Mông Cổ là đất nước có diện tích rộng lớn thứ 19 thế giới nằm ở phía Bắc của Trung Quốc và giáp với vùng phía Đông của Nga. Người dân ở đây sống bằng nghề chăn thả gia súc trên các thảo nguyên mênh mông.
Mông Cổ là đất nước có diện tích rộng lớn thứ 19 thế giới nằm ở phía Bắc của Trung Quốc và giáp với vùng phía Đông của Nga. Người dân ở đây sống bằng nghề chăn thả gia súc trên các thảo nguyên mênh mông. Nhiệt độ ở đất nước này lạnh quanh năm, vào mùa đông từ tháng 10 tới tháng 4 năm sau có thể xuống -500C.
Thủ đô Ulaabaatar nhìn từ ngọn Zaisan Hill. Ảnh: C.Nghĩa |
Nếu có may mắn một lần đặt chân đến Mông Cổ xa xôi, du khách sẽ cảm nhận được rất nhiều điều thú vị về đất nước và con người nơi đây, nhất là những nét văn hóa truyền thống vẫn đang được bảo tồn và phát triển.
* Đến miền đất lạ
Một chuyến du lịch Mông Cổ kéo dài trong vòng 5 ngày có giá khoảng 40 triệu đồng. So với đi du lịch một số nước châu Á khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore là không hề rẻ. Nhiều người Việt Nam thường ít lựa chọn du lịch Mông Cổ vì đất nước này chưa thực sự phát triển, chi phí đi lại đắt đỏ, điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt. |
Việt Nam và Mông Cổ chưa thiết lập đường bay thẳng nên du khách từ Việt Nam sang Mông Cổ thường phải quá cảnh ở các sân bay như Incheon (Hàn Quốc) hay Hong Kong (Trung Quốc). Tổng thời gian của hai chặng bay đến được Mông Cổ vào khoảng
10-11 tiếng. Khi đặt chân đến Sân bay Chinggis Khaan ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, cảm giác đầu tiên của du khách chính là cái lạnh đặc trưng. Du khách đến Mông Cổ vào bất cứ mùa nào trong năm cũng đều phải mang theo áo ấm để chống chọi với cái lạnh, tùy theo mùa. Mỗi năm Mông Cổ có tới 250 ngày nắng, thậm chí 20 giờ trời vẫn còn có nắng nhưng bước ra ngoài đường là cảm nhận được cái lạnh thấu da.
Có đến 90% trong số 3 triệu người dân Mông Cổ dùng xe hơi nên ở thủ đô Ulaanbaatar không tránh khỏi tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm. Người dân ở thủ đô Ulaanbaatar sống chủ yếu trong trong các căn hộ chung cư, các bức tường được xây dày từ
30-40cm, bên ngoài còn bọc một lớp xốp cách nhiệt dày để hạn chế cái lạnh vào mùa đông.
Lạc đà là một trong những loại gia súc quen thuộc ở Mông Cổ giúp người dân đi qua những sa mạc rộng lớn |
Mông Cổ là đất nước của những thảo nguyên và sa mạc mênh mông, người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề du mục, chăn nuôi gia súc. Bình quân một người sân Mông Cổ sở hữu tới 15 con ngựa, 65 con cừu. Thực phẩm chính của người dân là thịt và sữa gia súc, bữa ăn thường ít rau xanh và những loại hải sản như tôm, cá lại càng hiếm thấy. Đối với du khách nước ngoài, do không quen với ẩm thực ở Mông Cổ sẽ cảm thấy mau “ngán” vì bữa ăn không có gì ngoài thịt bò, thịt cừu, thịt ngựa.
* Không ngựa như chim không cánh
Ngựa là loài gia súc đặc trưng của Mông Cổ, người dân nào ở đây cũng biết cưỡi ngựa, những người sống bằng nghề du mục thậm chí có khả năng phi ngựa như bay. Người ta ví “một người Mông Cổ không ngựa như chim không cánh” để nói về tầm quan trọng của loài gia súc này. Ngựa ngoài việc là tài sản thì còn là phương tiện di chuyển của người Mông Cổ thời xưa, ngày nay tiếp tục là phương tiện cho những người dân sống bằng nghề du mục, chăn thả gia súc, phát triển dịch vụ du lịch.
Những chú bé Mông Cổ với vẻ đẹp hồn nhiên và mạnh mẽ |
Du khách nước ngoài muốn trải nghiệm cảm giác cưỡi ngựa trên thảo nguyên hay đi qua những cánh rừng thông xanh bạt ngàn không quá khó. Chỉ cần 15 phút gọi điện là sẵn sàng có từ 30-50 chú ngựa với nhiều màu lông được lùa tới phục vụ đoàn. Khách đủ tự tin thì có thể một mình cưỡi một ngựa, còn với người hơi nhát thì có thể nhờ người dân địa phương cầm cương dắt đi thong dong. Chi phí cho một chuyến trải nghiệm cưỡi ngựa kéo dài khoảng 40 phút chỉ tốn 200 ngàn đồng, cộng thêm tiền “bo” cho nhân viên khoảng 50 ngàn đồng.
Có một điều khá đặc biệt ở Mông Cổ, những chú bé dù mới chỉ 8-9 tuổi đã biết cưỡi ngựa nhanh như bay. Anh Bat Erdene Nyamgere, một hướng dẫn viên du lịch người Mông Cổ cho biết: “Kỹ năng cưỡi ngựa đã ăn vào máu của người dân Mông Cổ và chuyển tiếp qua nhiều thế hệ con cháu cho đến bây giờ. Nếu ai không biết cưỡi ngựa thì có lẽ không thể tin được đó là người Mông Cổ”.
Du khách Việt Nam trải nghiệm cảm giác cưỡi ngựa |
Ngựa ngoài được dùng để làm phương tiện vận chuyển trong mỗi gia đình sống bằng nghề du mục, nó còn mang đến cho người Mông Cổ một loại thức uống yêu thích có tên “Airag”, đó chính là sữa ngựa. Sau khi được vắt, sữa được lên men với độ cồn nhẹ, rất giàu vitamin và khoáng chất. Với những người quen dùng sữa bò thì sữa ngựa không mấy dễ uống. Nhưng du khách nước ngoài thường mua sữa ngựa về làm quà vì chẳng dễ tìm được sữa ngựa ở ngoài Mông Cổ.
* “Hốt bạc” nhờ... chim
Anh Zolo Zolkhuu từng học ngành xây dựng tại Trường đại học xây dựng Hà Nội theo diện học bổng Chính phủ Việt Nam cấp, nhưng khi trở về nước anh lại chuyển sang làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Anh cho biết, nghề xây dựng ở Mông Cổ rất vất vả, phải làm trong môi trường nặng nhọc và thời tiết rất khắc nghiệt. Anh chuyển sang nghề du lịch, chủ yếu dẫn các đoàn khách Việt Nam sang. Nhờ từng học ở Việt Nam và thường xuyên tiếp xúc với khách Việt Nam nên anh Zolo khá rành tiếng Việt.
Nhà hát truyền thống Mông Cổ nằm ở trung tâm thủ đô - nơi du khách thường tìm đến nghe các điệu dân ca Mông Cổ |
Ngành du lịch đang giúp Mông Cổ thay đổi khá nhanh chóng. Nhiều khách sạn, quán bar, nhà hàng, karaoke mọc lên khắp nơi ở Thủ đô Ulaanbaatar. Đến Mông Cổ người ta có thể đi thăm các tu viện, chùa, nghe hát dân ca truyền thống Mông Cổ ở trung tâm thủ đô. Đi xa ra ngoại ô khoảng 5 giờ xe buýt, khách có thể trải nghiệm cảm giác cưỡi ngựa, lạc đà, tận mắt chứng kiến những đàn ngựa, đàn cừu lên đến cả vài ngàn con thong dong đi ăn cỏ trên thảo nguyên. Vào ban đêm nếu ngủ lại trên thảo nguyên du khách sẽ được trải nghiệm ngủ trong lều truyền thống làm bằng khung gỗ, lợp da ngựa, da cừu, bên trong có lò sưởi đốt bằng củi.
Từ ngọn đồi Zaisan Hill, du khách có thể ngắm toàn cảnh Ulaanbaatar. Ở đây có sẵn những chàng trai ngồi chờ với chú chim đại bàng nặng 5-7kg. Du khách chỉ cần bỏ ra 5 ngàn tugrik tiền Mông Cổ (khoảng 43 ngàn đồng) là có thể chụp hình thoải mái với đại bàng cùng khung cảnh thành phố phía dưới. Đại bàng là một loại chim biểu tượng cho sức mạnh ở Mông Cổ nên có thể nhìn thấy ở nhiều nơi, không chỉ có ở những địa điểm du lịch trong thành phố, mà trên dọc đường đi đến các khu vực thảo nguyên rộng lớn đều có thể bắt gặp. Nhờ dịch vụ chụp ảnh với đại bàng mà một người dân sở hữu 3 chú đại bàng có thể bỏ túi khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Công Nghĩa