Rừng ngập mặn của Đồng Nai nằm trải dài qua 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch với tổng diện tích gần 8 ngàn hécta, trong đó 4,9 ngàn hécta có rừng. Nơi đây được mệnh danh là "lá phổi xanh" của khu vực Đông Nam bộ bên trong là cả khoảng thiên nhiên bao la, hùng vĩ với ngút ngàn những cây đước, cây bần và nhiều điều thú vị chờ đợi du khách đến khám phá.
Rừng ngập mặn của Đồng Nai nằm trải dài qua 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch với tổng diện tích gần 8 ngàn hécta, trong đó 4,9 ngàn hécta có rừng. Nơi đây được mệnh danh là “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam bộ bên trong là cả khoảng thiên nhiên bao la, hùng vĩ với ngút ngàn những cây đước, cây bần và nhiều điều thú vị chờ đợi du khách đến khám phá.
Một góc rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Ảnh: N.LIÊN |
Từ TP.Biên Hòa đến xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) khoảng 8 giờ sáng nhưng chúng tôi vẫn phải chờ đến tầm 9 giờ mới bắt đầu chuyến khám phá rừng ngập mặn vì thời điểm này nước mới bắt đầu dâng, tàu thuyền mới đi lại dễ dàng.
* Thăm vùng chiến khu xưa
Từ bến cá Phước An (người dân nơi đây còn gọi là bến Rạch Mới), xuôi theo sông Vàm Mương, qua các con kênh hay những con rạch len lỏi giữa những vạt rừng như: kênh Ngay, tắc Bà Vệ, rạch Tràm… mỗi đoạn kênh rạch đi qua, du khách có thể ngắm những cánh rừng đước bạt ngàn được trồng từ năm 1978 đến nay. Điểm dừng chân đầu tiên sau khoảng 20 phút xuất phát từ bến cá Phước An là đền thờ 500 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sắp tới, khu này sẽ được xây dựng thành khu tưởng niệm có diện tích 9 hécta. Đây sẽ là nơi giúp cho các thế hệ trẻ tìm hiểu thêm những chiến công anh dũng của quân và dân Việt Nam đã trải qua cuộc chiến ác liệt giành lại hòa bình.
Du khách thắp nhang tại Đài tưởng niệm 500 liệt sĩ của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Ảnh: H.Giang |
Từ đền thờ liệt sĩ, du khách sẽ tiếp tục đi trên sông Đồng Tranh đến trạm rừng giống, nơi có vườn đước giống được chăm sóc đặc biệt để gây giống, phục vụ công tác trồng rừng. Đến trạm rừng giống, khách sẽ được thám hiểm khu rừng đước hơn 40 năm, cành lá sum suê đan xen vào nhau, giữa trưa nắng chang chang mà ít có tia nắng lọt qua được. Bên dưới là những thân đước màu nâu sẫm thẳng tắp, nhưng hấp dẫn nhất là những bộ rễ nổi gồ ghề nằm gối lên nhau trông như những tác phẩm bonsai khổng lồ được nghệ nhân “mẹ thiên nhiên” tạo nên thành nhiều hình dáng thú vị. Du khách có thể bám vào các rễ cây đi sâu vào trong rừng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của rừng ngập mặn.
Sau đó, du khách có thể thoải mái đùa giỡn với bầy khỉ được những người bảo vệ rừng chăm sóc nuôi dưỡng từ nhiều năm nay. Ông Trương Văn Lớn, người gắn bó với bầy khỉ từ những ngày đầu chia sẻ, ban đầu chỉ vài ba con nhưng đến nay đã lên đến hơn 50 con khỉ. Bầy khỉ được nuôi từ bé nên rất thân thiện với các cán bộ giữ rừng. Ban ngày, sau khi được ăn bữa sáng, cả bầy khỉ vào rừng chơi đến trưa, tối quay trở về quây quần quanh trạm gác.
* Sẽ hình thành tour du lịch hấp dẫn
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đề án phát triển du lịch, trạm rừng giống sẽ được xây dựng thêm những căn nhà lá để du khách nghỉ ngơi và tham quan trước khi ghé thăm làng bè, nơi nuôi các loại cá, tôm, hàu nước lợ của người dân xã Phước An và Long Thọ (huyện Nhơn Trạch).
Du khách tham quan rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Ảnh: H.Giang |
Điểm thú vị trong suốt tuyến tham quan rừng ngập mặn là du khách còn có thể ngắm nhìn những con sông gối bên những vạt rừng ngập mặn tạo nên một bức tranh thủy mặc làm mê mẩn lòng người. Từ sông Đồng Tranh, sông Đồng Kho đến sông Lòng Tàu, khách tham quan sẽ bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ của các ngư dân vừa đánh bắt cá hay các chiếc tàu lớn, vừa vận chuyển hàng hóa ra vào Cảng Cái Mép, Cảng Đồng Nai.
Cá nâu, cá đối là đặc sản của rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch |
Kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Văn Bộ thuộc Phân trường Phước An chia sẻ: “Đối với những cán bộ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành thì những ngư dân trên sông chính là những người bạn thân thiết, là cánh tay nối dài của lực lượng bảo vệ rừng”. Vì thế mà mỗi khi gặp nhau, những tiếng chào hỏi, những câu nói bông đùa giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân đã khiến chúng tôi cảm nhận được nghĩa tình gắn bó của những người quanh năm sống với rừng, với sông nước nơi đây.
Lẩu cá bống mú, một món ngon của rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch |
Sau những trải nghiệm về rừng ngập mặn, hiểu biết thêm về cây đước, cây mắm, cây bần, du khách sẽ ghé làng bè để thưởng thức các món đặc sản của vùng nước mặn như: cua, tôm, chem chép… do những đầu bếp địa phương chế biến và phục vụ ngay tại làng bè.
Bà Dương Thị Kim Ngân, chủ quán ăn trên bè Lộc Ngân cho hay, khoảng 3 năm trở lại đây, khu làng bè thu hút khá nhiều khách trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh về thưởng thức các món đặc sản nước mặn. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần khách về làng bè thưởng thức đặc sản rất đông. Các món ăn được khách lựa chọn là chem chép, tôm tít, cua, cá nâu, cá đối, cá mao ếch, cá ngát, bống mú, bạch tuộc… Những món này đều được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, làm tại chỗ nên giữ được vị ngọt thơm khi thưởng thức. Vào những ngày hè nắng nóng, được ngồi trên bè thưởng thức các món đặc sản và tận hưởng những cơn gió mát từ sông và rừng ngập mặn là thú vui rất đặc trưng được tạo nên từ không gian tại các làng bè.
Đặc sản cua nước lợ được đánh bắt trong rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch |
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đánh giá: “Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Do đó, Ban đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề án phát triển du lịch để mời gọi các nhà đầu tư. Trong đó, sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí câu, bắt cá, các trò chơi mạo hiểm, chèo thuyền, cầu đi bộ trong rừng để du khách có thể chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm, khu tham quan sinh vật cảnh và động vật hoang dã rừng ngập mặn...”. Cũng theo ông Thành, việc phát triển du lịch rừng sẽ giúp cho Nhà nước tăng nguồn thu để tái đầu tư cho công tác bảo vệ, trồng rừng tốt hơn và rừng trở thành nơi giúp bảo vệ môi trường, đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương.
Hàu là món đặc sản trong rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai là nơi có rất nhiều khu rừng có phong cảnh đẹp rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Vì thế tỉnh đang xây dựng giá cho thuê rừng và những quy định kèm theo để cho thuê rừng phát triển du lịch. Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch là nơi khá thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Xu hướng của du khách trong và ngoài nước hiện nay là thích khám phá những điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, đây là lợi thế để Đồng Nai mở rộng phát triển du lịch rừng.
Hiện rừng ngập mặn của Đồng Nai mỗi tháng đón cả ngàn khách, nhưng chủ yếu đi tự do, chưa có đơn vị nào thực hiện thành tour. Do đó, nếu mời gọi được doanh nghiệp đầu tư bài bản tạo thành tour, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết đến thì nơi này sẽ được nhiều du khách chọn lựa làm điểm tham quan hấp dẫn.
Hương Giang - Ngọc Liên