Báo Đồng Nai điện tử
En

Mơ về đường hoa dài nhất Việt Nam

Phương Liễu
19:46, 01/02/2024

Rồi một ngày không xa, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cảm giác thích thú khi có thể ngồi trên tàu lửa ngắm đường hoa hai bên chạy suốt dọc dài Việt Nam.

Một đoạn đường sắt ở TP.HCM được trồng hoa đã lâu, đến nay tạo thành cung đường hoa rất đẹp

Để tạo điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, cũng như quảng bá hình ảnh thân thiện về đất nước và con người Việt Nam, phong trào “Đường tàu - đường hoa” đã được ngành đường sắt Việt Nam khởi xướng, tạo sự hào hứng không chỉ cho đội ngũ nhân viên ngành đường sắt, mà còn cho người dân sống dọc theo hai bên đường tàu.

Mỗi cung đường - một loại hoa

Hiện nay, nhiều người chọn đi tàu hỏa vì muốn trải nghiệm ngồi tàu ngắm cảnh các vùng miền theo dọc chiều dài đất nước. Từ đó đã nhen nhóm hình thành ý tưởng “Đường tàu - đường hoa” của ngành đường sắt.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay, phong trào là để hưởng ứng chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ đến năm 2025 và “Đường tàu - đường hoa” là một trong nhiều ý tưởng làm mới diện mạo, tạo hình ảnh thân thiện và gần gũi với thiên nhiên của ngành đường sắt Việt Nam.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, tuyến đường sắt Việt Nam với hơn 3,1 ngàn km, đi qua 34 tỉnh, thành với nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. Bắt đầu từ tháng 3-2023, phong trào Đường tàu - đường hoa chính thức được phát động tại tất cả các tỉnh, thành có tuyến đường sắt đi qua. Kế hoạch là tại các khu ga, trụ sở làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, các dải đất dọc hai bên đường tàu mỗi địa phương sẽ được trồng hoa một loại hoa mang đặc trưng vùng miền ấy với phương châm “Mỗi cung đường - một loại hoa. Mỗi khu ga - một điểm đến” - giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo hoa trồng đặc trưng. Kỳ vọng về lâu dài sẽ hình thành đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương, đến với Việt Nam, qua đó giúp quảng bá hình ảnh và du lịch Việt Nam.

Vườn hoa tại một trạm gác trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) luôn rực rỡ vì được các nhân viên chốt gác chăm sóc thường xuyên

“Hiện nhiều đoạn đường hoa trồng từ tháng 3-2023 đến nay đã phát triển rất tốt, đang kết nối với nhau thành cung đường với nhiều loại hoa, nhiều màu sắc. Sẽ thật thú vị khi ngồi trên tàu, hành khách đã có thể ngắm hoa và biết được mình đang ở địa phương nào khi nhìn thấy loại hoa đặc trưng của địa phương đó qua lời giới thiệu của nhân viên từ hệ thống loa trên tàu” - ông Mạnh chia sẻ.

“Chúng tôi hy vọng các tổ chức, cá nhân, trường học, hội, đoàn thể cùng người dân tham gia phong trào Đường tàu - đường hoa qua hình thức đóng góp cây giống, trồng và chăm sóc hoa, để góp phần làm nên kỳ tích “Đường hoa dài nhất Việt Nam” - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ĐẶNG SỸ MẠNH bày tỏ.

Đồng Nai, đường tàu đợi một mùa hoa…

Đồng Nai là một trong 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua với chiều dài 87km, có 2 nhà ga lớn là ga Biên Hòa và ga Long Khánh, 32 trạm gác chắn đường tàu. Ngày 7-10-2023, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn đã phối hợp với Sở GT-VT và UBND H.Xuân Lộc tổ chức trồng hàng chục cây hoa huỳnh liên, hoa giấy hai bên đường tàu từ km1628+800 đến km1629+300 - đoạn qua xã Xuân Trường.

Là người tham gia trồng những cây hoa đầu tiên trên những dải đất ven đường tàu trước nhà, bà Trần Thị Thuận (ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) rất vui khi biết, chỉ ít tháng tới đây, từ trong nhà nhìn ra đường tàu trước mặt bà sẽ thấy những cây hoa huỳnh liên nở hoa vàng sân.

“Trước đây, đường tàu trước nhà tôi không có cây xanh, nhìn ra chỉ thấy đường tàu khô khốc. Nay ngành đường sắt tổ chức trồng hoa là ý tưởng rất hay. Hiện những cây hoa huỳnh liên mới trồng còn nhỏ và thưa thớt, nhưng sau này cây hoa lớn lên sẽ liên kết với nhau từ đoạn này đến đoạn kia theo cung đường tàu sẽ rất đẹp, lại hạn chế tình trạng người dân lén mang rác ra đổ gây mất vệ sinh môi trường” - bà Thuận hào hứng cho biết. 

Cũng nhiều tháng qua, hành khách vào ga Biên Hòa hoặc qua trạm gác chắn nơi đường sắt giao với đường bộ ở TP.Biên Hòa đã thấy nhiều nơi hoa mọc lên rất đẹp. Những dải đất quanh trạm gác chắn, những phần sân trạm, chỗ gác chắn đã có mặt của nhiều vườn hoa lớn, luống hoa nhỏ và cả những chậu hoa rực rỡ khiến cho đường tàu, trạm gác chắn cũng bớt khô khan, xơ cứng.

Trong số các trạm gác chắn thực hiện phong trào Đường tàu - đường hoa trồng nhiều hoa, cây xanh khá đẹp phải kể đến trạm gác chắn tại km1695+085 - trạm gác chắn ở đoạn giao nhau với đường Dương Tử Giang (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Từ gác chắn kéo dài ra hai bên khoảng vài chục mét, nơi này đã được phủ đầy các loại hoa: sao nhái vàng, sao nhái cam, hoa mua tím, hoa chiều tím, mười giờ, sam kiểng… khoe sắc bên đường tàu. Tại khoảnh sân nhỏ ở trạm gác chắn, những chậu hoa đủ loại đua nhau khoe sắc: hoa hồng, cẩm tú cầu xanh, hoa cúc, hoa trang...

Chị Lê Thị Thúy Hằng, nữ nhân viên tại trạm gác chắn ở đoạn giao nhau với đường Dương Tử Giang (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), ngoài lúc đợi tàu chị lại đi thăm vườn, chăm sóc hoa quanh trạm

Chị Lê Thị Thúy Hằng, có 18 năm làm nhân viên trạm gác chắn này cho biết, công việc trực chốt vốn rất áp lực, xung quanh lại chỉ có đường tàu, gác chắn, còi báo và những tiếng rầm rập của bánh sắt nghiến trên đường ray khô khốc... Từ khi phong trào Đường tàu - đường hoa được ngành phát động, nhân viên chia nhau ra làm đất, mua hoa, hạt giống hoa về trồng rồi ngày ngày cắt tỉa, phân nhánh để nhân vườn hoa của mình thêm dày, thêm dài, thêm rực rỡ…

 “Trước kia, thời gian đợi tàu đến em thường lướt điện thoại, nghe nhạc. Bây giờ, ngoài thời gian trực chốt, canh tàu, chị em còn thay phiên nhau chăm sóc cho hoa. Việc này rất ý nghĩa khi cùng góp phần giúp cảnh sắc ven đường trở nên tươi đẹp, xanh mát hơn, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đi tàu” - chị Hằng cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Phòng, nhân viên trực gác chắn tàu tại km1697+710 trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) sáng nào cũng tưới cho dàn cây xanh, hoa lá ở quanh trạm. Vì khu vực đường ray gần trạm này được rải đá nên khó trồng hoa, những nhân viên ở đây xin những chậu cũ, thùng xốp để trồng hoa. Bây giờ thì chốt gác nơi ông làm việc đã có cả chục loại hoa. Những bông hoa như những bàn tay nhỏ khẽ khàng “vẫy chào” mỗi khi đoàn tàu đi qua.

Có mặt tại buổi trồng hoa ở cung đường tàu qua xã Xuân Trường hôm 7-10-2023, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện ngành đường sắt không có nhiều kinh phí để trồng hoa diện rộng nên việc trồng và chăm sóc theo chủ trương xã hội hóa. Thực tế trên cung đường sắt 87km chạy qua địa bàn Đồng Nai, nhiều nơi người dân đã tự trồng hoa giấy, hoa tigôn, hoa sử quân tử trước nhà ven hai bên đường tàu rất đẹp.

Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Hà Duy Thạch cho biết, làm một tuyến đường hoa dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam là quá tốt. Theo ông, những hành lang rộng có thể trồng các loại cây tán rộng, cây có hoa vừa có thể tạo mảng xanh, vừa giúp làm đẹp cảnh quan. Ở khu vực hẹp thì trồng những loại cây thấp, nhỏ và có hoa quanh năm như: mười giờ, hoa hồng, hoa cúc… Trong đó, chú ý trồng một loại hoa để tạo mảng màu nhất quán chứ không trồng xen kẽ nhiều loại hoa, nhiều màu sắc sẽ tạo nên sự lộn xộn. Khi có những mảng xanh được thiết kế đồng đều sẽ tạo được cảnh quan mới, đồng bộ và đẹp mắt hơn.    

Phương Liễu

Từ khóa:

du khách

đường hoa

Tin xem nhiều