Tốt nghiệp chuyên ngành dược tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, có công việc “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” nhưng chị Bùi Thị Thanh Hương (ngụ KP.2, P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) lại từ bỏ tất cả để theo đuổi đam mê nghề thêu thủ công.
Chị Bùi Thị Thanh Hương cần mẫn ngồi thêu hàng giờ để cho ra sản phẩm thêu thủ công |
Quyết định này đã khiến chị phải đối mặt với sự thất vọng của người thân. Chị rơi vào trạng thái trầm cảm nặng với những đêm dài mất ngủ, những ngày mơ hồ, lạc lõng…
Hành trình “lột xác”
Sau khi tốt nghiệp THPT, như bao bạn bè đồng trang lứa, chị Thanh Hương đối mặt với việc lựa chọn nghề nghiệp. Lúc này, chị chọn đại một nghề để ổn định. Cân đong đo đếm giữa các ngành: giáo viên, điều dưỡng, kế toán…, cuối cùng chị chọn ngành dược tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai theo nguyện vọng của gia đình.
Những ngày chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, trong khi bạn bè ai nấy đều hân hoan, chờ đón thì chị cảm thấy hoang mang không biết làm gì sau khi tốt nghiệp. Được gia đình định hướng, chị vào làm việc ở một nhà thuốc nhưng thấy mình không thể hiện được năng lực, giá trị của mình với nghề nên chị quyết định nghỉ việc.
Chị BÙI THỊ THANH HƯƠNG cho hay, gần 4 năm dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh, từ những ngày đầu thua lỗ, đến nay team của chị ngày càng đông hơn, đơn hàng mỗi ngày đều đặn hơn. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ luôn có những thử thách, chông gai nhưng với những gì chị đã trải qua sẽ giúp chị đối diện với những thử thách đó một cách tích cực hơn. |
“Trở thành dược sĩ là kỳ vọng của gia đình nên chắc chắn gia đình sẽ không bao giờ đồng ý để tôi nghỉ việc. Không đủ can đảm để nói ra mong muốn của mình, thời gian đầu, tôi đành giấu gia đình” - chị Thanh Hương bộc bạch.
Để mọi người trong gia đình không phát hiện, nhiều ngày liên tiếp, buổi sáng chị đi ra khỏi nhà và hết giờ làm mới trở về nhà. Chị quay về trung tâm gia sư từng làm thời sinh viên và tiếp tục làm gia sư. Ngày nghỉ cuối tuần, chị đeo khẩu trang kín mít đi phát tờ rơi giới thiệu về trung tâm gia sư tại cổng trường học.
Thích được làm những công việc sáng tạo, tỉ mỉ, đam mê sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên tranh thủ thời gian này, chị tập tành làm mấy món đồ thêu tay như: kẹp tóc, cài tóc, túi xách handmade… đăng lên Facebook để bán. Không chỉ giấu gia đình, sau khi nghỉ việc, chị không dám gặp bạn bè, người quen để tránh phải gặp những câu hỏi thăm về bản thân.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Thanh Hương quyết định nói về việc mình không tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp mà cha mẹ mong muốn. Những tiếng thở dài, những lời trách móc, ánh mắt thất vọng của cha mẹ, không khí ảm đạm trong gia đình… thời điểm đó là những ký ức mà chị không thể nào quên.
“Dù biết cha mẹ có nói gì cũng là muốn tốt cho mình nhưng tôi vẫn bị rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Nhiều đêm tôi không thể nào chợp mắt, khiến đôi mắt thâm quầng, sức khỏe tụt dốc. Tôi thu mình lại và bắt đầu có những suy nghĩ mơ hồ, lạc lõng…” - chị Thanh Hương nhớ lại.
Chị từng trăn trở suy nghĩ mình phải thoát ra trạng thái hiện tại, phải làm điều tốt hơn để chứng minh cho gia đình thấy quyết định của mình không sai. Cuối cùng, chị đã chọn điểm xuất phát từ niềm đam mê sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bắt đầu quá trình khởi nghiệp, bắt đầu cho một giai đoạn mới.
Từng bước gầy dựng CỎ Vintage By H
Chị Thanh Hương cho biết, năm 2017, tình cờ đọc được bài báo viết về một làng nghề thêu thủ công nổi tiếng ở H.Thường Tín (Hà Nội) dần đang bị mai một bởi giới trẻ không còn nhiều người mặn mà với nghề thêu tay cho thu nhập thấp, không ổn định. Trong khi đó, để cho ra đời một sản phẩm thêu tay phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ vẽ mẫu, căng nền, sao chép mẫu trên vải, chọn chỉ, phối màu đến tiến hành thêu tỉa sản phẩm.
Cách đây 2 năm, để thuận tiện hơn cho việc sản xuất kinh doanh, tiếp cận với đa dạng khách hàng, chị Bùi Thịnh Thanh Hương cho biết, đã chuyển từ TP.Biên Hòa lên Q.Phú Nhuận (TP.HCM) sinh sống và làm việc. |
Nghề thêu tay cũng đòi hỏi người thợ thêu có kỹ thuật, sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo. Giá trị của sản phẩm thêu tay nằm ở chỗ nó chứa đựng tình cảm, tâm hồn, sự cảm nhận về cái đẹp của người thợ thêu. Chính vì thế, sản phẩm thêu tay bán ra với giá thành cao mới đủ công thợ. Trong khi đó, hình thức thêu máy hiện nay rất thịnh hành, giá thành rẻ nên việc bán sản phẩm thêu tay có giá thành cao khá khó khăn.
Nhìn thấy khó khăn trước mắt, người thân, bạn bè khuyên chị không nên mạo hiểm dấn thân nhưng chị Thanh Hương vẫn lựa chọn nghề thêu thủ công để khởi nghiệp, vừa để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân, vừa góp phần gìn giữ và phát huy nghề thêu tay truyền thống.
Chị Thanh Hương tâm sự: “Đó cũng là lúc tôi nhận ra, được làm đúng với sở trường và niềm đam mê, con người tôi như được tưới tắm, tươi mát hơn mỗi ngày”.
Công việc dù khó khăn, vất vả tới đâu, chị cũng đều vượt qua. Trước khó khăn của nghề thêu thủ công, chị đã tìm cho mình hướng đi mới. Thay vì làm những bức tranh thêu có giá vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, chị đã làm các sản phẩm thêu dễ sử dụng, giá cả mềm hơn, dễ bán hơn. Trong đó có các sản phẩm như: kẹp tóc, cột tóc, lót ly, khăn trải bàn, khăn tay, túi xách, khung tranh để bàn… Mỗi một sản phẩm đều được chị dành thời gian, tâm huyết để thực hiện.
Chị Bùi Thị Thanh Hương tự chụp hình mẫu cho các sản phẩm thời trang của mình |
Bên cạnh việc chăm chút cho từng sản phẩm, chị đẩy mạnh khâu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau mà không tốn một đồng phí marketing nào. Chị tham gia hầu hết các hội nhóm liên quan đến sản phẩm handmade, nghề thêu thủ công, chợ khách Tây, du lịch…
Chị không marketing một cách dàn trải mà tập trung vào điểm mạnh của mình. Cách đăng bài của chị lên trang Facebook cá nhân, fanpage hay hội nhóm đều mang nét riêng để khách hàng nhớ đến. Thay vì đăng các bài viết giới thiệu sản phẩm, chị lại chia sẻ với khách hàng câu chuyện của sản phẩm. Nhờ vậy lượng khách hàng của chị ngày càng đông hơn, tần suất mua nhiều hơn. Khách mới dần trở thành khách quen; khách quen lại giới thiệu cho người thân, bạn bè dùng sản phẩm.
Khách hàng ngày một đông, bản tính chị lại cầu toàn, luôn muốn chỉn chu trong từng sản phẩm nên có giai đoạn chị phải tạm ngừng vì thiếu nhân lực, không thể cung ứng đủ nguồn hàng. Chị Thanh Hương chia sẻ, để tìm được người chỉn chu giống chị khá khó và chị đã phải thay đổi tư duy sống, giảm bớt sự cầu toàn… Nhờ vậy mà dần dần chị tìm được những người cộng sự cùng góp sức gầy dựng nên thương hiệu CỎ Vintage By H.
Sau hơn 3 năm kinh doanh, chị Thanh Hương nhận thấy nếu chỉ tập trung vào nghề thêu, nhận gia công hàng thêu thì CỎ Vintage By H sẽ không thể đi xa hơn. Chưa kể, động lực của chị hiện tại không còn dừng lại ở lợi ích cá nhân, mà còn bởi trọng trách “giữ lửa” nghề thêu, làm sao để cuộc sống của những người thợ tốt hơn, không phải đối mặt với cảnh thiếu trước hụt sau…
Vì vậy, ngoài việc duy trì các sản phẩm thêu, chị mở rộng thêm mảng thời trang với đa dạng sản phẩm; đồng thời, nỗ lực đưa giá trị được làm ra từ bàn tay người thợ bước ra thị trường nước ngoài. Hiện tại, sản phẩm của CỎ Vintage By H không chỉ được bán trên Facebook, các hội nhóm, mà còn được bán trên sàn thương mại điện tử Esty - website thương mại điện tử bán hàng và mua sắm trực tuyến nước ngoài chuyên về những mặt hàng thủ công, đồ handmade hay những món đồ cổ, đồ gia dụng.
Nguyễn Tuyết
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin