Báo Đồng Nai điện tử
En

'Làng' săn chuột đồng

10:01, 14/01/2020

Tháng Chạp âm lịch hằng năm, cánh đồng Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) lại sáng lóe ánh đèn pin của người bẫy chuột. Thời điểm này, các ruộng lúa của nông dân lác đác thu hoạch và gieo sạ nên chuột đồng xuất hiện nhiều. Đây là thời điểm "ăn nên làm ra" của "làng" săn chuột đồng.

Tháng Chạp âm lịch hằng năm, cánh đồng Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) lại sáng lóe ánh đèn pin của người bẫy chuột. Thời điểm này, các ruộng lúa của nông dân lác đác thu hoạch và gieo sạ nên chuột đồng xuất hiện nhiều. Đây là thời điểm “ăn nên làm ra” của “làng” săn chuột đồng.

Bẫy chuột trên cánh đồng Phú Lâm (huyện Tân Phú)
Bẫy chuột trên cánh đồng Phú Lâm (huyện Tân Phú)

“Làng” săn chuột đồng Phú Lâm có khoảng 10 người hành nghề bẫy chuột “chuyên nghiệp” và hàng chục người bẫy chuột “không chuyên” (chỉ tham gia bẫy chuột khi vào mùa vụ thu hoạch). Họ đã “bám” cánh đồng Phú Lâm để săn chuột cả chục năm nay và hình thành nên “làng” săn chuột đồng, chuyên cung cấp chuột đồng cho các vựa thu mua lớn trong xã.

* Theo chân người bẫy chuột

Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng, ông Tám Phương (ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm) chất lên yên chiếc xe máy 200 chiếc lồng chuột nhỏ nhắn được xếp gọn vào 4 vỏ bao phân, chạy một mạch ra cánh đồng Phú Lâm đặt bẫy, đến 13 giờ trưa thì về. 18 giờ, ông bắt đầu đi thăm bẫy. Bẫy nào trật thì ông sửa, bẫy nào dính chuột thì ông hí hửng trút về. Tờ mờ sáng hôm sau, ông mới đi gom bẫy.

Theo những người làm nghề săn chuột đồng ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú), chuột đồng ở miền núi có thịt chắc, thơm, ít mỡ hơn chuột từ miền Tây chở lên. Do đó, đây là món ăn đặc sản rất được ưa chuộng và được các thương lái săn lùng thu mua với giá cao.

Rảo bước chân trên bờ ruộng đầy hang chuột, ông Tám Phương soi rất kỹ từng miệng hang để đoán đường đi của chuột mà đặt bẫy. Ông Tám Phương cho biết, chuột đồng vốn có đặc tính di chuyển bất di bất dịch theo một lối mòn từ miệng hang ra đồng phá lúa mà nó tạo ra. Tuy vậy, nó cũng “tinh quái” phát hiện ra những chiếc bẫy chặn đường đi của nó mà tránh xa.

Theo kinh nghiệm lâu năm săn chuột đồng của ông Tám Phương, để bẫy được chuột, người đặt bẫy phải đặt bẫy cách xa miệng hang chuột gần cả mét, chọn những lối mòn nào bóng loáng, đậm dấu chân chuột mà đặt. Bẫy không cần mồi nhử, chuột sa vào chiếc lồng sắt hình chữ nhật (ngang 8cm, dài 14cm) và giẫm lên cái vòng cung bên dưới là tiêu tùng. Ông Tám Phương cho biết, có bẫy dính 2 con chuột cơm, còn chuột gà sóc thì vừa vặn cái bẫy. Có hôm ông bẫy được cả rắn, chim, cò.

Ở “làng” săn chuột đồng Phú Lâm, người dân còn cải tiến chiếc bẫy chuột từ 10x15cm xuống còn 8x10cm để tiết kiệm sắt và thích ứng với sự khôn khéo, nhát bẫy của chuột đồng. Bẫy không cần dùng mồi, đó là kinh nghiệm mà người bẫy chuột đúc rút được và chỉ dạy lại cho nhau trong quá trình hành nghề.

Dò tìm đường đi của chuột trên cánh đồng Phú Lâm (huyện Tân Phú) để đặt bẫy
Dò tìm đường đi của chuột trên cánh đồng Phú Lâm (huyện Tân Phú) để đặt bẫy

 “Chuột đồng no mồi, nếu dùng mồi khoái khẩu của nó là lúa, khoai mì chẳng ăn thua và tốn thời gian, chi phí. Do đó, tụi tui thay mồi nhử bằng việc xác định đường đi của chúng mà đặt bẫy thì hiệu quả hơn mồi gấp nhiều lần” - ông Năm Giàu, người bẫy chuột chuyên nghiệp ở ấp Bạch Lâm 3, xã Phú Lâm bộc bạch.

Cũng theo ông Năm Giàu, chuột đồng bị bẫy nhiều càng thêm nhát ánh đèn, tiếng động và mùi lông đồng loại chúng còn vương vấn nơi chiếc bẫy. Do đó, dân bẫy chuột chuyên nghiệp vài ba ngày phải rửa lồng, chọn những thửa ruộng xa ánh đèn, tiếng nhạc khu dân cư đặt bẫy. Đặc biệt, phải luôn di chuyển nơi đặt bẫy để tránh lũ chuột đồng quen bẫy, cho dù chủ ruộng nài nỉ bám lại cứu lúa giúp họ khỏi bị lũ chuột “quấy nhiễu”.

* Bám đồng mưu sinh

Ông Năm Giàu cho biết thêm, ở ấp Bạch Lâm 3 có 10 người bẫy chuột chuyên nghiệp, xem việc săn chuột đồng là nghề mưu sinh tại cánh đồng Phú Lâm và nhiều cánh đồng khác trong huyện. Ông và nhóm người bẫy chuột chuyên nghiệp như: Tám Phương, Hai Long, Út Chót, Hai Lỳ... đều xuất thân từ dân lưới cá. Lý do chuyển sang bẫy chuột vì cánh đồng Phú Lâm không còn nhiều đầm, ruộng hoang để các ông thi triển tay nghề đặt lưới, lú, lọp, soi chỉa...

“Từ năm 2010 tới nay, toàn bộ dân làm cá tụi này chuyển sang nghề bẫy chuột. Con cá chỉ còn là nghề tay trái, chủ yếu bắt về ăn. Ở xã Phú Lâm cũng còn có trên 30 người bẫy chuột không chuyên nên dần dà hình thành nên “làng” săn chuột đồng” - ông Năm Giàu nói.

Chuột bẫy về được bán cho các chủ vựa như: Hai Cảnh, Bảy Phụng trong ấp Bạch Lâm 3 hoặc bán cho các thương lái khác trong xã. Theo ông Bảy Dũng (ấp Bạch Lâm 3), giá chuột cũng biến động theo mùa, tháng 6 đến tháng 7 dương lịch và những tháng lúa làm đồng chuột rộ giá chỉ còn 25-30 ngàn đồng/kg (một đêm bẫy được từ
12-15 kg/200 bẫy). Những tháng chuột hiếm như: thu hoạch lúa, lúa mới gieo sạ, đồng hoang thì giá 40-50 ngàn đồng/kg (đêm chỉ được từ 3-4 kg/200 bẫy) nên thu nhập của người bẫy chuột dao động từ
150-200 ngàn đồng/đêm.

Khi cánh đồng Phú Lâm ít chuột thì dân bẫy chuyên nghiệp chở bẫy sang cánh đồng xã, huyện bạn như: Phú Điền (huyện Tân Phú); Phú Hòa, Thanh Sơn (huyện Định Quán)... làm nghề.

Ông Bảy Dũng (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) thu hoạch sau một ngày đặt bẫy chuột
Ông Bảy Dũng (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) thu hoạch sau một ngày đặt bẫy chuột

Nghịch lý của cái nghề này là nơi nào có đồng rộng thì nơi đó có dân bẫy chuột chuyên nghiệp nên sự cạnh tranh nhau cũng khá khốc liệt. “Họ phá mình thì lấy vài cái bẫy dính chuột, xua chó đi quần những chỗ mình đặt bẫy. Vậy là hỏng một đêm nên phải dời sang ruộng khác mà đặt” - ông Mười Lẹ (ngụ ấp Bạch Lâm 3, xã Phú Lâm) thổ lộ.

Tuy vậy, không phải ai cũng sống và duy trì được với nghề săn chuột như ông Tám Phương và các “đồng nghiệp” của ông. Để kiếm thêm thu nhập, người bẫy chuột chuyên nghiệp như ông Tám Phương và vài người khác có thêm cái nghề làm lồng chuột để bán.

“Nghề này cũng có cái vui, vì khi đặt bẫy chuột ở thửa ruộng nào chủ ruộng cũng chào đón mình như “người hùng” vì cách săn chuột thủ công, không làm ảnh hưởng tới mùa màng” - ông Tám Phương tâm sự.

Thêm một Xuân nữa lại về, làng chuột ấp Bạch Lâm 3, xã Phú Lâm đã bước sang tuổi thứ 10. Dù sống bằng nghề săn chuột đồng nhưng những cư dân ở “làng” săn chuột đồng Phú Lâm vẫn mong năm Nhâm Tý, chuột đừng sinh sản thành dịch, phá hoại mùa màng để bà con nông dân còn những mùa bội thu, no ấm...                     

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều