Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 'chuột' trên gốm Biên Hòa

11:01, 14/01/2020

Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý, nhiều gia đình đang tìm cho mình những món quà mang ý nghĩa biểu tượng của năm. Nắm bắt xu thế, các nghệ nhân gốm Biên Hòa - Đồng Nai cho ra các tác phẩm nghệ thuật với hình tượng con giáp, gắn với các thông điệp khác nhau để đón chào năm mới may mắn, thịnh vượng!

Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý, nhiều gia đình đang tìm cho mình những món quà mang ý nghĩa biểu tượng của năm. Nắm bắt xu thế, các nghệ nhân gốm Biên Hòa - Đồng Nai cho ra các tác phẩm nghệ thuật với hình tượng con giáp, gắn với các thông điệp khác nhau để đón chào năm mới may mắn, thịnh vượng!

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến đang hoàn thiện các mẫu chuột gốm chuẩn bị chào đón Xuân Canh Tý 2020
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến đang hoàn thiện các mẫu chuột gốm chuẩn bị chào đón Xuân Canh Tý 2020

 

1. Đi qua cầu Hóa An, rẽ vào đường Bùi Hữu Nghĩa chừng 1km, chúng tôi được một người dân địa phương nhiệt tình dẫn tới tận xưởng gốm Hiến Nam mà không quên giới thiệu đây là xưởng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, một trong những người trẻ ở Đồng Nai đam mê gốm truyền thống. Theo như cách lý giải của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, mặc dù gốm Biên Hòa thời gian qua dần mai một, thị trường bán lẻ khó khăn nhưng với lượng đặt hàng sỉ theo đơn đều đặn như hiện tại chứng tỏ cộng đồng vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những giá trị truyền thống.

Chuột gốm được dùng làm quà tặng biểu trưng cho năm Canh Tý 2020 không chỉ góp phần quảng bá sâu rộng nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam mà còn tôn vinh các nghệ nhân nghề gốm truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai trong xu thế hội nhập và hiện đại hóa.

Hoàng Ngọc Hiến không ngần ngại chia sẻ rằng, mùa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, xưởng gốm Hiến Nam của anh bám sát tinh thần đưa hoa văn, họa tiết mới lên mẫu thiết kế chuột gốm nhưng vẫn giữ kiểu dáng, màu sắc cùng đường nét quen thuộc. Lứa chuột gốm đầu tiên xưởng anh ra lò cách đây hơn 1 tháng, đã nhanh chóng “cháy hàng” cũng như được nhiều người đặt mua thêm. Để đa dạng các sản phẩm, anh đã sáng tạo thêm các mẫu phù điêu gần gũi với văn hóa dân gian như: Đám cưới chuột, Vợ chồng nhà chuột, Đàn chuột...

2. Ngoài các mẫu chuột bỏ “tiền” tiết kiệm, phù điêu Đám cưới chuột trên dòng gốm Biên Hòa có lẽ được xem là sản phẩm độc đáo được “săn lùng” nhiều nhất của xưởng gốm Hiến Nam. Đây là sản phẩm thoạt nhìn có vẻ đơn giản và đời thường nhưng trong quan niệm của dân gian thì lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đám cưới chuột khiến người ta nhớ lại những ngày tháng giản dị, khi đám cưới không chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình, mà nó còn là công việc trọng đại của xóm làng, xã hội thu nhỏ. Đám cưới chuột vừa thể hiện tiếng cười hóm hỉnh, vừa thể hiện ước muốn có được cuộc sống yên ổn, an lành… Mẫu phù điêu này vì thế rất phù hợp trong trưng bày dịp Tết, góp phần làm cho không khí Xuân càng thêm đậm chất Xuân.

Một số hình ảnh chuột trên gốm truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai
Một số hình ảnh chuột trên gốm truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai

Bên cạnh các màu men vàng, trắng..., các mẫu chuột gốm còn khoác lên mình màu men xanh đồng, men đá đỏ (men làm từ đá ong Biên Hòa). Đây là hai màu men truyền thống riêng có của Đồng Nai. “Nếu so với tranh giấy Đám cưới chuột thì màu sắc của chuột trên đất gốm hoàn toàn khác, thật hơn, sống động hơn. Chuột sau khi được tạo hình (đắp nổi) bằng tay, sẽ qua các công đoạn vẽ hoa văn, chấm men và đi nung. Trên chất liệu gốm, mọi màu sắc và nét vẽ trên gốm có thể lưu lại được rất lâu, không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài” - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến chia sẻ.

Quan sát kỹ trên phù điêu chuột gốm, người xem sẽ nhận ra những đường nét và màu sắc dân gian Đông Hồ được vận dụng có phần phát triển chứ không cứng nhắc. Phù điêu chuột gốm được phối màu men rất tinh tế, tạo nên sự hài hòa, không quá rực rỡ, rối mắt. Đẹp ở chỗ giản dị. Giản dị như chính cách mà người nghệ sĩ gửi gắm tâm hồn mình vào từng nét, từng màu trên chuột. Từ cái đuôi đến cái miệng cười, chuột đều toát lên sự hân hoan, vui nhộn.

Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng gốm Hiến Nam, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến bật mí, không chỉ sản xuất các sản phẩm gốm truyền thống làm quà tặng mà anh còn thường xuyên đưa gốm Biên Hòa đến tu sửa ở các đình chùa, miếu mạo, góp phần gìn giữ “những biểu tượng tâm linh” do sự xâm hại của các yếu tố tự nhiên, con người. Gần 20 làm nghề, điều mà anh Hiến tự hào nhất là dòng gốm Biên Hòa đã và đang “tái sinh”, xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống và lưu dấu ấn trên nhiều di tích lịch sử, danh thắng trong và ngoài tỉnh.

3. Chìa bàn tay lấm lem đất sét cho chúng tôi xem, bà Phạm Ngọc Sương (64 tuổi, phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) - thợ gốm có hơn 30 năm kinh nghiệm nói: “Ai cũng tưởng rằng làm nghề gốm thì bàn tay phải sần sùi, khô cứng nhưng không phải, bàn tay tôi rất mềm mại, thể hiện rằng, nghề gốm không khổ. Tuy nhiên, làm gốm theo cách truyền thống rất mất nhiều thời gian và công sức. Ví như chỉ riêng khâu vẽ hoa văn cho chuột gốm năm Canh Tý, mỗi ngày tôi chỉ thực hiện được từ 4-6 con. Vì thế, bao lâu nay tôi cũng chỉ nghĩ đến nếp nghề của cha ông chứ không nghĩ đến làm giàu”.

Theo bà Sương, số người làm gốm thủ công Biên Hòa không nhiều, song sản phẩm làm ra vẫn có thị trường tiêu thụ đều đặn theo đơn hàng, dù ít, dù nhiều. Năm nào con giáp đó, xưởng bà làm cũng cho ra lò hàng trăm con giáp bằng gốm, có đơn còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tùy vào kích cỡ, hình dáng và thời gian làm việc mà chuột gốm có giá thành sản phẩm khác nhau. Với chuột “tiết kiệm”, chuột trồng cây cảnh để bàn giá dao động từ 200-300 ngàn đồng/con. Với các tác phẩm tranh chuột, giá từ 500-800 ngàn đồng/tranh.

Phù điêu Đám cưới chuột do nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến thực hiện. Ảnh: My Ny
Phù điêu Đám cưới chuột do nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến thực hiện. Ảnh: My Ny

Không riêng gì anh Hiến, bà Sương mà những nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng gốm Biên Hòa đều nói rằng, tuy mỗi chuột gốm hay phù điêu chuột “xuất” đi trong năm Canh Tý lãi không được bao nhiêu, chỉ đủ ăn và trả công thợ nhưng tình yêu nghề của họ không hề suy giảm. Nhiều người đã dùng cả cuộc đời gắn bó với gốm Biên Hòa, họ không tìm nghề khác, mong giữ lấy việc cho con cháu làm ăn, phát triển những “con giáp” mới để mỗi năm một đẹp hơn, sung túc hơn. Họ muốn đem những nụ cười và niềm vui đến cho mọi người, nhất là những dịp Tết đến, Xuân về.

Ngày nay, công nghệ hiện đại đã giúp người làm gốm đỡ vất vả, kỳ công và rút ngắn thời gian sản xuất. Tuy nhiên, người chơi gốm tinh tường và để ý một chút có thể nhận ra, có rất nhiều khách hàng vẫn lựa chọn những sản phẩm truyền thống. Họ cho rằng, chỉ có làm gốm thủ công thì mới mang đúng hồn cốt, đặc trưng văn hóa của từng vùng miền.

My Ny


 

Tin xem nhiều