Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng bằng sông Hồng, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Biết bao nét đẹp văn hóa, tập quán quen thuộc nơi vùng quê đã ăn sâu vào tâm trí tôi, để mỗi khi Tết đến, Xuân về, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại những ngày xưa… Tối 30, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ngồi ôn lại kỷ niệm một năm đã qua. Sau tất cả, vẫn là bữa cơm gia đình ấm cúng, tình thân.
ADVERTISEMENT
Khi trưởng thành, tôi vào Đồng Nai lập nghiệp. Năm đầu tiên, tôi ăn Tết xa nhà. Cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn, con người tôi ở phương Nam nhưng tâm hồn tôi hướng về phương Bắc. Dù hoa mai, hoa cúc có khoe sắc vàng rực thế nào, đối với tôi, chúng không thể sánh bằng hoa đào e ấp trong mưa phùn gió bấc. Dù là món ăn cao sang mỹ vị của phương Nam cũng không sánh được với món thịt đông của mẹ. Sau nhiều cái Tết xa nhà, khi tôi hòa nhập với nhịp điệu năng động của đất phương Nam, khi trái tim đã trót yêu quê hương thứ 2, tôi mới nhận ra rằng sự so sánh đó thật ngớ ngẩn, khập khiễng, bởi mỗi nơi đều có phong vị Tết khác nhau, mang đến cho con người cảm xúc riêng.
Phương Nam đón mùa Xuân bằng sắc mai vàng rực rỡ dưới ánh nắng hanh hao. Sắc mai vàng hòa quyện với giọt sương ngọt lành, tinh khôi của trời đất, tạo nên nét đặc trưng rất Tết của phương Nam. Chơi mai cũng cần sự công phu, kiểu cách. Việc đầu tiên, gia chủ phải chọn được những dáng cây theo thế tượng trưng cho “Long - Phụng - Phong - Vân - Sơn”… đến những dáng cành Tam Tài: “Thiên - Địa - Nhân”. Lựa chọn nụ hoa trên cây cũng cần có kinh nghiệm, phải chọn những nụ hoa chúm chím, căng tròn như những hạt ngọc xanh, chỉ chờ đủ nắng để bung ra hương thơm ngọt ngào, tinh khôi. Sắc vàng, biểu tượng của phú quý, giàu sang, tượng trưng cho ý chí và nghị lực kiên cường của người dân phương Nam. Họ gửi gắm ước nguyện vào những cánh hoa vàng rực rỡ. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, đối với người dân nơi đây, Tết nhà nhà đều có cây mai, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà hoặc đứng ngạo nghễ trước sân nhà. Nếu thiếu đi sắc mai, có lẽ Tết không thể trọn vẹn, không làm nên mùa Xuân phương Nam.
ADVERTISEMENT
Năm đầu tiên khi mẹ chồng giao cho tôi trọng trách quan trọng bày mâm ngũ quả ngày Tết, tôi vận dụng hết trí nhớ để hồi tưởng lại ở quê bà tôi bày mâm ngũ quả ra sao. Tôi nhớ đến những ngày Tết khi còn bé, hay lẽo đẽo theo bà đi chợ ngày Tết để chuẩn bị cho chiều 30. Bà tôi là người rất ngưỡng vọng vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thế nên Tết năm nào, bà cũng rất kỳ công chuẩn bị mâm ngũ quả để dâng lên gia tiên với tất cả tấm lòng thành. Bà tôi nâng niu từng thứ quả ngọt. Bà nói rằng, mỗi quả dù to hay nhỏ nó đều thẫm đẫm nước mắt, mồ hôi, những nhọc nhằn của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thế nên, mỗi thứ quả ngọt đều là thành quả lớn lao mà người nông dân muốn gửi trọn tấm lòng vào đó để dâng lên ông bà tổ tiên và cũng thể hiện ước muốn của gia đình sẽ đạt được phú - quý - thọ - khang - ninh (may mắn, giàu có, sống lâu, khỏe mạnh và bình an) trong năm mới. Nhớ những gì học được từ bà qua bao năm đón Tết ngoài Bắc, tôi đã chăm chút, tỉ mỉ bày mâm ngũ quả thật đẹp mắt. Nhưng khi mẹ chồng tôi nhìn thấy lắc đầu cười bảo: Người miền Nam không dùng chuối cho mâm ngũ quả vì đọc chệch đi sẽ là chúi”, lúc ấy tôi ngơ ngác khi thấy mình chưa thực sự hiểu về văn hóa vùng đất này.
Với người phương Nam, mâm ngũ quả được lựa chọn từ những loại quả rất gần gũi, thân quen được Mẹ thiên nhiên ưu đãi cho vùng nhiệt đới: mãng cầu, sung, đu đủ, dừa, xoài với việc đọc chệch âm của người Nam “cầu sung vừa đủ xài” với ước muốn một năm đầy đủ, sung túc. Có nhiều người mua thêm trái dư, trái dưa - đọc chệch dả, với ước mong năm nay dư dả thêm một chút. Mâm ngũ quả thể hiện tính cách của người Nam bình dị nhưng phóng khoáng, hài hước và hóm hỉnh. Tuy nhiên, mâm ngũ quả thể hiện triết lý rất sâu sắc của những người Nam Bộ xưa muốn gửi gắm lại cho con cháu, khuyên nhủ hậu thế phải biết “vừa đủ” và tiêu xài đúng lúc, đúng nơi. Ngoài mâm ngũ quả, người miền Nam còn trưng bày trái dưa hấu tròn căng tràn sức sống, tượng trưng cho sự may mắn.
ADVERTISEMENT
Khi sống đủ lâu ở thành phố Biên Hòa, tôi hòa nhịp vào cuộc sống phương Nam năng động, sống chậm lại một nhịp để cảm nhận không khí Tết nơi đây. Bữa cơm ngày 30 Tết không thể thiếu món khổ qua nhồi thịt, bởi quan niệm ăn tô canh khổ qua, nỗi khổ năm cũ sẽ qua đi một cách nhẹ nhàng. Bữa cơm tất niên có thể ca vài câu vọng cổ, quên đi sự đời, quên đi phiền lo năm cũ. Lời hát nghe da diết như tấm lòng của người dân nơi đây. Một món ăn đặc trưng nữa chính là món thịt kho tàu. Nguyên liệu gồm thịt heo, trứng vịt hoặc trứng gà, nước dừa… Miếng thịt mềm mại có cả màu đỏ au của thịt nạc, trắng của mỡ, nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã làm thanh bằng đường, thi thoảng có thêm vị của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng, đặt cạnh bát cơm trắng thơm nức trên bàn thờ ông bà, bên cạnh đĩa dưa chua, dường như đã thành truyền thống trong mâm cơm cúng, để tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, có chút gì đó bâng khuâng khi ăn Tết trời Nam nhưng thương nhớ những Tết xưa cũ của trời Bắc. Nhưng sau nhiều năm ăn Tết ở phương Nam, tôi nhận ra rằng cuộc sống nên thả bớt đi lo toan, phiền muộn, bỏ bớt lễ nghi rườm rà. Người miền Nam có xu hướng chơi Tết nhiều hơn ăn Tết. Đó là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi, được tận hưởng trọn vẹn những giây phút bình yên bên gia đình, người thân.
Tết vui hay buồn, đều sinh ra từ tâm. Khi tình yêu đủ lớn, ở đâu, chúng ta cũng có một cái Tết ấm áp và trọn vẹn, nhẹ nhàng thảnh thơi đón nhận năm mới đầy hân hoan.
Tàn văn của Nguyễn Thắm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin