Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa xuân đến với Lễ hội chùa Ông cù lao Phố Biên Hòa

Trần Quang Toại
15:30, 01/02/2024

TP.Biên Hòa, đặc biệt cù lao Phố Hiệp Hòa là vùng đất đặc biệt. Một cù lao bốn bề sông nước, đất hẹp nhưng lại có đến trên 20 di tích, cơ sở tín ngưỡng tâm linh, những minh chứng cho sự hiện hữu lâu đời của cư dân các dân tộc trên vùng đất sớm được khai mở vào những năm thế kỷ XVII; cho sự hòa đồng về tín ngưỡng, văn hóa dân tộc.

Quang cảnh chùa Ông mùa lễ hội
Quang cảnh chùa Ông mùa lễ hội

Từ những cơ sở tín ngưỡng linh thiêng ở cù lao Phố…

Đại Giác cổ tự, do nhà sư Thành Đẳng cùng cư dân Việt từ Ngũ Quảng vào xây dựng năm 1665, cho thấy sự hoằng hóa Phật pháp đến với vùng đất này khá sớm. Đình Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, ghi công người có công lớn trong việc dựng xây thiết chế hành chính vùng đất mới. Ghi nhớ công ơn bậc “Tiên Hiền đặc biệt”, nhân dân địa phương đưa linh vị Ông vào phụng thờ ở đình Bình Kính sau khi ông qua đời năm 1700 và đổi thành đình Nguyễn Hữu Cảnh.

Năm 1679, cộng đồng người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên Tổng binh Cao, Lôi, Liêm vì biến động của lịch sử ở chính quốc, không thần phục nhà Thanh (Trung Hoa) vào Biên Hòa cù lao Phố. Ông trở thành người của các chúa Nguyễn, có công lớn trong việc an dân. Tín ngưỡng thờ Quan Công và chư thánh thần theo phong tục của người Hoa được người Việt và các dân tộc tiếp thu. Và Thất phủ cổ miếu được kiến lập năm 1684 là minh chứng cho sự hòa hợp, đồng cảm và giao lưu văn hóa của cộng đồng người Hoa - người Việt ở địa phương. Người dân địa phương gọi tên chùa Ông vì vậy.

Trải qua 340 năm với biết bao biến động lịch sử, chùa Ông qua 5 lần trùng tu, không khỏi có nhiều thay đổi, nhưng cốt lõi kiến trúc với chất liệu bằng đá, gỗ Biên Hòa vẫn hiện hữu, những công trình mỹ thuật gốm từ trên mái diềm của chùa đến các bao lam, hoành phi, câu đối, ban thờ, khán thờ đều thể hiện lòng tôn kính của bá tánh với Đức Ông Quan Công - người được xem như biểu trưng cho những phẩm chất rất gần gũi với đạo đức truyền thống người Việt theo tư tưởng Nho giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm…

Cù lao Phố thời cận hiện đại cũng là vùng đất căn cứ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến. Nhiều cơ sở tín ngưỡng dân gian là cơ sở giúp đỡ cho cách mạng.

Đến Lễ hội chùa Ông

Chùa Ông cù lao Phố Biên Hòa ngày nay không chỉ là cơ sở thờ tự của người Việt gốc Hoa địa phương, mà của bá tánh trong tỉnh, ngoài tỉnh, đã được Bộ VH-TTDL công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2001 xuất phát từ quá trình hình thành và những nét kiến trúc độc đáo.

Từ năm 2013, khi Lễ hội chùa Ông được khôi phục, trừ 2 năm dịch bệnh Covid-19 (2020-2021), lễ hội đã liên tục được tổ chức hàng năm từ mùng 10 đến 13 tháng Giêng với nhiều nghi lễ truyền thống, hoạt động hội phong phú, thu hút hàng trăm ngàn người dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Tháng 11-2023, Bộ VH-TTDL đã ra quyết định đưa Lễ hội chùa Ông Biên Hòa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thêm một điều kiện và cơ sở để lễ hội hàng năm được tổ chức chu đáo hơn, mở rộng quy mô và nội dung cùng với các di tích quốc gia, lễ hội khác ở TP.HCM, Bình Dương hình thành một sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh có giá trị.

Năm 2024, Lễ hội chùa Ông có nét mới là có sự tham dự của nhiều đoàn khách nước ngoài. Đó là những quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á có các miếu, điện thờ Quan Thánh như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, làm cho lễ hội thêm màu sắc và thể hiện sự lan tỏa tín ngưỡng dân gian của lễ hội.

 Phần lễ không chỉ diễn ra tại Thất phủ cổ miếu, mà còn diễn ra ở các di tích như: đình Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, đình Bình Quan, miếu Tổ sư (Bửu Long), miếu Thiên hậu Thánh mẫu Biên Hòa, Phụng Sơn Tự Biên Hòa với nghi thức truyền thống: Đoàn đại diện Ban Trị sự Thất phủ đến từng cơ sở tín ngưỡng này để dâng hương và thỉnh kim thân, linh vị các vị thần về chùa Ông cùng dự lễ và tham gia lễ nghinh thần xuất du.

Sáng mùng 10 tháng Giêng, lễ nghinh thần tuần du được tổ chức cả trên tuyến đường sông và đường bộ. Các đoàn của Thất phủ, các hội quán trong trang phục truyền thống, các khách mời trong và ngoài nước, từ bến sông trước chùa Ông xuống sà lan rẽ sóng trên sông Đồng Nai hướng về bến sông Phụng Sơn Tự. Nơi đây, các đoàn còn lại cũng tập kết xuống các sà lan hợp cùng đoàn thứ nhất ra sông Đồng Nai. Cả đoàn thuyền 8 chiếc được trang hoàng cờ hội rực rỡ, với tiếng chiêng, trống lân rộn ràng hướng về Bửu Long, sau đó quay thuyền trở lại bến sông Phụng Sơn Tự.

Cảnh sắc tuyệt vời, trời trong mây trắng, các đoàn thuyền đi, về trong tiếng trống, chiêng vang động cho ta hình dung như cách đây trên 300 năm các đoàn thuyền của Tổng binh Trần Thượng Xuyên, của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tiến vào cập bến sông Phước Long thuở nào thực thi nhiệm vụ mở cõi ở vùng đất mới.

Theo đường Cách Mạng Tháng Tám, đoàn tuần du tiến về hướng chợ Biên Hòa. Các đội lân, hẩu, sư, rồng cùng những hóa trang thất tiên, Phật Bà Quan Âm, Kim Hoa nương nương, Tề thiên đại thánh, những hình tượng Tứ đại thiên vương, Phúc Lộc Thọ, Na Tra, thần tài… tuần du trong tiếng nhạc với những động tác sinh động… Người dân như đang dự một đại cảnh biểu diễn “nghệ thuật” trên đường phố. Những bàn thờ của các hội quán người Hoa, những bàn thờ dọc hai bên đường phố chợ Biên Hòa khi đoàn qua cho thấy lòng ngưỡng vọng đức Ông và chư thánh thần.

Đến với lễ hội, ngưỡng vọng tiền nhân, mọi người như lắng lòng với nén hương thơm tỏa khói nguyện cầu với gói gạo “Lộc Ông” mong bình an, sung túc cả năm. Đêm khai lễ trang trọng tưng bừng với chào mừng của lãnh đạo tỉnh, với chương trình nghệ thuật “Nhơn Nghĩa Thiên Thu” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, tri ân các bậc tiền hiền mở cõi.

Đến lễ hội, nhân dân còn được thưởng thức các chương trình đờn ca tài tử, các tiết mục diễn tuồng cổ của Đoàn Huỳnh Long và chương tình biểu diễn lân sư, rồng đặc sắc, các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn võ thuật cổ truyền...; thưởng thức trưng bày tranh Quan Công và thưởng lãm nghệ thuật thư họa, thư pháp do các nghệ nhân, họa sĩ trong nước và quốc tế biểu diễn.

Sáng 13 tháng Giêng, sau lễ cúng Trời cầu an theo nghi thức Phật giáo, mọi người cùng tham gia lễ thả phúc khí cầu tại sân chùa. Rồng vàng - vật thiêng được kết từ những quả bóng bay cùng hơn 60 chùm bong bóng đủ màu sắc mang theo bao nguyện ước của bá tánh (ghi vào giấy và gắn vào các chùm bong bóng) cầu cho gia đình an khang, sung túc, hạnh phúc cả năm.

Chiều tối cùng ngày, lễ thả hoa đăng với bảy hoa đăng lớn tượng trưng cho Thất phủ và hàng ngàn hoa đăng lớn nhỏ được thả trôi theo dòng sông Đồng Nai với nguyện ước xua tan tai ương, dịch bệnh để cuộc sống an bình trong năm mới.

Lễ hội chùa Ông kết thúc với những hoạt động lễ, hội truyền thống, vừa trang nghiêm, vừa vui tươi, mọi người như hòa mình vào không gian mùa xuân, trầm mặc suy tư cảm nhận sự hợp nhất Thiên - Địa - Nhân và tự hỏi làm gì và làm thế nào để cuộc sống này đáng sống, làm gì và làm thế nào để trở thành người tốt với những việc làm tốt đẹp trong tương lai…      

Trần Quang Toại

Tin xem nhiều