Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðời sống văn chương: Những niềm hy vọng mới

03:01, 15/01/2020

Năm 2019 là một năm sôi động ở mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương Việt Nam. Xét trên góc độ tác phẩm đoạt giải thưởng và được xuất bản thì năm qua bức tranh văn chương Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều điểm sáng đáng chú ý. Điều đó, nhen lên trong chúng ta niềm hy vọng về một mùa xuân mới của văn học nước nhà…

Năm 2019 là một năm sôi động ở mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương Việt Nam. Xét trên góc độ tác phẩm đoạt giải thưởng và được xuất bản thì năm qua bức tranh văn chương Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều điểm sáng đáng chú ý. Điều đó, nhen lên trong chúng ta niềm hy vọng về một mùa xuân mới của văn học nước nhà…

Các cây bút trẻ trong Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai - những mầm xanh của văn học tỉnh nhà
Các cây bút trẻ trong Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai - những mầm xanh của văn học tỉnh nhà

* Năm của những sự kiện và giải thưởng

Ở phía Bắc, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay thuộc về tác phẩm Thị dân tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Các tác phẩm của nữ nhà văn Lê Minh Khuê cũng được trao “Giải thưởng văn học trọn đời”. Ở phía Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh được trao cho 4 tác phẩm. Cụ thể, ở thể loại văn, có 2 tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của nhà văn Cao Chiến và Sóng của nhà văn Trương Anh Quốc. Thể loại thơ có 2 tập Biên bản thặng dư của nhà thơ Phùng Hiệu và Phơi riêng tư của nhà thơ Nguyệt Phạm.

Năm 2019, văn học thế giới ngoài các Giải Pulitzer, Giải Man Booker, Giải PEN Pinter… còn sôi động với Giải Nobel. Giải Nobel văn học năm nay được trao cho tác giả người Áo - Peter Handke. Tại Việt Nam, hai trong số những giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam được mọi người trông đợi nhất năm 2019 là Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần V (2016-2019) và giải thưởng thường niên của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ được công bố trong tháng 1-2020 này.

Văn học Việt Nam năm 2019 có nhiều tác phẩm đoạt giải ở nước ngoài. Đầu tiên phải kể đến Giải thưởng văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan chủ trì. Ba nhà văn đoạt giải thưởng gồm Nguyễn Thế Quang với tác phẩm Thông reo Ngàn Hống, nhà thơ Trần Hùng với tác phẩm Vườn khuya và nhà văn Lê Minh Khuê với tác phẩm Làn gió chảy qua. Bên cạnh đó, có Giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ X do Hội Nhà văn Myanmar đăng cai tổ chức. Hai nhà văn Việt Nam xuất sắc đoạt giải là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu với tác phẩm Ở phía rừng Lào và nhà văn Đoàn Tuấn với tác phẩm Mùa chinh chiến ấy.

Một trong những giải thưởng uy tín, danh giá hàng đầu trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ là Giải thưởng sách quốc gia lần II-2019. Trong đó giải A thuộc về  bộ sách Động vật chí Việt Nam (từ tập 26 đến tập 31), Thực vật chí Việt Nam (từ tập 12 đến tập 21) và bộ sách Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu). Giải Sách hay năm 2019 cũng đã chọn ra 7 hạng mục sách để trao tặng giải. Ở hạng mục sách văn học, chỉ có một tác phẩm sách dịch đoạt giải là Vết nhơ của người (tác giả Philip Roth) do Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch.

Ban sáng tác trẻ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được kỳ vọng sẽ là những nhân tố mới, góp phần làm phong phú đời sống văn học
Ban sáng tác trẻ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được kỳ vọng sẽ là những nhân tố mới, góp phần làm phong phú đời sống văn học

Phong trào sáng tác trẻ vẫn giữ được không khí sôi động, hào hứng và có phần khởi sắc bởi sự “nhập cuộc” của hàng loạt cây bút thế hệ 8X, 9X. Theo nhà văn Nguyễn Việt Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, thành tựu rất đáng ghi nhận của văn học trẻ thời gian qua là đã đưa được diện mạo mới, hơi thở mới, cảm xúc mới, đời sống văn chương mới vào các tác phẩm được công chúng văn học và dư luận cổ vũ. Tuy nhiên, văn học trẻ thì vẫn còn một số vấn đề tồn tại như trong các khuynh hướng đổi mới sáng tác.

Đặc biệt, chưa khi nào tình hình xuất bản lại thông thoáng và “dễ dãi” như hiện nay. Mỗi năm có hàng chục ngàn đầu sách xuất bản, không ít trong số đó là sách văn học. Chỉ riêng năm 2019, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản hơn 1.650 tác phẩm bao gồm các thể loại. Cùng với xuất bản, các hoạt động liên quan đến văn học và phục vụ sáng tác diễn ra rất phong phú, đa dạng. Nhiều hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu học thuật được tổ chức; các trại sáng tác, đi thực tế, hội sách diễn ra thường xuyên và liên tục.

Ở Đồng Nai, năm 2019 là mốc đánh dấu sự kiện Văn học - nghệ thuật tròn 40 tuổi. Trên lĩnh vực văn học, hơn 40 tác phẩm đã được xuất bản trong năm - điều này chứng tỏ đời sống văn học Đồng Nai đang có sự chuyển động ấn tượng. Ở thể loại thơ có các tác phẩm như: Xao thu của Đàm Chu Văn, Gầm giường của Lê Sỹ Tùng, Hạnh phúc lang thang của Hoàng Đình Nguyễn. Lĩnh vực văn xuôi phải kể đến Khí phách Biên Hùng, Mẹ hay ô sin của Nguyễn Thái Hải; Trên đồi đất đỏ của Nguyễn Trí; Ngày biển ấm của Hoàng Ngọc Điệp; Cua kềnh vượt vũ môn của Phạm Thanh Quang...

Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp, năm 2019 là năm Đồng Nai không có nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng cao như những năm trước, nhưng những sách đã xuất bản có thể nói đều là những tác phẩm tâm huyết, được các tác giả đầu tư công phu trong nhiều năm sáng tác. Một số đầu sách là một ý tưởng mới trong cả nội dung cũng như hình thức thể hiện. Riêng với văn học trẻ, với nhiều lý do vừa chủ quan vừa khách quan, đội ngũ người viết trẻ Đồng Nai vẫn còn khá trầm lắng.

* Hy vọng mới...

Dẫu số lượng tác phẩm ngày một nhiều, trong đó có không ít tác phẩm hay, gây chú ý của bạn đọc như việc truyện dài Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim thì cũng không thể phủ nhận đời sống văn học đương đại vẫn thiếu những “tác phẩm lớn” - như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận định. Tuy nhiên, “nội bộ” của đời sống văn học hôm nay vẫn chứa đựng sự vận động lớn lao để “bung nở” cho những mùa sau.

Đầu tiên có thể kể đến ở lứa tuổi những “cây bút tuổi hồng”. Giải cây bút tuổi hồng năm 2019 có sự tham gia của hơn 3 ngàn tác giả với 5 ngàn tác phẩm. Giải A thể loại văn xuôi được trao cho em Lê Phương Nhi - lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang bày tỏ hy vọng, giải thưởng sẽ ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra phong trào sáng tác sâu rộng. Qua đó, giúp các em hình thành lối sống đẹp, có ước mơ, phấn đấu trau dồi tri thức, vun đắp và gieo trồng thêm nhiều “trái ngọt” trong cuộc sống cũng như trong sáng tác văn học.

Với văn học trẻ, sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới như: Cúc T, Huỳnh Mẫn Chi, Võ Thu Hương, Phạm Phương Lan, Tống Ngọc Hân... cũng tạo được nhiều dấu ấn. Theo Phó trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam Phong Điệp, nếu nhìn sâu trong văn học thì thấy luôn có sự nỗ lực, dằn vặt của mỗi người viết. Trong sự tự ý thức của mỗi người viết vẫn thấy một khao khát thực sự cháy bỏng, một sự bứt phá. Nhưng từ khao khát đến việc biến điều đó trở thành hiện thực, có những tác phẩm thuyết phục vẫn là quá trình nỗ lực của từng cá nhân. Tuy nhiên có khao khát thì sẽ như một ngọn lửa và chúng ta có cơ hội để hy vọng.

Góp mặt trong dòng văn học trẻ chung ở Đồng Nai có nhiều gương mặt khác biệt nổi bật như: Hạnh Vân, Lê Phan Hiếu Anh, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lã Hoài Mai… Dù rằng họ chưa có tác phẩm thật sự nổi bật trong “làng văn chương” Việt Nam nhưng họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh trên “hành trình” văn chương khó nhọc. Nói như tác giả trẻ Hạnh Vân, công việc cầm bút quan trọng nhất vẫn là đam mê. Chỉ có đam mê người viết mới thực sự sống nghiêm túc với ngòi bút, miệt mài xây đắp và kiến tạo được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), đọc những tác phẩm của người viết trẻ, ông rất mừng bởi họ có nhiều tác phẩm khá chững. Nhưng người trẻ rất dễ bị ngộ nhận bởi thành công dễ dãi nên hãy cẩn thận với điều này. Cách viết của người trẻ là hướng đến công dân toàn cầu chứ không phải chỉ cho những người cùng trang lứa ở Việt Nam nên những suy tưởng, cảm xúc của họ truyền lên trang viết đã mang tính toàn cầu. Ông bày tỏ niềm tin ở những tác phẩm đầu tay của các tác giả trẻ. Họ đã và sẽ thể hiện được thông điệp của thế hệ đương thời.

Mùa xuân đã về thật rộn ràng. Văn chương năm 2019 của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã khép lại. Tuy có chút “trầm lắng” nhưng cũng đã nhen lên trong mỗi người những niềm hy vọng mới. Rằng người đọc đã không thờ ơ với văn học, rằng “không có gì có thể thay thế văn hóa đọc” như Guenter Grass từng viết.

Phạm My Ny


 

 

Tin xem nhiều