Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục thay đổi để thích ứng với trí tuệ nhân tạo

Hải Yến
16:15, 08/02/2024
 

Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến nhiều lợi ích, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với giáo dục.

Các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai đang có nhiều thay đổi để thích ứng với AI.

* Thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo

Là người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất có nhiều năm kinh nghiệm, ông Bá Lực, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hoàn Hảo thấy rất rõ tác động của AI đối với ngành Thiết kế. Theo ông Lực, AI ra đời đã thay đổi khoảng 90% công việc của người làm thiết kế. Trước đây, nếu như thiết kế 1 công trình nội thất có thể mất từ 2-4 ngày, thậm chí 1 tuần thì hiện nay, với việc ứng dụng AI, thời gian thiết kế chỉ tính bằng phút.

“Nếu bạn nào có kỹ năng phác họa tốt (bằng tay hoặc bằng máy) thì sau khi phác họa và “trao quyền” cho AI, chỉ cần 1 phút sau đã có bản thiết kế. Trong thiết kế nội thất, việc phản ánh ý tưởng bằng hình ảnh, ánh sáng, phối cảnh 3D, màu sắc là lâu nhất. Nhưng công việc này hiện đã được AI hỗ trợ. Như vậy, phần việc quan trọng còn lại mà người thiết kế nội thất cần làm là phải biết tối ưu về giá và triển khai công trình cho khách hàng” - ông Lực giải thích.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành thiết kế trên máy tính
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành thiết kế trên máy tính

 

Dù AI có thể thay thế đến 90% công việc thiết kế nhưng ý tưởng về mặt bằng, bố trí triển khai thì không thể thay cho con người được. Do đó, theo ông Lực, các ngành đào tạo về thiết kế nội thất nói riêng và ngành Mỹ thuật ứng dụng nói chung cần phải chú trọng dạy về kỹ năng vẽ tay, ý bố cục, màu sắc cho người học. Nếu người thiết kế làm tốt khâu phác họa thì AI có thể đưa ra bản thiết kế 3D hoàn thiện lên đến 90% so với yêu cầu, thậm chí hơn 90%.

Người dùng cần có kiến thức nền để chọn lọc được những kiến thức đúng khi sử dụng ChatGPT. Muốn có câu trả lời tốt thì người dùng phải đặt được những câu hỏi hay.

Từ thực tế công việc, ông Lực cho rằng các trường dạy về mỹ thuật ứng dụng cần cập nhật giáo trình đào tạo, trong đó cần có nội dung về ứng dụng AI trong thiết kế nội thất, kiến trúc; có thể mời các kiến trúc sư, nhà thiết kế có kinh nghiệm thực tiễn về dạy học, hướng dẫn cho sinh viên.

Không chỉ các ngành thiết kế mỹ thuật ứng dụng, AI đang có tác động, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến giáo dục. Việc ứng dụng AI hợp lý mang lại hiệu quả cho cả người học, người dạy lẫn nhà quản lý. Trong đó, người học có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại; đồng thời, có thể cá nhân hóa việc học tập của mình.

Chẳng hạn, với việc sử dụng các app học tiếng Anh, người học có thể tự học theo một lộ trình riêng và không cần giáo viên hỗ trợ. Trên thực tế, với công nghệ học máy (machine learning), các app dạy ngoại ngữ rất hữu ích cho người học trong việc rèn kỹ năng nghe - nói.

Từ khi ra đời đến nay, ChatGPT vẫn chưa vơi sức nóng. Bằng cách sử dụng ChatGPT, người học có thể đưa ra các câu trả lời mang tính gợi ý, sáng tạo; đồng thời, có thể tổng hợp kiến thức cần thiết. Không chỉ người học, các giáo viên cũng bị hấp dẫn bởi ứng dụng công nghệ này. Nếu biết cách sử dụng hợp lý, ChatGPT có thể hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giảng. Tuy nhiên, người dùng cần phải có kiến thức nền để chọn lọc được những kiến thức đúng.

* Đưa AI vào giảng dạy

Để thích ứng với AI, các trường học trên địa bàn Đồng Nai đã cập nhật chương trình đào tạo; trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phù hợp với yêu cầu đổi mới công nghệ.

PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông (MIT University) cho biết, trường đã đưa môn học Nhập môn AI, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mới vào nhóm các môn học đại cương, đồng thời đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh.

Sinh viên, học sinh trải nghiệm AI-Robotics tại Phòng AI Lab của Trường đại học Lạc Hồng
Sinh viên, học sinh trải nghiệm AI-Robotics tại Phòng AI Lab của Trường đại học Lạc Hồng

Trong khi đó, AI đã trở thành ngành đào tạo mới thuộc Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng. Ngành học này tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ điện tử và AI vào lập trình robot, hướng đến sự “thông minh” của bộ não robot và các hệ thống tự động sử dụng robot thông minh phục vụ đời sống.

Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học máy tính, hệ cơ sở dữ liệu và công nghệ điện tử - viễn thông; tin học kỹ thuật; quản trị học, đại số tuyến tính... Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kiến thức chuyên ngành về AI; các phương pháp tính toán của AI; xử lý ngôn ngữ tự nhiên; am hiểu ngôn ngữ lập trình; quy trình phát triển phần mềm theo ứng dụng AI. Đặc biệt là AI trong lập trình và điều khiển robot; có khả năng lập trình phần mềm và robot ứng dụng AI…

Trường đại học Lạc Hồng cũng đã xây dựng phòng AI Lab nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động và nghiên cứu ứng dụng AI trong giáo dục. Không chỉ là không gian dành cho sinh viên, AI Lab của Trường đại học Lạc Hồng còn dành cho cả học sinh từ tiểu học đến THPT. Tại không gian học tập này, người học có cơ hội trải nghiệm với các mô hình AI; chương trình học được cá nhân hóa theo mức độ tiếp nhận, năng lực của từng người.

Trường đại học Lạc Hồng cũng kết hợp dịch sách, Việt hóa giáo trình đào tạo AI-Robotics cho học sinh, sinh viên hệ không chuyên và đã tổ chức các workshop phổ cập kiến thức và trải nghiệm AI-Robotics cho mọi lứa tuổi.

Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cũng có nhiều đầu tư về công nghệ thông tin, trong đó đầu tư và nâng cấp phần mềm giảng dạy Electude, Phòng Thực hành thực tế ảo 3D (Zspace), Phòng Thi ngoại ngữ trực tuyến Itest; phần mềm chống đạo văn, phần mềm chống gian lận trong thi cử. Nhà trường cũng đầu tư thêm phần mềm Amis WeSign phục vụ, quản lý công việc, giúp giảng viên và cán bộ làm việc mọi lúc mọi nơi, số hóa văn bản, giảm tải trên 80% văn bản giấy.

Hải Yến

Tin xem nhiều