Trong số 50 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại Đồng Nai, có những DTTS chỉ có 1 hoặc vài cá nhân trong cộng đồng.
Ông Sùng Seo Lùng (bìa trái) và ông Thào A Quân (thứ 2 từ trái sang) nhận tuyên dương gương người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hồ Thảo |
Tuy ít nhưng họ không đơn độc, bởi bên họ luôn có cộng đồng các dân tộc anh em cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
* Hơi ấm tình thân
Sau nhiều lần chọn nơi sinh sống, năm 1994, ông Lý Sy Niềm chọn xã Xuân Tân, H.Long Khánh (nay là P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) làm nơi gắn bó lâu dài. Một mình tại nơi ở mới, người thanh niên dân tộc Dao khi ấy tự cảm thấy mình tách biệt với bà con xung quanh. Nhưng dần dần, nhờ sự chân thành và tình nghĩa lối xóm tắt đèn có nhau nên ông cùng hàng xóm nhanh chóng thân tình.
Ông Niềm kể, ngày đó những nhà làm rẫy, ruộng hay đổi công cho nhau. Nhờ vậy, qua mấy mùa nông sản là ông có cơ hội đến rẫy ruộng, gặp hầu như tất cả hàng xóm. Ông biết khu đất này, mảnh ruộng kia của nhà ai và ngược lại, bà con cũng biết đến ông cùng gia đình. Tuy khác nhau về thành phần dân tộc, tiếng nói, chữ viết nhưng dần dần mọi người đều trở nên hòa hợp. Điều này khiến gia đình ông dù khác biệt về thành phần dân tộc song nhanh chóng gắn kết với bà con. Đôi khi, bà con còn nhờ ông dạy một số câu tiếng Dao. Ngược lại, ông cũng học từ bạn bè các dân tộc khác những từ quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày.
Đồng Nai hiện là nơi sinh sống của gần 200 ngàn người dân tộc thiểu số. |
Còn ông Sỳ Văn Hưng (ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho hay, ông thuộc dân tộc Sán Dìu. Ấp Tân Thành nơi ông sinh sống có 856 hộ dân, 70% trong số này là đồng bào DTTS gồm: Nùng, Tày, Hán, Thổ, Ngáy, Dao, Khmer. Trong đó, dân tộc Sán Dìu chỉ có mình ông.
Tuy một mình nhưng ông luôn nỗ lực và cùng bạn bè những dân tộc khác xây dựng kinh tế để cuộc sống gia đình ổn định. “Anh em các dân tộc cố gắng động viên nhau dù ở đâu cũng phải cố gắng an cư lạc nghiệp. Để làm được điều này, trước tiên mình phải tự cố gắng, nỗ lực, sau nữa là hàng xóm giúp nhau, chính quyền hỗ trợ” - ông Hưng nói.
Trải qua quá trình rèn luyện bản thân về đạo đức, lối sống, cống hiến cho cộng đồng, năm 2018, ông Hưng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông Hưng hiện là đảng viên duy nhất đại diện cho đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã Thanh Bình. Đồng thời, ông được tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS đại diện cho cộng đồng các DTTS tại địa phương. Đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Bình, ông Hưng còn quan tâm hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình họ.
Đến cuối năm 2023, ông Thào A Quân (dân tộc H’Mông, quê tỉnh Hà Giang) đã có gần 5 năm gắn bó với vai trò công nhân khai thác mủ ở Nông trường Cao su Thái Hiệp Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Là người dân tộc H’Mông xa bản làng, xa người thân nên trong quá trình làm việc tại Đồng Nai, ông không tránh khỏi nỗi nhớ nhà.
Ông Lý Sy Niềm (dân tộc Dao, P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) bên máy pha cà phê bán giải khát trước nhà mình. Ảnh: V.Truyên |
Vượt qua những điều khó khăn của một lao động DTTS di cư vào Đồng Nai mưu sinh, ông Quân luôn nỗ lực phấn đấu trong sản xuất, rèn luyện tay nghề trong khai thác, tận thu tối đa sản lượng trên vườn cây. Qua đó, sản lượng khai thác mủ cao su của ông vượt 160,5% so với kế hoạch được giao. Ông đã được Tổng công ty Cao su Đồng Nai khen thưởng vượt sản lượng các tháng 7, 8 và 9-2023. Thu nhập bình quân của ông được 9,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này, ông dành dụm gửi về cho gia đình.
Ngoài nỗ lực lao động, ông Quân cũng chủ động làm thân với những công nhân khác. Qua mỗi dịp tiếp xúc, giúp đỡ nhau trong công việc, ông được mọi người yêu mến. Vậy nên, dù xa gia đình và một mình, song ông tìm thấy hơi ấm tình thân từ đồng nghiệp cùng gia đình họ.
* Giữ nét riêng, chủ động hòa nhập
Cùng với nỗ lực lao động, những người DTTS xa quê đến Đồng Nai sinh sống còn cố gắng giữ nét riêng của dân tộc mình và hòa nhập với cộng đồng.
Vừa chăm sóc những cây hoa hướng dương để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cho gia đình và tặng hàng xóm, ông Lý Sy Niềm cho hay: “Nhập gia thì tùy tục, đây là điều ai cũng hiểu và làm theo để mình hòa đồng cùng mọi người. Vậy nên, các dịp lễ, Tết của đồng bào người Kinh, tôi đều tham gia, trong đó có đón Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, vui Tết Đoan Ngọ và các ngày lễ lớn khác”.
Ông SÙNG SEO LÙNG và THÀO A QUÂN, dân tộc H’Mông đang sinh sống tại Đồng Nai vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn tuyên dương gương Người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai năm 2023. Còn ông Sỳ Văn Hưng là một trong 6 cá nhân của H.Trảng Bom được UBND tỉnh khen thưởng điển hình tiên tiến tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023. |
Song song đó, ông cố gắng giữ gìn truyền thống của dân tộc, nhất là không để mất ngôn ngữ và chữ viết, một số bài hát truyền thống của cộng đồng. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông dạy các con tiếng của dân tộc mình và cả nhà dùng ngôn ngữ này khi giao tiếp với nhau. Cũng nhờ vậy mà mỗi khi về thăm quê hay gặp người cùng dân tộc, cả nhà đều nghe hiểu, đối đáp được.
Ông còn dạy các con các lễ chính của đồng bào, trong đó quan trọng nhất là lễ cấp sắc - lễ đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên khi tròn 18 tuổi. Lễ này rất quan trọng đối với đồng bào, là nghi thức quyết định sự trưởng thành của người đàn ông.
Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho hay, ông Niềm cùng gia đình còn tích cực chung tay xây dựng quê hương. Như khi trong khu phố tổ chức làm đường giao thông, gia đình ông cùng 4 hộ khác đã đóng góp 5 triệu đồng/hộ, cử thành viên trong gia đình cùng ra san lấp mặt bằng, trộn bê tông để lát đường.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) Sỳ Văn Hưng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tuyên dương là cán bộ hội tiêu biểu. Ảnh: Sông Thao |
Tương tự, ông Sỳ Văn Hưng cũng hòa nhập với nơi mình sinh sống; đồng thời, ông giữ trong tâm trí mình những lễ hội trong năm của người Sán Dìu như: Tết đông chí, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười Tư (14-7 âm lịch), lễ rửa cày bừa… Ông Hưng không chỉ nhớ mà còn thường xuyên nấu những món ăn của người Sán Dìu với những món như: bánh bạc đầu, bánh tày nồng ệp, thịt muối, cháo khoai và nhất là món khâu nhục để góp vui trong những dịp liên hoan, lễ, Tết.
Còn ông Sùng Seo Lùng, người dân tộc H’Mông hiện là công nhân khai thác mủ, Nông trường Cao su Cẩm Đường (xã Cẩm Đường, H.Cẩm Mỹ) luôn nỗ lực phấn đấu trong sản xuất, rèn luyện tay nghề trong khai thác, tận thu tối đa sản lượng trên vườn cây, tham gia tốt các phong trào, các đợt vận động do các cấp tổ chức. Sản lượng khai thác vượt 123 % so kế hoạch.
4 năm gắn bó với Đồng Nai là bấy nhiêu thời gian ông Sùng Seo Lùng học theo phong tục, tập quán mới để cùng vui Tết, vui lễ với mọi người. Đồng thời, ông luôn giữ cho mình bộ trang phục của đàn ông H’Mông trong tủ quần áo; thường xuyên thổi kèn lá, đàn môi, thuộc và hát dân ca dân tộc khi lao động hay lúc đi chơi. Cùng với đón Tết chung với người Kinh, ông còn giữ và thực hành lễ hội Gầu tào - lễ đón năm mới của người H’Mông.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin