Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấc mơ với hoa sen Đa Lộc

Nga Sơn
19:17, 01/02/2024

Với vẻ đẹp kiêu sa, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, hoa sen Đa Lộc được sử dụng để trang trí với ý nghĩa mang đến sự sung túc và bình yên cho mọi người. Bên cạnh đó, hoa sen Đa Lộc còn được sử dụng trong chế biến món ăn, thức uống, dùng làm thuốc…

Anh Hồ Công Hiệu (bìa phải) giới thiệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa sen Đa Lộc
Anh Hồ Công Hiệu (bìa phải) giới thiệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa sen Đa Lộc

Từ những giá trị đem lại của hoa sen Đa Lộc, anh Hồ Công Hiệu (ở ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) sau nhiều năm tìm hiểu đã quyết định nhập cây giống từ Thái Lan về trồng thử nghiệm và từng bước nhân rộng, trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn.

Đưa hoa sen Đa Lộc về với Xuân Lộc

Để đưa hoa sen Đa Lộc về với mảnh đất Xuân Lộc là một hành trình dài, đầy gian nan.

Anh Hồ Công Hiệu mất cha khi đang học lớp 8. Anh là con thứ 4 trong gia đình 5 chị em; chị lớn đã có gia đình, còn lại 4 anh em trai vẫn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Không muốn để mẹ lam lũ, anh Hiệu nghỉ học để ở nhà phụ giúp mẹ làm ruộng.

“7 năm gắn bó với công việc đồng ruộng khiến tôi thấy bị bó buộc tới mức nhàm chán. Tôi muốn được đi, được trải nghiệm để biết thế giới bên ngoài có gì khác biệt. Sau khi được mẹ đồng ý, tôi đã xách ba lô lên TP.HCM - nơi vẫn được mệnh danh là thành phố hoa lệ” - anh Hiệu bộc bạch.

Ngoài việc trồng sen lấy hoa cung cấp cho các chợ đầu mối, cửa hàng hoa tươi, anh HỒ CÔNG HIỆU đang tập trung phát triển cây giống sản phẩm nước ép, rượu hoa sen Đa Lộc.

Trước khi đi, anh đã dự tính sẽ học một cái nghề vừa là sở trường, sở thích, vừa để sau này mưu sinh. Và anh chọn học nghề bếp trưởng điều hành tại Trung tâm Dạy nghề hướng nghiệp Á Âu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Sau khi học xong, anh xin vào làm việc tại một nhà hàng Âu chuyên phục vụ thực khách là người nước ngoài ở TP.HCM. Một lần tình cờ, anh bắt gặp vị khách nước ngoài đem theo hoa sen Đa Lộc đến nhà hàng để chế biến món ăn. Bông hoa cứng cáp, màu sắc bắt mắt, lại có thể ăn được nên đã thu hút anh Hiệu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Trong thời gian làm bếp, anh bắt đầu tìm hiểu về loài hoa này. Hoa sen Đa Lộc có tên khoa học Nicolai Editor, thuộc họ gừng, có nguồn gốc ở một số nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Ưu điểm của loài hoa này là cho hoa liên tục. Những cây trồng từ 1-2 năm tuổi, 1 bụi có thể cho từ 20-50 bông/năm. Vì lẽ đó, hoa sen Đa Lộc được trồng để trang trí. Bên cạnh đó, hoa sen Đa Lộc còn mang đến nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, được chế biến thành các món ăn như: trộn gỏi, xào, salad, lẩu; nước ép từ quả sen Đa Lộc… Tại Malaysia, hoa sen Đa Lộc còn được sử dụng để gia tăng hương vị cho món laksa (một món mì đặc biệt) và nhiều món ăn địa phương khác.

Ngoài hoa, lá của cây có thể dùng gói bánh; thân cây sen Đa Lộc phơi khô hoặc sấy thành sợi dùng để đan lát và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Phần thân rễ có thể được dùng làm thuốc nhuộm mày vàng… Qua tìm hiểu, anh Hiệu thấy cây sen Đa Lộc khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực Đông Nam bộ. Cây cho hoa quanh năm và tuổi thọ của cây kéo dài khoảng 15 năm.

Năm 2019-2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, anh nghỉ làm ở TP.HCM để về quê tránh dịch. Đây là thời điểm anh tập trung tìm nguồn nhập cây giống về trồng thử nghiệm theo hướng an toàn (không sử dụng phân, thuốc hóa học…).

Từng bước hiện thực hóa ước mơ

Mặc dù đã nhập cây giống về trồng thử nghiệm nhưng nhiều người vẫn chưa biết đến lợi ích của hoa sen Đa Lộc nên anh Hiệu luôn thận trọng, vừa làm, vừa thăm dò nhu cầu của thị trường.

Anh Hiệu cho biết, khoảng 8 tháng trồng và chăm sóc, những cây sen Đa Lộc đầu tiên cho hoa. Khi thu hoạch, anh đem hoa đi chào hàng tại các chợ, cửa hàng kinh doanh hoa tươi; đăng tải trên trang Facebook, Zalo cá nhân để giới thiệu loài hoa này đến với người tiêu dùng.

Hoa sen Đa Lộc có ưu điểm giữ được lâu, có thể chưng từ 5-7 ngày. Hoa có màu đỏ, dùng trang trí sẽ mang ý nghĩa tài lộc, may mắn… nên được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Điều đặc biệt của loài hoa này là sau khi chưng có thể phơi khô làm trà hoặc ngâm đường dùng làm nước giải khát…

Huyện đoàn Xuân Lộc hỗ trợ anh Hồ Công Hiệu trưng bày, giới thiệu hoa sen Đa Lộc và một số sản phẩm chế biến từ hoa sen Đa Lộc tại Ngày hội Thanh niên nông thôn sáng tạo, khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức năm 2023

Sau một thời gian đưa hoa ra thị trường, anh Hiệu đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa sen Đa Lộc. Đến nay, anh sở hữu trên 1ha sen Đa Lộc, cho thu nhập bình quân mỗi tháng từ 20-30 triệu đồng. Bên cạnh việc trồng sen cung cấp hoa tươi cho các cửa hàng hoa tươi, chợ đầu mối, anh Hiệu còn mày mò nghiên cứu cách nhân giống sen Đa Lộc.

Theo anh Hiệu, ngoài các nhà vườn, nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua cây để làm kiểng. Việc mua cây giống từ nước ngoài là rất khó khăn, giá thành khá cao nên anh đã mày mò nghiên cứu cách nhân giống sen Đa Lộc. Ngoài nhân giống sen Đa Lộc màu đỏ, anh tìm hiểu thêm về hoa sen Đa Lộc màu trắng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Anh Hiệu cho hay, trong năm 2022, anh chủ yếu bán lẻ cây giống sen Đa Lộc qua mạng xã hội cho người dân trồng làm kiểng. Từ năm 2023, anh tập trung sản xuất cây giống để bán sỉ cho các nhà vườn. Hiện anh đã cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa sen Đa Lộc cho một số nhà vườn tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung. Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho các nhà vườn lấy số lượng lớn cây giống, anh Hiệu hỗ trợ các nhà vườn thanh toán trước 50% tổng số tiền mua giống, phần còn lại sẽ thanh toán sau khi thu hoạch hoa.

Cùng với việc cung cấp hoa tươi, cây giống, anh Hiệu đang tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ hoa sen Đa Lộc như: trà, tinh dầu dưỡng da, rượu, siro, nước ép từ quả của hoa sen Đa Lộc…, nhằm nâng tầm giá trị của sản phẩm hoa sen Đa Lộc, tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho những hộ trồng sen Đa Lộc, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nga Sơn

Tin xem nhiều