Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mùa Xuân mở cõi

Huỳnh Văn Tới
16:12, 01/02/2024

Mùa xuân bắt đầu của mỗi năm, cũng thường là bắt đầu của nhiều sự kiện. Sự kiện “mở cõi” ở vùng đất phương Nam không phải ngẫu nhiên thường gắn với mùa xuân. Vui xuân này, nhớ những xuân xưa. Ấy là đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng là thói quen của niềm vui ngày Tết.

Lễ hội ở đình Tân Lân (TP.Biên Hòa), nơi thờ danh tướng Trần Thượng Xuyên. Ảnh: Lâm Cón

Xuân của những hải trình

Mùa xuân là trạng thái của tự nhiên, một trong bốn mùa mỗi năm. Trên thế giới, xưa đến nay, mùa xuân được xác định khung thời gian khác nhau. Ở Nam bán cầu, xuân đến chậm hơn Bắc bán cầu, khi Bắc bán cầu mùa xuân thì Nam bán cầu đã vào thu.

Việt Nam cùng với các nền văn minh nông nghiệp lúa nước xác định mùa xuân như ở Trung Hoa, theo âm lịch, tính từ ngày diễn ra tiết lập xuân (khoảng ngày 5-2) đến tiết lập hạ (khoảng ngày 5-5), còn không khí cận sau ngày Tết Nguyên Đán.

Do thời tiết và khí hậu, mùa xuân gợi đến cảm xúc về sự tái sinh, tươi mới, “thanh xuân”. Càng về hướng Nam, xuân càng đẹp. Vùng đất phương Nam của Việt Nam dễ chịu hơn ở xứ Trung, xứ Bắc.

Vào mùa này, vạn vật như thay áo mới; nơi lục địa thực vật đâm chồi, nở hoa thuận cho sum vầy, lễ hội; ở đại dương sóng yên, gió lặng, thuận cho ngư nghiệp, hải trình. Người đi biển thường chọn thời gian đẹp trong mùa xuân (tháng Ba bà già đi biển). Các cuộc hải trình lịch sử thường diễn ra trong mùa xuân.

Châu Đạt Quan - tác giả Chân Lạp phong thổ ký ghi chép cuộc hành trình đến xứ sở Chân Lạp năm 1296-1297: Mùa xuân, lái thuyền buồm theo hướng Tây - Nam rồi chính Nam, từ xứ Chàm (Bình Định), khi thuận gió trong 15 ngày có thể đến Chân Bồ (Vũng Tàu).  Nhà truyền giáo Dòng tên người Ý Christoforo Borri cũng nêu rõ trong tác phẩm của mình: Ông cùng với linh mục Pedro Marques chọn thời điểm thuận lợi vào tháng Tư năm 1618 (mùa xuân) từ Ma Cao đi thuyền buồm đến Hội An (Đàng Trong), rồi từ Hội An cùng với 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina đến lập cơ sở truyền giáo tại Bình Định cũng vào mùa xuân năm ấy.

Vậy nên, những cuộc hải trình thời Chúa Nguyễn vào khẩn hoang vùng đất phương Nam thường vào mùa xuân là hợp lý, thuận thời.

Cuộc hôn nhân khai mở

Nói đến mở cõi phương Nam, thường nhắc đến Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng đó không phải là sự mở đầu. Có thể nói, mở đầu từ ý tưởng của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, được các chúa Nguyễn tiếp nối hướng về phương Nam, dần dần định danh biên giới Đàng Trong đến dinh Trấn Biên (Phú Yên) 1629-1688. Năm 1620, cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn được xem là sự khai mở hoạt động sinh sống của người Việt ở vùng đất thuộc Nam bộ ngày nay.

Chính sử triều Nguyễn (Đại Nam liệt truyện) chỉ ghi “hoàng nữ Ngọc Vạn là em cùng mẹ với hoàng tử trưởng Kỳ (tức Nguyễn Phúc Nguyên). Từ nhiều nguồn tài liệu tin cậy khác, công nữ Ngọc Vạn được biết đến: Sinh khoảng năm 1605, xinh đẹp, tài giỏi, đức độ; năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chân Lạp Preachey Cheychetta II để nối bang giao 2 nước. Công nữ Ngọc Vạn được vua Chân Lạp sủng ái, tin cậy, phong tước vị hoàng hậu và thường nghe theo lời nàng.

Hoạt cảnh truyền thống tại lễ kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-2023)
Hoạt cảnh truyền thống tại lễ kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-2023)

Từ cuộc hôn nhân “đối ngoại“ này, làm xuất hiện ngày càng nhiều người Việt Đàng Trong đến làm ăn, buôn bán, định cư, hình thành dinh điền người Việt ở Mô Xoài (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và một ít cư dân Việt rải rác ở xứ Đồng Nai. Năm 1623, vua Preachey Chetta II cũng đồng ý cho chúa Nguyễn lập tuần ty (trạm thu thuế) ở Prey Kor (khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn) và Krobey (ở Bến Nghé).

Năm 1628, vua Preachey Chetta II qua đời, triều đình Chân Lạp biến loạn, nội chính rối ren, hoàng tộc tranh giành quyền lực; vị hoàng hậu trẻ mất chồng, khóc con, giữ mình trong nước mắt.  Bằng tấm lòng và uy đức của mình, công nữ Ngọc Vạn tìm cách giúp đỡ các lực lượng thân Việt, năm 1674, xin chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần hỗ trợ Ang Sor (Nặc Ông Thu) lên làm Chính vương, Ang Nan (Nặc Ông Nộn) làm đệ nhị vương. Ngọc Vạn theo đệ nhị vương Nặc Ông Nộn về sống ở Prey Kor (Sài Gòn). Sau đó, không thấy tài liệu nào nhắc đến nữa.

Chuyện truyền khẩu dân gian kể rằng, sau một thời gian ở Prey Kor, công nữ Ngọc Vạn về sống cùng cộng đồng người Việt ở Mô Xoài, lập am ẩn tu; sau đó lên núi Chứa Chan lập chùa Đất Sét. Có chuyện kể rằng, sau năm 1895, nghe nói có quốc sư Nguyên Thiều lập chùa Kim Cang ở Bình Thảo (thuộc H.Vĩnh Cửu), bà tìm đến thọ pháp. Ở đó một thời gian, bà bị bệnh, mất, an táng trong khuôn viên chùa Kim Cang, thọ hơn 90 tuổi; mộ táng hợp chất còn đó, sau này nhà chùa xây bao thành tháp bằng vật liệu mới. Chuyện truyền khẩu dân gian chưa được kiểm chứng, nhưng lòng dân Nam bộ thì đã rõ, luôn tưởng nhớ và tri ân một nữ tiền hiền đã góp công vào sự nghiệp khai mở vùng đất phương Nam.

Không rõ công nữ Ngọc Vạn về nhà chồng vào thời điểm nào, có phải vào mùa xuân mở đầu năm 1620? Nhưng cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn có ý nghĩa khai mở cuộc sống người Việt ở Nam bộ như mùa xuân của vạn xuân.

Mùa xuân Kỷ Mùi (1679) rạng danh cù lao Phố

Sách Đại Nam liệt truyện ghi rõ, mùa xuân Kỷ Mùi, 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên tự là Thắng Tài, cùng với Long môn Tổng binh Dương Ngạn Địch không chịu làm tôi nhà Thanh, đem biền binh, gia quyến hơn 3 ngàn người với hơn 50 chiến thuyền đến đổ ở cửa biển Tư Hiền (Đà Nẵng) bày tỏ ý nguyện xin được sinh sống tại Đại Nam. Chúa Nguyễn Phúc Tần bàn trong triều đình, thuận cho Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình đưa gia binh đến Bàn Lân, định cư, mở đất xây dựng thương cảng cù lao Phố, lập miếu thờ Quan Thánh Đế Quân. Nhóm Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến đến khai khẩn xứ Mỹ Tho. Cùng thời gian này, Mạc Cửu lập làng, xây dựng xứ Hà Tiên, sau nhiều năm vất vả, đến năm 1708 thần phục chúa Nguyễn, nạp vào bản đồ Đại Nam. Từ đó, người Hoa cùng người Việt và các dân tộc bản địa hội nhập, chung sống hòa bình, lấy văn hóa làm nhịp cầu kết nối, cùng xây dựng phát triển vùng đất mới.

Xuân Mậu Dần (1698) khai sinh vùng đất phương Nam

Mùa xuân năm Mậu Dần, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lược phương Nam, dùng uy đức thu phục toàn vùng Đông Phố đặt làm phủ Gia Định, phân chia đất Đồng Nai lập H.Phước Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy Sài Gòn làm H.Tân Bình đặt dinh Phiên Trấn; mở đất ngàn dặm, dân hơn 4 vạn hộ, đặt xã, thôn, phường, ấp; khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, sổ đinh… Từ đó, vùng đất mới được khai sinh, quản lý theo thể chế của chúa Nguyễn, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, văn hóa hưng thịnh.

Các em thiếu nhi hòa mình vào không khí lễ hội 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai
Các em thiếu nhi hòa mình vào không khí lễ hội 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai

Mùa xuân 2 năm sau, Canh Thìn (1700) ghi dấu ấn Nguyễn Hữu Cảnh lại vào Nam dẹp loạn giặc Chân Lạp quấy rối biên cương. Nặc Thu bỏ chạy, Nặc Yêm xin hàng; Nguyễn Hữu Cảnh vào thành Nam Vang, vỗ yên dân chúng, giao Nặc Thu ổn định triều chính.

Cũng xuân Canh Thìn ấy, trên đường rút quân về, Nguyễn Hữu Cảnh bạo bệnh, mất trên chiến thuyền; người dân khóc thương vị tướng “vung gươm mở cõi”, lập đền thờ, phụng cúng ở cù lao Phố và nhiều nơi khác.

Mỗi mùa xuân sang, thêm nhiều sắc xuân mới, người Nam bộ mãi nhớ những mùa xuân mở đầu của thời mở cõi. Sắp đến kỷ niệm 330 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình và phát triển, cảm xúc của sự nhớ luôn tươi trẻ như tuổi thanh xuân, thôi thúc mỗi người góp phần cho xứ sở quê hương ngày ngày thêm thắm sắc xuân. 

Huỳnh Văn Tới

Từ khóa:

đất phương Nam

Tin xem nhiều