Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 với những sản phẩm du lịch phát huy tiềm năng vốn có của địa phương, ngành Du lịch Đồng Nai đang chuyển mình để tăng tốc, tạo đà cho du lịch bứt phá với quyết tâm du lịch Đồng Nai sẽ “cất cánh” vào năm 2025.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên hồ tại Khu du lịch Bửu Long - nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long thu nhỏ |
Để chạm tới mục tiêu đó, thời gian qua, du lịch Đồng Nai đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Nổi bật là sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương của tỉnh; sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp làm du lịch và các hộ dân vùng nông thôn trong xây dựng sản phẩm du lịch, đã phát huy những giá trị văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực của Đồng Nai…, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, có bản sắc riêng.
Định hình sản phẩm mới
Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch trong nước và thế giới trở lại với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Nhu cầu về thị trường du lịch đã có sự thay đổi rõ nét. Khách du lịch theo xu hướng khám phá, trải nghiệm và hưởng thụ những giá trị thiên nhiên, di sản và những nét văn hóa truyền thống tại điểm đến. Xu hướng trên đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ du lịch phải có sự chuyển đổi kịp thời để bắt nhịp và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Du lịch Đồng Nai cũng không nằm ngoài những thay đổi tất yếu đó nếu muốn tồn tại và phát triển. Sự nhanh nhạy đó được thể hiện qua những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư cũng như những hỗ trợ của tỉnh với các dự án du lịch. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị làm du lịch được kích hoạt một cách mạnh mẽ và đã đạt được những hiệu quả nhất định, khởi đầu hành trình đánh thức những tiềm năng du lịch của Đồng Nai, tạo quyết tâm thực hiện mục tiêu bứt phá cho ngành Du lịch.
Chèo SUP trên hồ Trị An, trò chơi dưới nước hấp dẫn khách du lịch |
Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến các dự án du lịch đường sông, du lịch sinh thái rừng, du lịch nông nghiệp - nông thôn… được từng bước tháo gỡ, gợi mở những hướng đi mới. Trong đó, đề án phát triển du lịch sinh thái rừng đầu tiên của Đồng Nai tại Khu du lịch sinh thái rừng Thác Mai - bàu Nước Sôi (H.Định Quán) được phê duyệt. Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái rừng, hồ tại các địa phương hình thành, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh... Đặc biệt, mô hình du lịch cắm trại, nghỉ dưỡng tại những vùng nông thôn có cảnh quan hồ, rừng, những làng quê yên tĩnh phát triển khá mạnh, nhiều điểm đến nổi tiếng tại các địa phương: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh… với các sản phẩm nổi bật như: Điểm du lịch cộng đồng Phú Điền Glamping, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… tại H.Tân Phú; Cầu Dầu Glamping tại TP.Long Khánh; du lịch nông nghiệp nông thôn tại H.Xuân Lộc…
Đồng bào dân tộc Mường giao lưu với khách du lịch trong trang phục truyền thống |
Bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã, chủ nhân của Resort Cát Tiên Jungle Lodge (Cát Tiên Jungle Lodge, H.Tân Phú) chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, điểm đến của bà đã từng bước khôi phục và ra mắt sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng hoàn toàn mới lạ và độc đáo với những trải nghiệm thiên nhiên xanh của rừng Cát Tiên kết hợp với những rung động từ sóng âm qua những tiếng chuông đồng, giúp du khách giải phóng những căng thẳng, áp lực trong công việc, trở về với trạng thái cân bằng, tái tạo nguồn năng lượng mới. Sản phẩm chữa lành của Cát Tiên Jungle Lodge đã nhận được đánh giá cao của khách du lịch sau khi trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài, tạo được dấu ấn riêng cho du lịch Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG từng khẳng định, Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh ủy đã ban hành và đề ra mục tiêu phải tạo được sự bứt phá cho ngành Du lịch. Do đó, các đơn vị phải nghiêm túc phối hợp, thực hiện nhiệm vụ của mình, sớm triển khai các dự án, cùng tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh riêng cho Đồng Nai. Những kế hoạch phát triển du lịch Đồng Nai đã đề ra nhất định phải thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc thì nhanh chóng đề xuất tỉnh tìm hướng tháo gỡ.
Kết nối để phát triển du lịch bền vững
Cùng với những sản phẩm du lịch nổi tiếng từ nhiều năm nay của Đồng Nai như: Vườn quốc gia Cát Tiên; các Khu du lịch: Suối Mơ, Bửu Long, Bò Cạp Vàng, Giang Điền, Vườn Xoài…, du lịch Đồng Nai vẫn còn nhiều giá trị để khai thác.
Trải nghiệm ngâm chân suối nước nóng tại Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước Sôi (H.Định Quán) |
Năm 2023, du lịch Đồng Nai đã tạo được bước đệm quan trọng qua những chuyến khảo sát, đi tìm chất liệu để định hình nên những dòng sản phẩm du lịch phù hợp với từng địa phương. Trong đó, những giá trị về di sản, văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng đất Đồng Nai đã và đang được đánh thức, khai thác một cách bài bản với những nội dung, câu chuyện sâu sắc qua sự đóng góp tích cực từ các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, khoa học, cộng đồng…, hứa hẹn đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có những sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ, trở thành điểm đến đẳng cấp của Việt Nam.
TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.HCM) cho biết, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch là đơn vị trực tiếp tham gia và tư vấn các sản phẩm du lịch trên địa bàn Đồng Nai. Đặc biệt, hội thảo khoa học quốc gia về Bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai, kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn TP.Biên Hòa được tổ chức trong dịp kỷ niệm 325 hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đã quy tụ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về du lịch với mong muốn xây dựng nên một sản phẩm du lịch độc đáo cho Đồng Nai.
Múa lân - sư - rồng chào đón năm mới tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) |
TS Tạ Duy Linh nhận định, Đồng Nai có đủ các yếu tố để tạo ra chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng đúng nghĩa. Người dân Đồng Nai có một tinh thần làm du lịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, để ngọn lửa làm du lịch của người dân luôn cháy thì các sở, ban, ngành của địa phương phải phát huy được vai trò liên kết người dân và hiện thực hóa những mong muốn của người dân. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch dựa trên những giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tổ chức, cộng đồng khai thác và cộng đồng hưởng lợi, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, quảng bá hình ảnh đẹp về con người, đất nước Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin