Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài (gọi tắt là Nhà dài Tà Lài, thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú) là không gian kiến trúc tái hiện hoàn hảo nếp sống của người Châu Mạ từ xa xưa. Đây cũng là công trình được xây dựng, mô phỏng lại đúng nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc.
Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài (gọi tắt là Nhà dài Tà Lài, thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú) là không gian kiến trúc tái hiện hoàn hảo nếp sống của người Châu Mạ từ xa xưa. Đây cũng là công trình được xây dựng, mô phỏng lại đúng nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Nhà dài là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình phát triển du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Dệt thổ cẩm ở làng dân tộc Châu Mạ. Ảnh: N.Liên |
Mô hình du lịch cộng đồng này do chính những người dân tộc bản địa thực hiện. Họ đều có chung tấm lòng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng người dân tộc bản địa như: Châu Mạ, S’tiêng, Tày... đang có nguy cơ mai một dần. Những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc đang trở thành đặc sản du lịch thu hút du khách gần xa.
* Giữ bản sắc của làng
Chịu trách nhiệm quản lý ở nhà dài từ tổ chức tour đến khâu ăn uống, nghỉ ngơi, kết nối các dịch vụ khác là Ka Hương, cô gái trẻ 29 tuổi, người con của làng dân tộc Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài.
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Ka Hương đã có bề dày kinh nghiệm về làm du lịch cộng đồng. Từ khi còn là cô gái nhỏ, cô đã phụ mẹ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy lúc đó, cô bé Ka Hương chỉ mới học xong THCS nhưng cô đã tự học tiếng Anh để có thể giao tiếp với du khách nước ngoài. Yêu thích làm du lịch, Ka Hương không chỉ học giỏi tiếng Anh mà cô còn học bổ túc hết cấp 3 rồi xin vào làm cộng tác viên với vai trò là hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Cát Tiên. Sau đó, cô về làm nhân viên rồi trở thành quản lý của nhà dài.
Chị Ka Rỉn, nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng dân tộc Châu Mạ tại xã Tà Là, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Điều khiến cô gái trẻ Ka Hương gắn bó với Nhà dài Tà Lài suốt 4 năm qua đều từ suy nghĩ: “Đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên, bản sắc văn hóa dân tộc của tôi ở đây”. Làm việc ở nhà dài giúp cô gái trẻ giàu khát vọng này có thể thực hiện những điều mình mong muốn là góp phần hồi sinh, giữ gìn được những giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình khi gắn với hoạt động
du lịch cộng đồng.
Ka Hương kể, thời xưa, ở làng Châu Mạ, trẻ con lớn lên con trai thì được dạy đánh cồng, chiêng, thổi tù và; con gái học dệt thổ cẩm, làm rượu cần... Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, những nét văn hóa độc đáo này dần mai một, trong làng hầu như không còn sinh hoạt văn hóa dệt thổ cẩm, mặc trang phục dân tộc truyền thống, đánh cồng chiêng... Cùng với việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, cô gái trẻ Ka Hương đã đi từng nhà trong làng vận động lập lại đội cồng chiêng, đội múa dân tộc, mô hình dệt thổ cẩm... Hiện những hoạt động văn hóa trên được tái hiện và duy trì thường xuyên phục vụ du khách.
Ka Hương kể: “Điều may mắn của tôi là có bà ngoại Ka Bào là nghệ nhân cấp quốc gia về dệt thổ cẩm; có mẹ Ka Rỉn vừa là nghệ nhân dệt thổ cẩm, vừa là kho tàng sống văn học dân gian Châu Mạ. Mẹ thuộc rất nhiều truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại, bài hát cũng như sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Châu Mạ...”. Ngay từ nhỏ, Ka Hương đã được bà, được mẹ dạy dệt thổ cẩm, nấu cơm lam, hát, múa các điệu hát dân tộc... Và tình yêu văn hóa dân tộc Châu Mạ cứ thấm dần vào máu cô gái trẻ. Ka Hương đang ấp ủ kế hoạch khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình, từ việc tự kéo sợi vải, nhuộm màu vải bằng cây rừng để ra sắc màu thiên nhiên... chứ không mua chỉ công nghiệp về dệt như hiện nay.
Một tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc ở huyện Tân Phú. Ảnh: Hải Quân |
Ngoài những người thầy luôn bên cạnh là bà ngoại và mẹ, Ka Hương cũng không ngừng trang bị cho mình nền tảng kiến thức mới khi theo học đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh (Viện đại học mở Hà Nội) với hình thức học trực tuyến cũng vì mục tiêu góp sức mình trong phát triển kinh tế và quảng bá văn hóa dân tộc.
Người dân ở ấp 4, xã Tà Lài vẫn gọi gia đình của bà Ka Rỉn là “gia đình của các nghệ nhân”. Nghệ nhân dệt thổ cẩm Ka Rỉn cho biết, hiện trong làng vẫn còn cả chục thợ dệt thổ cẩm giỏi nghề. Thổ cẩm dân tộc Châu Mạ có hàng trăm họa tiết, hoa văn tinh tế gắn với cuộc sống và những kinh nghiệm bao đời của người Mạ. “Riêng với gia đình chúng tôi, việc dệt thổ cẩm luôn được giữ gìn qua các thế hệ phụ nữ trong nhà ngay cả giai đoạn trong làng này không ai còn giữ nghề, theo nghề” - bà Ka Rỉn nói.
* Sản phẩm du lịch độc đáo
Là người gắn bó với nhà dài từ những năm đầu thành lập, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài, ông
K’Yếu, dân tộc Châu Mạ hiện đang sinh sống ngay tại Tà Lài và hầu như dành toàn bộ thời gian cho việc quản lý, trông coi nhà dài.
Theo ông K’Yếu, du khách về Tà Lài có thể đăng ký tham gia nhiều hoạt động như: tham gia tour khám phá rừng với các chặng Nhà dài Tà Lài - Bàu Sấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên; tour đạp xe quanh làng dân tộc xem phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm hoặc học cách dệt thổ cẩm; tour tham quan vườn ca cao, cà phê... Ý nghĩa hơn là các chương trình sinh hoạt cộng đồng hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: tham gia các buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng, nhảy sạp và nhiều trò chơi dân gian khác; đoàn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước giao lưu với học sinh trường dân tộc của Tà Lài; tham gia các hoạt động về môi trường như cùng dọn rác, trồng cây xanh trong làng, trong rừng; sửa chữa nhà cho các hộ dân tộc khó khăn…
Một tiết mục múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc ở huyện Tân Phú. Ảnh: Hải Quân |
Không chỉ các hoạt động dã ngoại, giao lưu văn hóa nghệ thuật, khách du lịch còn được thưởng thức các món ăn truyền thống, đặc sản của người dân tộc như: rượu cần, cơm lam, thịt nướng, rau nhíp, đọt mây nướng... Tất cả các món ăn tại nhà dài đều do đầu bếp là người dân tộc tại địa phương Lý Thị Thanh đảm nhận. Chị Thanh là người dân tộc Tày nhưng có thể nấu được các món của dân tộc Châu Mạ,
S’tiêng. Chia sẻ về các món đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc, chị Thanh hào hứng cho biết, vào các dịp lễ, tết, du khách còn được thưởng thức các món bánh truyền thống của dân tộc Tày như: bánh cốm, bánh dẻo... “Món bánh tự làm thường ngon hơn bởi mùi vị và khâu chế biến nguyên liệu được làm tỉ mỉ theo cách thủ công truyền thống. Do sự kỳ công nên những món bánh này thường chỉ được làm vào dịp lễ, tết quan trọng” - chị Thanh nói.
Theo Ka Hương, những lớp cha anh, đến thế hệ trẻ hơn như cô đều có chung tấm lòng vì sự phát triển các cộng đồng dân tộc bản địa. Kỳ vọng của lớp người đi trước là những lớp trẻ sau này sẽ được đào tạo bài bản hơn, giỏi hơn, cống hiến nhiều hơn cho chương trình phát triển kinh tế, văn hóa cộng đồng dân tộc bản địa gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ka Hương còn kết nối với những tình nguyện viên người nước ngoài tổ chức lớp học ngoại ngữ cho trẻ em làng dân tộc. Nhà dài Tà Lài hiện đang tài trợ cho 1 sinh viên người dân tộc S’tiêng học đại học rồi về làm việc cho khu du lịch. “Dự án cho buôn làng thì phải do chính những người con có tấm lòng thương buôn làng giữ gìn, phát triển thì mới bền vững” - Ka Hương chia sẻ.
Nhà dài Tà Lài hiện đang có 13 nhân viên chính thức là người địa phương, đảm nhận các công việc như: nấu ăn, an ninh, hướng dẫn du lịch, bảo trì. Ngoài thu nhập hằng tháng và các chế độ, một số nhân viên là người địa phương còn được nhà dài chọn lựa, hỗ trợ kinh phí học tập để đào tạo nguồn nhân lực sau này có thể công tác, phục vụ nhà dài cũng như địa phương. Các dịp cao điểm khách tham quan nhiều, người dân địa phương sẽ cùng phối hợp với nhà dài phục vụ khách du lịch, hướng dẫn, tham quan du khách trong các tour tham quan, khám phá rừng... |
Bình Nguyên - Ngọc Liên