hoa trắng. Không phải chỉ một cây do đột biến, mà trồng thành hàng trên đại lộ Sothearos giữa thủ đô Phnom Penh và trong công viên bến tàu của tỉnh Kampot - nơi được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”.

Quen mà lạ đã không bình thường, mà ngộ nhận thì lại đáng nói hơn. Đó là trường hợp của… hoa “chi pâu”. Có một nhóm đi du lịch dã ngoại, trong lúc khám phá đỉnh Tà Chì Nhù thuộc địa bàn H.Trạm Tấu (Yên Bái) - nơi mà chỉ cần với tay là đụng mây đã choáng váng trước cánh đồng bát ngát tím trải dọc theo sườn núi, liền tìm hỏi những người dân tộc đang chăn ngựa gần đó. Nghe ai cũng trả lời: “Chi pâu”, nên nhóm lầm tưởng tên của loài hoa tím này là chi pâu, bèn tung lên mạng rất rôm rả. Ai dè, theo tiếng dân tộc Mông, “chi pâu” là… hổng biết!

Bùi Thuận

Từ khóa:

lặn

Tin xem nhiều